Lễ hội Chá Chiêng của người Thái ở Mai Châu

21:45, 02/11/2007

Ðối với lớp trẻ ngày nay Mai Châu (Hòa Bình) là những bản làng du lịch mang tới nhiều điều mới lạ. Với những người giàu kỷ niệm kháng chiến và yêu văn học thì nhớ Quang Dũng "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi".

Bên cạnh Mường Bi của người Mường, Mai Châu của người Thái là những vùng văn hóa đặc sắc nhất của Hòa Bình.

Tên gọi xưa của Mai Châu là Mương Mai. Xưa nữa thì gọi là Mương Mùn vì đây là vùng đất nằm giữa suối Xia và suối Mùn. Từ khoảng cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14, người Thái từ vùng Khước Hà (Bắc Hà, Lào Cai) đã về đây định cư.

Mai Châu vốn là vựa lúa đầu nguồn sông Mã, là vùng kinh tế phát triển cao, nổi tiếng về nghề chăn nuôi, dệt thổ cẩm... Thổ cẩm Mai Châu từ thời phong kiến đã vượt biên giới Việt Nam.

Sự trù phú, tính cộng đồng chặt chẽ của người Mai Châu được thể hiện trong thành ngữ "Tin duy tò, hò hườm tam" nghĩa là "Chân thang sát, góc nhà kề". Bất cứ nhà ai có người chết, cả làng đều cùng đội khăn tang.

Ở đây, bên cạnh "Xống chụ son sao", người ta còn sưu tầm được trường ca "Ẳm ệt". Ẳm ệt tạm dịch là Sinh tạo, gồm có ba phần. Ẳm ệt luông kể về sự sinh tạo cái lớn như trời và đất, Ẳm ệt nọi kể về sự sinh tạo cái nhỏ. Táy ẳm óc kể về việc sinh ra con người và lịch sử của nó. Mọi cuộc sinh nở đều bắt đầu từ hai nhân vật huyền thoại là Tạo Ính và Nàng On. Họ ăn nằm với nhau đẻ ra mây và gió. Tạo Ính nằm với gió sinh ra mảnh đất bằng lá đa, mảnh trời bằng vẩy ốc... Những quan điểm triết học về vũ trụ và con người được thể hiện rất sinh động gần gũi với đời sống và thói quen liên tưởng của người Thái. Ẳm ệt là một sử thi rất có giá trị, mới được sưu tầm dịch ra tiếng Việt gần đây.

Cái nôi để sinh ra kho tàng sử thi dân ca ấy hiển nhiên là tình cảm, là cuộc sống lao động của toàn thể cộng đồng nhưng trực tiếp sáng tác, diễn xướng, lưu giữ có vai trò đặc biệt quan trọng của thầy mo và các lễ hội.

Lễ hội xưa của người Thái Mai Châu có nhiều như Cầu mùa, Cầu mưa, Nhóm lửa về nhà mới, Mừng cơm mới, Lễ bỏ vía...

Có một lễ hội đặc biệt gắn với bản thân người thầy mo là lễ hội Chá Chiêng.

Thầy mo của người Thái (còn gọi là Mùn, Mường), trước hết là người có hiểu biết về nhiều mặt, nhất là phong tục của tộc người mình. Thầy mo vừa là thầy, vừa là người cùng cai quản bản mường cùng quan chức hành chính. Ông được tôn xưng là con trời, người có khả năng giao tiếp với thần linh. Thầy mo được ma (Phi) nhập vào thì gọi là Mùn Luông. Phi Mùn như cái bóng, như sức mạnh trấn quỷ trừ ma của thầy mo.

Vì có kiến thức nhiều mặt, với cả y thuật lẫn quỷ thuật, trong quá trình hành nghề, thầy mo đã chữa được nhiều bệnh cho nhiều người. Những người bệnh nặng được thầy chữa khỏi tự nguyện trở thành con nuôi của thầy mo, gọi là Lục mày hay Lục liểng, Lục nà. Cứ ba năm, Mùn Luông tổ chức lễ tạ ơn thần linh, mời quan quân ở "mường Trời" xuống "Mường trần" ăn cỗ, gọi là lễ hội Chá Chiêng.

Lễ hội này thường được tổ chức vào mùa xuân khi cây mạ đã xanh và hoa ban đã nở đẹp núi rừng. Trong lời mo mời có câu:

"Xuống ăn chiêng hoa mạ
Xuống ăn chá cỗ tết hoa ban..."

Cỗ bàn của lễ hội này gồm hàng vài ba chục mâm do chủ tế là thầy mo cùng các con nuôi là Lục mày đóng góp, bàn soạn.

Nhà sàn của thầy mo vào dịp ấy được trang trí sặc sỡ bằng những tấm thổ cẩm đẹp nhất. Ở giữa nhà cắm một cây hoa gọi là cây hoa chá. Trụ cây hoa là một cột tre cao. Ở trên cùng là bông hoa bua giùa. Ðây là bông hoa suốt đời không héo (Boóc bua giùa báu hủ sụt chua) tượng trưng cho sự linh thiêng và sức mạnh vĩnh hằng của Mùn Luông. Ở phía dưới có những lỗ để các con nuôi mỗi người cắm một cành hoa do mình mang đến được chế tác rất khéo léo, công phu từ trước làm bằng gỗ một thân cây mềm gọi là phá phước.

Ngoài tầng trời (then chỏm), ở tầng trần gian người ta bày những con vật và đồ vật (tượng trưng như cái cày cái bừa, con dao, khung cửi, trâu bò, ếch nhái, v.v...).

Cả hoa lá, núi rừng, cả đời sống sinh hoạt của người Thái, thiên nhiên bên trong và bên ngoài của người Thái cùng hòa hợp, tạo nên không khí vui tươi của lễ hội, làm cho con người gắn bó với nhau hơn bằng tình cảm, con người càng yêu thêm thiên nhiên, làng bản và những sản vật do mình làm ra.

Ngoài chủ lễ, còn có Mùn khách gọi là ông Lam. Ông Lam diễn xướng bài mo mở đầu Pôn côn pời mường xin Then Luông (Trời, Ðấng tối cao) ban cho ông Mùn Luông có phép thuật và sức mạnh của thần linh để làm lễ Chá Chiêng. Sau đó, Mùn Luông hát mo Láng bản, Láng mường (rửa bản, rửa mường) nhằm xua đuổi ma quỷ, cầu may cho nguồn nước trong lành, con người và các vật béo tốt, sạch sẽ, hoa lá xinh tươi. Ứng với bài mo này, có lễ vật một con chó, một con lợn cúng ở bìa rừng...

Ngày thứ hai là ngày lễ quyện vào hội, có ăn uống múa hát và diễn xướng nhiều tích trò như ma tốt, ma khỏe của mường đuổi ma xấu, ma ác.

Kết thúc lễ hội là bài mo Tiễn quan quân mường Then về trời. Nhưng trước đó, Mùn Luông diễn xướng phần Kếp boóc (nhặt hoa). Ông thầy mo tay cầm quạt, đi quanh cây chá, cầm từng cành hoa của từng đứa con nuôi hát đoán về số phận tương lai của họ, nhắc nhở về cách cư xử, khuyên răn đạo đức, ca ngợi cuộc sống yêu thương, tình nghĩa. Có thể coi đây là những bài học, những buổi lên lớp thấm thía đối với tất cả mọi người ở thời kỳ không có trường học chính quy.

Với lễ hội Chá Chiêng, điều đầu tiên là tình cảm, ân nghĩa, tình cảm uống nước nhớ nguồn được bồi đắp. Nhân dân lao động được tự do bày tỏ khả năng sáng tạo trong sản xuất và hoạt động nghệ thuật; trai gái được bày tỏ tự do yêu đương, cả bản cùng hưởng thụ thành quả lao động, thành quả văn hóa, được đắm say trong những bài mo suốt ngày đêm kể về trời đất, kể về sinh hoạt cộng đồng và các sự tích...

Hẳn nhiên, lễ hội Chá Chiêng cũng có yếu tố mê tín, bắt buộc cống nộp đôi khi nặng nề. Bằng mắt nhìn cực đoan, thổi phồng cái tiêu cực hoặc không thấy được ý nghĩa văn hóa sâu sắc trong lễ hội này cũng như nhiều lễ hội truyền thống khác mà các lễ hội dần mai một vì thời gian, cả vì những mệnh lệnh hành chính. Phần lễ bị tước bỏ, cấm đoán nhiều lại chính là phần mang đậm bản sắc truyền thống và các tác phẩm văn học dân gian có giá trị.

Lễ hội luôn để lại dư âm tốt đẹp trong tâm thức của các thế hệ, niềm luyến tiếc về một cuộc sống tươi vui rực rỡ xa xưa. Lễ hội mất đi thì dễ nhưng khôi phục thì khó, nếu không nói là hầu như không khôi phục được.

Tây Bắc là hòn ngọc của Tổ quốc, không chỉ vì cảnh đẹp của thiên nhiên mà còn vì sự lấp lánh của các tầng lớp văn hóa, trong đó có những lễ hội mà dù thế nào, cũng không thể để bị mai một.