Tư Đình là một làng nhỏ, cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn là một thôn của xã Cổ Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Bắc Ninh. Năm 1889, xã Cổ Linh chia thành hai xã : Cổ Linh và Sài Đồng, làng Tư Đình vẫn là một thôn của xã Cổ Linh.
Theo lưu truyền dân gian, làng Tư Đình xưa có tên là “Tử Hình”. Sở dĩ như vậy vì làng nằm trong một vệt làng ở bờ Bắc sông Hồng, từ Phú Viên- Bồ Đề - Trạm đến làng Nha, đối diện với Kinh đô Thăng Long ở bờ Nam. Các làng này lại nằm kề cận con đường Thiên lý từ các trấn phía Bắc và phía Đông về Thăng Long nên có một vị trí rất quan trọng với Kinh đô từ thời Lê Sơ trở đi : làng Bồ Đề là nhiều lần là nơi các vua lập “hành tại” chạy sang lánh nạn, làng Trạm là trạm cuối cùng trên con đường Thiên lý nêu trên; làng Nha tức “Nha dinh”, là dinh ở của các quan lại cao cấp tập kết ở bờ Bắc sông Hồng trước khi qua sông để vào Thăng Long yết triều. Còn làng Tử Hình là nơi hành hình các phạm nhân bị tội chết. Về sau làng đổi thành Tử Đình, từ sau Cảch mạng Tháng Tám mới đổi thành Tư Đình.
Làng Tư Đình nằm ven sông Hồng. Đầu thế kỷ XX, sông chỉ cách làng chừng 500 mét, về sau, do phần đất bãi của làng luôn được bồi nên hiện nay sông ở cách làng từ 1,3 - 15 km. Xưa kia, làng nằm gọn ngoài bãi, bởi đê sông Hồng từ đầu cầu Long Biên về làng Lâm Du vòng sau các làng Ô Cách, Trạm, Tư Đình, Nha về Đông Dư - Thổ Khối, tức đê ở sau các làng Nhn, Tử Đình hiện nay, nên gọi là “Đê sau”. Đến năm 1925, sau một trận lụt lớn làm vỡ đê, đoạn đê này phải bỏ để đắp đê mới, chính là đoạn từ cầu Long Biên qua trước mặt các làng Trạm, Tư Đình, Nha về Thổ Khối - Bát Tràng hiện nay. Dân làng xưa kia chủ yếu sống bằng nghề trồng ngô và lúa lốc trên đất bãi, xa xưa có nghề dâu nuôi tằm. Mỗi trai đinh từ 18 tuổi trở lên trước đây được chia 3 sào đất bãi. Khi thực dân Pháp lập sân bay Gia Lâm, chúng đã lấy một phần lớn đất cảu làng Tư Đình.
Làng Tư Đình hiện còn ngôi đình và ngôi chàu mang tên Sùng Phúc tự. Đình thờ 5 vị thần là :
- Linh Lang đại vương (hiện thân của Hoàng tử Hoàng Chân - con Vua Lý Thánh Tông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Tống (năm 1075 - 1076), ngoài ra còn có công dẹp giặc Trinh Vĩnh (?). Theo thần phả, ông sinh ngày 13 tháng Chạp, hóa ngày mồng 10 tháng Hai, được 269 làng thờ.
- Đồ Hồ đại vương và Đại Lã hiển ứng là hai vị thiên thần : khi Lê Đại Hành trên đường đi đánh giặc Tống đã đến miếu Tư Đình làm lễ vào ngày 12 tháng Giêng năm Tân Tỵ (năm 981) được hai vị hiển mộng sẽ phá được giặc, nên về sau Lê Đại Hành sức cho làng Tư Đình thờ.
- Nguyễn Thành Tương Liệt đại vương : người xã Bích Thủy, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Đương, sinh ngày 15 tháng Hai, hóa ngày 19 tháng Bảy, đã cho dân làng Tư Đình tiền bạc để mua ruộng cày cấy, về sau giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định nhà Hán.
- Vũ Thị ý : người làng Tư Đình, sinh ngày 21 tháng Tám, hóa ngày 22 tháng Tư. Khi Vua Lý Thái Tổ đi kinh lý dọc sông Hồng, qua đất làng Tư Đình thấy bà đang hái dâu, đưa về cung làm nhũ mẫu, nuôi hoàng tử 5 năm thì xin về, được vua cho 10 nén vàng. Bà lại đem hiến số vàng đó cho làng, nên được làng thờ.
Hội chính của làng vào ngày mồng 10 tháng Hai.