Quản Bạ - một điểm dừng chân hấp dẫn

10:35, 25/12/2007

Điểm đến trong tương lai- đó là một thông điệp khá quen thuộc của ngành du lịch nước nhà và tôi mạo muội dùng thông điệp đó khi nói về vùng đất Quản Bạ.


Mà quả thực đúng như vậy, có thể khẳng định không có vùng đất nào lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng những tiềm năng du lịch như huyện Quản Bạ. Với độ cao hàng nghìn mét so với mặt nước biển, Quản Bạ có khí hậu mát mẻ quanh năm như những điểm du lịch nổi tiếng của đất nước là Sa pa (Lào Cai), Đà lạt (Lâm Đồng)... Chỉ cách thị xã Hà Giang hơn 1 tiếng đồng hồ ngồi xe ô tô, du khách đã có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp có một không hai của thị trấn vùng cao này. Từ trên cao nhìn xuống, thị trấn Tam Sơn như một bức tranh. Những dãy núi trập trùng vô tận, bao bọc, xen lẫn phố xá, nhà cửa. Những cánh đồng, thửa ruộng mướt mát cho núi Đôi vun đầy, no đủ... Có lẽ không nơi nào có được cặp núi tròn trịa và thành tân như núi Đôi. Nó đã trở thành nguồn cảm hứng thi ca cho biết bao thi nhân mặc khách khi dừng chân trên đèo lên cổng trời. Dù đã có không biết bao tích chuyện kể, bao truyền thuyết về núi Đôi nhưng có lẽ trời đất đã cảm thương những con người vùng cao nghèo khó mà ban cho đôi bầu sữa no ấm. Và có lẽ cũng nhờ bầu sữa này mà thời gian cứ trôi và người dân nơi đây vẫn kiên gan bám trụ mảnh đất nhọc nhằn gian khó này. Cũng chính trên mảnh đất này, nhờ sự cần cù chịu khó mà Quản Bạ ngày càng có nhiều sản vật thơm ngon, níu lòng du khách mỗi khi qua đây. Không bằng lòng với những gì đã có, hiện nay, Quản Bạ còn được biết đến như một vùng đất giầu tiềm năng về rau hoa cao cấp trái vụ cung cấp cho những thị trường khó tính. Với những điều kiện tự nhiên về khí hậu, đất đai như Quản Bạ tại sao chúng ta lại không có quyền nghĩ về một ngày mai Quản Bạ sẽ là vùng đất của hoa trái, của những tua du lịch sinh thái, du lịch hang động... Khi đó khám phá những khu rừng rậm nguyên sinh, dưới tán những rừng thảo quả sum xuê, đỏ ối chẳng phải là điều thú vị của du khách hay sao? tận hưởng những hương vị, sắc màu của các làng nghề truyền thống như rượu Thanh Vân, thổ cẩm Lùng Tám chẳng phải là điều du khách tìm kiếm hay sao? hoà mình vào những phiên chợ vùng cao đầy âm điệu, màu sắc để suy ngẫm về kiếp nhân sinh, để thấy ý nghĩa của cuộc sống mà mình đang có, để quí trọng và nâng niu... Và tại sao ta không hy vọng rằng rồi một mai không xa, du khách sẽ biết đến hệ thống hang động Khú Mỉ như là động Phong Nha- Kẻ Bàng. Bởi không một ai đã có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hang động Quản Bạ không khỏi ngờ ngàng vì một danh thắng đẹp đến nhường đó vẫn bị bỏ không, hoang phí.

Tiềm năng du lịch của huyện Quản Bạ là điều không thể bàn cãi nhưng quan trọng là làm thế nào để Quản Bạ trở thành điểm đến của du khách trong tương lai thì đó là cả một bài toán khó đang đợi các nhà quản lý, các ngành chức năng tìm lời giải. Lời giải đó phải chăng là sự qui hoạch có tầm vĩ mô, lâu dài. Công tác quảng bá danh thắng của địa phương cần phải được nhìn nhận đúng trong nỗ lực phát triển ngành công nghiệp không khói. Qua đó, không chỉ giới thiệu được những tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn nâng cao nhận thức cho người dân về du lịch một cách đúng đắn và đầy đủ. Bởi chỉ khi xã hội hoá được công tác du lịch thì tiềm năng du lịch mới có cơ hội phát triển.

Mỗi lần, ngược dốc Bắc Sum lên với Quản Bạ, lòng tôi lại ước ao, giá như dọc hai bên đường thay cho đồi núi trơ trọi như hiện nay là rừng cây xanh lá, được thấy lại hình ảnh cây sa mu trầm mặc, những vườn đào ấm áp màu hồng phai...