Theo sách thần phả hiện còn lưu giữ ở làng Kim Sơn thì, từ hơn ngàn năm trước làng quê này là thực ấp của hai anh em Cao Điền và Cao Đô, những hộ tướng có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân hồi thế kỷ X.
Kim Sơn nằm ven sông Đuống, làng nông nghiệp nhưng có thêm nghề buôn bán. Từ xưa, bến sông chính của Kim Sơn rất sầm uất, có các thuyền chở mắm, muối, cá, tôm từ miền biển lên; có những bè tre, luồng, lá gồi, gỗ từ thượng du về; người mua, kẻ bán tấp nập. Và, từ nhiều thế kỷ qua, làng quê này đã nổi tiếng là một làng có truyền thống văn hiến và khoa bảng: Làng Then nọ rành rành thuở trước/ Bảng vàng ghi hai tướng năm hiền. (Câu ca này nói tới một niềm tự hào của Kim Sơn, một làng mà có hai Tể tướng và năm người đỗ Đại khoa). Có một điều rất đặc biệt, 5 người đỗ Tiến sỹ đều mang họ Nguyễn, nhưng thực chất, họ thuộc hai huyết thống khác nhau. Làng quê Kim Sơn với chủ yếu là đất bãi, luôn bị lũ lụt sông Đuống, nên mỗi năm chỉ trồng được một vụ màu, năng suất rất thấp. Do vậy, Kim Sơn là làng nghèo, rất nhiều người làng phải đi các nơi khác làm thuê. Từ xưa, người Kim Sơn đã có ý chí mạnh mẽ vươn lên thoát nghèo và trong các con đường vươn lên đó, có con đường khoa cử. Với đặc điểm quan trọng này, người dân Kim Sơn đã tạo nên truyền thống khoa bảng ở làng quê mình, khiến người tứ xứ rất trọng thị.
Người khai khoa cho Kim Sơn là Nguyễn Mậu Tài (1615-1688). Ông có chí lập thân từ bé, nên vượt qua mọi khó khăn, tìm những thầy giỏi để theo học. Năm Bính Tuất 1646 niên hiệu Phúc Thái, đời Lê Chân Tông, ông đỗ Tiến sỹ rồi làm quan trải nhiều chức trọng: Giám sát Ngự sử Hải Dương, Tham chính sứ Sơn Nam, Đốc đồng Sơn Tây, Hữu Thị lang bộ Hộ, Bồi tụng... Năm 1673, Nguyễn Mậu Tài làm chánh xứ sang nhà Thanh. Năm 1675 về nước, ông được thăng Thượng thư bộ Hình, rồi Thượng thư bộ Binh... Sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi: Nguyễn Mậu Tài làm quan trải nhiều chức trọng suốt 40 năm vẫn thanh khiết như kẻ hàn sĩ. Em ruột ông là Nguyễn Mậu Dị (1622-1704). Hồi còn chưa thành danh, Mậu Dị cùng sống với anh trai Mậu Tài. ngôi nhà hai ông ở, về sau thành nhà thờ họ Nguyễn Đại Tôn ở làng Kim Sơn. Ông Nguyễn Mậu Dị đỗ Tiến sỹ khoa Kỷ Hợi 1659 niên hiệu Vĩnh Thọ, rồi làm quan đến chức Lễ khoa Đô cấp sự trung. Người thứ ba đỗ Tiến sỹ là Nguyễn Mậu Thịnh, sinh năm 1668, là cháu nội của Nguyễn Mậu Tài. Sau này, vì tránh húy niên hiệu Vĩnh Thịnh ông đổi tên là Mậu áng... Ông đỗ khoa Tân Mùi 1691 niên hiệu Chính Hòa đời Lê Hy Tông. Năm 1715, đang giữ chức Lại khoa Cấp sự trung, được cử làm phó sứ sang nhà Thanh. Năm 1718, ông dâng tờ khải trình bày bốn việc: 1, cấm xa xỉ; 2, bãi bỏ việc xây dựng các công trình; 3, bớt các việc du ngoạn; 4, tinh giảm các cuộc tuần hành nặng tính du ngoạn. Nguyễn Mậu Tịnh làm quan đến chức Phó Đô Ngự sử, tước Nam. Với hiệu là Di Trai, ông nổi tiếng đương thời về tài thơ văn, để lại cho đời 51 bài thơ chữ Hán chép trong sách Toàn Việt thi lục. Vị Tiến sỹ thứ tư là Nguyễn Duy Viên sinh năm 1662, đỗ khoa Giáp Tuất 1694 niên hiệu Chính Hòa đời Lê Hy Tông.
Theo truyền tụng, Nguyễn Duy Viên là con rể Nguyễn Mậu Tài. Nguyễn Duy Viên làm quan đến chức Thiên Đô Ngự sử, khi mất được tặng Hữu Thị lang bộ công. Người thứ năm của làng Kim Sơn đỗ Tiến sỹ là Nguyễn Khiêm ích, tự Kính Trai, cháu nội của Nguyễn Mậu Tài, nhưng do làm con nuôi của người chồng bà cô ruột, là Phạm Công Thiện, nên theo họ Phạm. Phạm Khiêm ích đỗ Thám khoa Canh Dần 1710 niên hiệu Vĩnh Thịnh đời Lê Dụ Tông, đến năm 1728 lại đỗ khoa Đông Các. Ông làm quan trải nhiều chức trọng; Tả Thị lang bộ Hình, tước phương Lĩnh hầu, chính sứ sang nhà Thanh, Thượng thư bộ Lễ, Đông các Đại học sỹ, hàm á bảo Tá lý công Thần, rồi Thượng thư bộ Lại kiêm Đốc phủ Thanh Hoa, sau thăng đến Thái tể. năm 1736, Phạm Khiêm ích dâng chúa Trịnh Giang sách Thẩm trị nhất lãm, can ngăn việc xây dựng nhiều cung điện làm khổ dân, được chúa Trịnh rất khen ngợi. Ông mất tại trấn Thanh Hoa năm 63 tuổi, được tặng Đại Tư không, ban tên thụy là Thuần Đạo. Văn chương và đức hạnh của Phạm Khiêm ích được người đương thời rất ca ngợi, tác phẩm để đời là Thẩm trị nhất lãm và Kính trai thi tập.
Ngoài năm người đỗ Đại khoa và tiểu khoa. Riêng dòng họ Nguyễn Mậu, có tới tám người đỗ Hương cống thời Lê. Trong số đó có Nguyễn Mậu Dĩnh đỗ Giải nguyên năm Đinh Mão 1747 đời Cảnh Hưng, sau ông lại đỗ thứ hai khoa Hoành từ. Nguyễn Mậu Dĩnh nổi tiếng Thăng Long và Kinh Bắc là người hay chữ, và đã được vua Lê Hiển Tông ban tặng bốn chữ Văn chương hữu dụng. Ông đã cùng chú ruột Nguyễn Huệ Địch đốc xuất dân chúng các làng trong vùng canh giữ làng quê, chống lại cuộc xâm nhập của những toán trộm cướp trong các năm từ 1740 đến 1746. Do vậy, làng Kim Sơn được tặng bốn chữ Trung nghĩa danh lý (làng nổi tiếng trung nghĩa), hiện vẫn treo tại đình làng. Và, bởi thế, Nguyễn Mậu Dĩnh được phong chức Đoán sự...
Dù sống trong một làng nghèo khó, nhưng người Kim Sơn có chí vươn lên thoát nghèo rất cao, và cũng là vươn lên khẳng định phẩm chất văn hiến của làng quê mình. Sau nhiều thế kỷ, ý chí đó đã tạo nên truyền thống hiếu học rất đặc biệt ở làng quê này. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, truyền thống đó vẫn được các thế hệ người dân Kim Sơn phát huy, dù nghèo cũng cố nuôi con ăn học, và đi học thì cố gắng học hành thật tốt.