Xín Mần là một huyện nằm về phía tây của cao nguyên đá Hà Giang. Nơi này có địa hình núi thấp và trung bình xen lẫn thung lũng.
Cách chúng tôi vài chục bước chân là một tốp phụ nữ người Mông vừa đi chợ bán rau về, quẩy tấu đặt trên vệ cỏ. Họ đang ăn trưa với cơm trắng gói trong lá chuối và một chai nước lọc thay canh.
Chúng tôi gặp sông Chảy dưới chân cầu Cốc Pài, bên kia cầu có con đường đi Pả Vầy Sù, con đường ngược sông Chảy đi về tận phía thượng nguồn. Đến km số 30 trên đường đi Hoàng Su Phì, chúng tôi rẽ trái vào một lối nhỏ khá khuất nẻo sau những lùm cây cháy nắng. Đường lên cửa khẩu Xín Mần còn 25 km thay vì 13 km như trên bản đồ.
Sông Chảy nhìn từ trên cao |
Đi lâu lắm mới lại gặp vài ba mái nhà. Chúng tôi dừng lại bên một ngôi nhà tường dầy cộp nằm ngay cạnh một khúc cua, có một cái hàng rào nứa xinh xinh, vài cây hoa mận trắng đến chuếnh choáng cả người. Một lối mòn nhỏ cũng xinh xinh dẫn vào ngôi nhà khác, cạnh đó có những gốc lê khẳng khiu không hoa không lá, cứ đơn côi vươn cành về phía trời xanh.
Bức tường ngay biên giới |
Chúng tôi qua 3 bản sát biên: Quán Chí Ngài, Hậu Cấu và Tả Mộc Cán… những cái tên đậm chất rẻo cao và như gợi về một thời xa xôi trong quá khứ.
Hai chiến sĩ biên phòng người dân tộc Dao và Nùng dẫn chúng tôi ra cột mốc số 5, cách trạm không đầy trăm mét. Bên kia là đất của Trung Quốc, có một lán chợ họp phiên vào thứ sáu và chủ nhật. Phiên chợ bên phía Việt Nam họp gần bản vào thứ ba và thứ bảy. Nơi đây có 9 dân tộc cùng chung sống, gồm: Kinh, Mông, Nùng, Tày, La Chí, Phù Lá, Dao, Hoa - Hán và Cao Lan. Đến với Xín Mần giống như đến một vùng huyền thoại.