Ẩm thực truyền thống trên đất Thái

18:11, 13/06/2007

Đặc sản hàng đầu của Thái Nguyên phải nói ngay đến là trà, bởi nước trà Thái đượm đà vị chát dịu, để lại dư vị ngọt ngào và thoảng hương thơm mùi cốm, khiến cho ai mới nhấp môi cũng sẽ còn nhớ mãi. Nhà thơ Dương Thuấn cũng đã phải thốt lên trong bài thơ: Trà Thái Nguyên

“Trà Nhật, trà Tầu, trà năm châu bốn bể
Uống bao thứ trà của nghìn muôn sứ sở
Chẳng đâu ngon thơm như trà Thái Nguyên”

Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, nên đâu đâu trên miền đất Thái Nguyên cây chè cũng được phát triển tốt tươi, đã có những vùng chè nổi tiếng như chè La Bằng (Đại Từ); chè Khe Cốc (Phú Lương); chè Trại Cài (Đồng Hỷ) nhưng nổi tiếng hơn cả là chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Quả thật Trà Tân Cương Thái Nguyên đã sánh ngang được với trà Atxam nổi tiếng của ---ấn Độ hay trà đặc sản Long Tỉnh của Trung Quốc. Du khách qua đây đều nói-“Đến Thái Nguyên mà chưa được thưởng thức một chén trà Tân Cương vào buổi sớm mai, hay chưa mua được vài lạng chè móc câu xao suốt mang về thì chưa thể gọi là đã đến Thái Nguyên”!...

Cũng về thức uống, phải nói ngay tới một số loại nước uống bổ dưỡng mà người dân tộc Tày Nùng ở đây thường dùng đó là nước sa nhân tăng lực; nước củ gừng rừng già uống vào thấy ấm bụng và người tỉnh táo ra nhiều; nước lá mần tươi uống xong thấy giảm hẳn cơn đau nhức xương; nước sắc rễ cây vằn vài uống vào ăn cơm sẽ thấy ngon miệng...
Định Hoá cũng đã nổi tiếng xa gần với rượu ngâm nhộng ong bò vẽ bắt trên rừng về hay rượu ngọt mật ong. Các loại rượu ngâm củ nàng nón, củ tam thất, rượu ngâm vỏ cây tin pết hay ngâm vỏ cây lác khẩu san là những loại rượu bổ máu, đó cũng là những bài thuốc cổ truyền của đồng bào Tày, Nùng ở đây.
Bữa ăn của du khách sẽ ngon miệng rất nhiều với bát cơm gạo bao thai Định Hoá, hạt gạo nhỏ và dài, cơm trắng dẻo, có mùi thơm rơm mới và thoảng mùi cốm rang... chẳng thế mà giá gạo bao thai cao gấp rưỡi giá gạo tẻ khác nhưng mọi người vẫn cố tìm mua. Định Hoá đang từng bước xây dựng thương hiệu gạo “Bao thai đặc sản ATK Định Hoá” và cũng chính vì chất lượng ngon đặc biệt này mà các sản phẩm chế biến từ gạo bao thai ngày càng được nhiều người ưa chuộng như: Mì gạo, bánh phở, bún, bánh cuốn, bánh dò...

Hành hương lên chiến khu Việt Bắc, du khách không quên thưởng thức những đĩa “xôi rừng” đó là xôi trám đen gậy và bùi lại hơi chan chát; xôi nhộng ong rừng (khẩu nua nàng tô) béo và thơm phức...
Trên mâm cơm, những món ăn đặc sản được bầy ra mời du khách có món nộm bi chuối rừng với đủ cả vị chua, cay, đậm, ngọt nhưng lại có thêm vị chát là lạ. Bữa ăn cũng không thể thiếu món mướp đắng hay măng ống nhồi thịt có trộn nhiều mộc nhĩ rừng ròn thơm; món canh gừng nóng hay canh chua nấu cá suối. Măng mai “lưỡi lợn” Định Hoá (từ lâu đã có mặt trên các sạp chợ gần xa) làm ngon thêm bát măng hầm chân dò lợn.

Định Hoá là vùng có nhiều núi đá nên ở đây đồng bào có tập quán nuôi thả rất nhiều dê, vì thế chế biến thị dê là sở trường của vùng này, và trên mâm cơm đãi khách thường có thêm cả rượu tiết dê, thịt tái dê chấm tương gừng, thịt dê hấp, lẩu dê, thịt dê xào lăn với củ xả thái mỏng và cả món nậm dê...
Vào cuối thu là mùa mác cước (trám trắng) rụng đầy, người dân địa phương mang thạ vào rừng nhặt về, om độ 5 phút cho quả trám mềm thơm, bùi ngậy, vừa chan chát lại hơi chua chua; đem kho với thịt lợn hay cá mà ăn vào thì thật khó quên...

Thưởng thức món trám làm ta nhớ lại năm 1954, khi đoàn cán bộ bộ đội rời chiến khu Việt Bắc trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội, nhà thơ Tố Hữu đã nói lời nhắn nhủ với đồng bào ở ATK Định Hoá:
Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng măng mai để già.
Trước đây, do sống ở các bản làng hẻo lánh, xã chợ nên đồng bào sinh hoạt theo kiểu “tự cấp tự túc”, do vậy đã hình thành tập quán làm các món ăn từ thịt ướp để dự trữ lâu ngày như thịt lợn lạp, thịt lợn thính, hèm thịt, hèm cá hay thịt trâu được ướp rồi hong khói trên gác bếp lâu ngày, khi ăn mới mang xuống thái miếng, chế biến các món, ăn vào thấy lạ miệng vì hơi khen khét nhưng miếng thịt lại vẫn đậm ngọt.

Ngoài những món ăn truyền thống thường nhật trên, trong các ngày lễ tết, đồng bào miền núi nơi đây còn có tập quán làm các loại món ăn và nhất là các loại bánh.

Vào dịp Tết nguyên đán, người dân vùng núi vào rừng hái lá dong để về gói bánh tày (loại bánh chưng tròn dài) người ta cũng đào cả khóm củ riềng, khóm củ khinh phia (loại gừng núi đá quý hiếm) để dùng làm gia vị ướp thịt lạp, gia vị muối dưa giá. Trong dịp Tết nguyên đán nhà nhà đều rộn rã mang sắn lát đã phơi khô ra để giã lấy bột, trộn xôi khẩu si, thúc thét hay xay gạo nếp cái lấy bột mịn làm sa cao, pẻng khinh, pẻng đỏ ngũ vị. Người ta còn giã dò, rán nây, rán xá xíu, củ xíu, thịt lạp, nhồi phúng xòng... đó là nhưũng món đặc sản chế biến từ thịt lợn nhà nhà đều nuôi.

Tết Đáp Nọi, người Tày coi là Tết nguyên đán nhỏ vào ngày 30 tháng giêng (hay 29 âm lịch nếu là tháng thiếu) tuy là Tết nhỏ nhưng đồng bào người dân tộc Tày vẫn có bánh chưng, và làm các thứ bánh bột khác như khẩu si, khẩu théc, bánh dò ngũ vị...

Tết mồng 5 tháng 5 còn gọi là Tết giết sâu bọ, mọi người chuẩn bị vào rừng tìm gỗ cây si (mạy rày), gỗ cây mác việt đem về đun bếp để lấy tro, sau đó hoà tro với nước sôi đến khi nào có đủ nước để ngâm gạo mới thôi, người ta lấy lá chít (bâu mủ) gói, rồi bỏ vào nồi luộc chín, bánh tro Định Hoá gói bằng lá chít hình củ ấu, khi ăn chấm với mật ong rừng làm ta thấy vừa mát ruột lại vừa ngọt sắc. Vào dịp Tết giết sâu bọ, người dân Định Hoá còn làm bánh giả gìn bằng cách lấy gạo nếp xay thành bột mịn, trộn với lá giả gìn đã được giã nhỏ, trộn đều với mật mía rồi đem rán chín phồng như bánh rán, nhân dân ở đây cho biết giả gìn là loại cây mà các ông lang lấy quả và lá về để làm thuốc trị giun đũa. Vào dịp Tết mồng 5 tháng 5 đồng bào Sán Dìu còn cất công vào rừng tìm những tổ kiến càng, mang về nhặt lấy trứng kiến để làm bánh nhân trứng kiến với đỗ xanh ăn rất hấp dẫn.

Tết ăn cơm mới đúng vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, người dân địa phương thường nấu xôi trám đen, xôi vừng hay còn cầu kỳ đi tìm một số tổ ong rừng để nhặt lấy nhộng rồi xào chín với đủ liều lượng muối hàng, hạt tiêu cho thơm ngon sau đó trộn vào xôi nóng rồi đảo đều trên chảo thành món xôi nhộng ong “khẩu nua nàng tô” ăn vào sẽ thấy thơm ngon bùi béo.
Tết Trùng cửu tức Tết mồng chín tháng chín, đồng bào các vùng núi ăn tết khá to, điều đặc biệt là nhà nhà đều gặt lúa mới về làm cốm, vì thế đồng bào Tày đã có câu:
Thâng bươn cẩu khẩu mẩn còi mà
Thâng bươn slip tan nà còi tẻo,
có nghĩa là:
Đến tháng chín mùa cốm hãy về
Đến tháng mười mùa gặt hãy lại.

Ngày Tết Đông chí thì nhà nhà lại làm bánh trôi, khác với bánh trôi ở miền xuôi thường được ăn vào dịp tháng ba cùng với bánh chay và ăn nguội; bánh trôi ở đây được làm bằng bột gạo nếp, người ta xay bột nước rồi gạn hết nước và nặn thành từng viên bằng đầu ngón tay cái rồi đem thả vào nồi nước đường đang sôi trên bếp, khi bánh đã nổi lên mặt nước, người ta vớt ra bát ăn nóng cả bánh lẫn nước đường, những ngày đông giá rét, người ta bỏ vài lát gừng vào nồi nước đường, khi ăn bánh có cả nước đường với vị gừng cay nên vừa ngon miệng lại vừa ấm bụng. Bây giờ món bánh trôi nước đường gừng cũng đã phổ biến và có mặt đêm đêm ở các quán bánh trôi nước trên nhiều đường phố Thái Nguyên...