Lễ Căm Mường của đồng bào Lự ở tỉnh Lai Châu được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. Đây là dịp để bà con dân bản dâng tế lễ vật cầu khẩn thần sông, thần núi, thần khe, thần suối thần rồng phù hộ cho bà con dân bản no đủ, điều lành ở lại, điều dữ mang đi.
Ở Lai Châu đồng bào Lự chiếm gần 2% dân số thuộc nhóm người Lự trắng sống chủ yếu ở huyện Sìn Hồ và huyện Tam Đường. Đồng bào Lự cư trú dọc theo các dòng sông, khe suối và tên bản làng thường được gắn liền với đặc thù của miền đất họ sinh sống. Từ trước đến nay, với đời sống định canh định cư, người Lự đã biết canh tác lúa nước từ rất sớm, nên đời sống vật chất của họ tương đối ổn định. Chính vì vậy mà vốn văn hoá tinh thần cũng phong phú đa dạng với nhiều loại hình văn hoá dân gian mang đậm bản sắc của người Lự.
Lễ Căm Mường là lễ để bà con dân bản thể hiện lòng thành kính dâng tế lễ vật lên các vị thần. Từ xưa đến nay lễ Căm Mường bao giờ cũng được làm rất trang trọng. Mỗi gia đình sẽ cử ra một người đại diện là nam giới đi tham gia phần phụ lễ, khi về sẽ có “lộc” dành cho những người ở nhà.
Mở đầu cuộc lễ, thầy cả đọc lời tuyên bố lý dó buổi lễ. Trong lời tuyên bố lý do buổi lễ của thầy cả đề cập tới lịch sử của người Lự, lịch sử bản mường, cái lý của việc làm lễ Căm Mường và những người sẽ được “thụ lễ” lần này.
Khi cuộc lễ bắt đầu "say" các thầy lạy một lạy rồi bắt đầu đọc lời khấn. Trong phần lễ này không có khèn, sáo, trống hay bất kì một loại nhạc cụ nào để làm âm vang. Theo quan niệm của người Lự thì như thế sẽ làm ảnh hưởng tới các linh hồn riêng, mà cái linh hồn ở đây chính là sự thần bí, linh thiêng ẩn hiện trong những lời khẩn cầu của thầy cúng:
Núi rừng mang hồn nước
Khe suối lượn hình sông
Thần rồng bay lượn múa
Phun nước tưới ruộng đồng
Cho ngô lúa trổ bông
Cho mùa vàng trĩu quả.
Người Lự ví lễ Căm Mường là dịp để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần được thể hiện bằng các lễ vật dâng tế trong buổi lễ. Những lễ vật này do dân bản tự nguyện đóng góp, và thầy cúng sẽ khẩn cầu lên vị thần thấu hiểu lòng thành kính của dân bản, mong được mùa bội thu, thóc lúa đầy bồ, già trẻ gái trai trong bản được vui vẻ sum vầy hạnh phúc.
Sau khi kết thúc phần lễ sẽ đến phần hội, các chàng trai thổi sáo để các cô gái hát những bài ca của dân tộc mình. Những lời hát mộc mạc, giản dị, nhưng ẩn sâu trong đó ý nghĩa nhân văn cao cả, đó cũng là lời gửi gắm, nhắn nhủ của thế hệ đi trước dành cho lớp trẻ hôm nay phải biết chung tay xây dựng bản mường ngày càng ấm no hạnh phúc.
“Hôm nay là ngày vui
Hôm nay là ngày hội
Dân bản được vui chơi
Được cùng nhau múa hát
Được thoả ước mong chờ
Cùng chung chén rượu ngọt
Cùng ôn chuyện ngày xưa
Những ngày còn đói khổ.
Hôm nay đã khác rồi
Cuộc sống mãi xanh tươi
Nhà nhà được no ấm
Bản mường vui mở hội…"
Cùng với các bài hát thì các trò chơi như kéo co, đẩy gậy cũng không thể thiếu trong lễ hội này. Nó thể hiện sức mạnh của mỗi người, đồng thời nếu ai thắng sẽ gặp may mắn trong năm tới, còn ai thua sẽ là gặp không may. Vì vậy mà kết thúc lễ hội mọi người cùng té nước để cầu may, cũng như gột rửa những điều không may mắn.
Sau lễ Căm Mường, tất cả họ hàng dòng tộc, các gia đình trong bản sẽ sống đoàn kết, thương yêu nhau hơn.Với những lời khẩn cầu trong lễ Căm Mường thì tất cả các gia đình sẽ phải cố gắng nuôi dạy con cái học hành để có cuộc sống tốt hơn các thế hệ đi trước. Đây chính là nét đẹp trong vốn văn hoá dân gian của đồng bào Lự nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung cần tiếp tục được bảo tồn giữ gìn và phát triển.