Miền núi Tây Bắc Việt Nam có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống với bản sắc văn hoá vùng cao ít nơi nào có được, vì thế luôn hấp dẫn khách du lịch xa gần. Dưới đây là vài nét về những kiểu cầu hôn có một không hai của thanh niên dân tộc ít người ở nơi này.
Có con… rồi mới cưới vợ
Người dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc ít người nhất nước ta, sinh sống ở vùng đất biên giới Lai Châu và Lào Cai. Trai gái dân tộc này có phong tục trùm kín chăn khi hát giao duyên tình tự với nhau mỗi khi trong bản có lễ hội. Có lẽ do miền đất họ sống gần như quanh năm giá lạnh, có nhiều mùa đông tuyết phủ trắng núi rừng, nếu không có chăn ấm làm sao mà họ ngồi lâu tâm tình với nhau được?
Nhưng có một lý do nữa, đó là phong tục người Hà Nhì không cho người khác nhìn thấy con trai giao duyên với bạn gái. Trùm chung chăn kín nhưng họ vẫn giữ được ranh giới nhất định, bởi vì luật tục của người Hà Nhì rất khắt khe với những cô gái chưa chồng.
Thanh niên Hà Nhì được tự do kết hôn, nếu bạn gái yêu mình thì chàng trai dẫn về nhà thưa chuyện với cha mẹ xin cưới làm vợ. Cả nhà đồng ý thì làm lễ trước bàn thờ "kính báo" với tổ tiên gia đình mình có cô con dâu mới. Nhà chú rể làm cỗ mời cả họ hàng và dân bản tới cùng vui. Nếu có điều kiện thì nhà trai mang sang cho nhà cô dâu: một ít tiền (trước đây là mấy đồng bạc trắng, nhiều năm gần đây là tiền mặt), một con lợn khoảng 50 cân, 50 lít rượu trắng, 1 đôi gà sống, cùng xôi nếp và trứng chia đều làm hai gói…
Đây là lần cưới đầu tiên của trai bản Hà Nhì đối với vợ mình. Người vợ từ đó trở đi phải mang họ nhà chồng. Khi có con hoặc kinh tế gia đình khá giả thì người chồng phải tổ chức đám cưới lần thứ hai… với chính vợ mình. Có phải do tìm hiểu kỹ trước khi kết hôn hay vì phong tục hôn nhân của người Hà Nhì chặt chẽ, mà vợ chồng các gia đình của dân tộc này rất ít khi ly hôn?
Sau hai lần ăn hỏi… mới được kết hôn
Đó là phong tục đối với người con trai dân tộc Dao đỏ. Qua để ý từ chợ phiên hay lễ hội của bản làng, nếu thích cô nào thì chàng trai về nói với bố mẹ đi tới nhà gái hỏi tuổi người mình yêu. Nếu hợp tuổi nhau thì gia đình chàng trai trao cho nhà cô gái đồng bạc trắng. Nhà gái dù muốn gả hay không, thì lần xin hỏi đầu họ cũng đều từ chối nhận đồng bạc trắng ấy.
Một thời gian sau, nhà trai lại tới xin ăn hỏi lần 2. Nếu 3 ngày sau đó mà không thấy nhà gái đem trả đồng bạc trắng, nhà trai biết chắc họ đã đồng ý gả con cho nhà mình.
Gia đình chàng trai chọn ngày lành tháng tốt để mang lễ vật tới nhà cô gái bàn ngày cưới . Sau lễ ăn hỏi chính thức, cô dâu tương lai được gia đình tạo điều kiện để có nhiều thời gian nhàn rỗi trong một năm để dệt may, thêu thùa hai bộ quần áo cưới từ số vải và chỉ thêu do nhà trai đưa tới hôm lễ ăn hỏi chính thức.
Nổi bật nhất trong đám cưới của người Dao đỏ là trang phục của cô dâu với chiếc khăn đỏ lớn trùm lên chiếc mũ đỏ màu cờ, đính nhiều nụ hoa tết từ len đỏ, cài xen những lắc nhạc đồng xinh xinh. Mũ áo của cô dâu người Dao đỏ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo về sắc màu và sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống.
Đã có khá nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật mô tả vẻ đẹp hiếm có của trang phục phụ nữ Dao đỏ. Đặc biệt là phong tục mời cưới của họ thay thiếp mời hồng bằng giấy là 2 đồng tiền xu bằng kẽm cổ truyền, đó là biểu tượng gắn bó cả đời giữa cô dâu và chú rể. Người được mời dự cưới phải trả lại 2 đồng tiền xu trên khi đi dự cưới và mừng cô dâu chú rể 2 đồng tiền giấy (giống nhau về giá trị và giống nhau cả về hình thức, đựng trong phong bì kín), ví dụ mừng 2 tờ 20 ngàn đồng hoặc 2 tờ 50 ngàn đồng…
Cùng họ… không được phép lấy nhau
Người dân tộc Mông ở Tây Bắc, dù là dân tộc Mông hoa (Mông Lênhx), Mông trắng (Môngz đơưz), Mông đen (Mông đuz), dù mang họ gì (ví dụ họ Giàng, họ Tráng, họ Thào, họ Cư, họ Má, họ Lừu...) trai gái yêu nhau mà phát hiện ra cùng có họ giống nhau, dù họ xa bao nhiêu đời đi nữa, cũng không được phép lấy nhau.
Theo phong tục truyền thống của người Mông, đã là cùng mang tên họ giống nhau thì đều coi là có chung tổ tiên, coi nhau như họ hàng và có thể sinh con hoặc chết ở nhà người cùng họ.
Chú rể người Mông ở huyện Bát Xát (Lào Cai) còn thực hiện một phong tục đặc biệt vào sáng ngày mồng một Tết Nguyên đán. Đó là phải tự nguyện làm tất cả mọi việc cho gia đình, từ nấu cỗ cho đến rửa bát, chăn gà lợn… Sau đó, khách quý đến chơi nhà, người vợ chủ động làm cơm mời khách, chồng và khách uống rượu càng say thì người vợ càng vui. Các bà vợ rất vui vì họ được coi là người hiếu khách và rất yêu quý chồng. Thế mới có chuyện thật như đùa. Có ông chồng đêm đến lấy váy thổ cẩm mới mua của vợ đắp cho bạn ngủ sau tiệc rượu khuya, mà người vợ vẫn không phàn nàn gì.