Làng dân tộc J’rai M’rông Yô thuộc xã Ia Ka (huyện ChưPảh, tỉnh Gia Lai) đang lưu giữ 30 bộ cồng chiêng, phần nhiều là những bộ chiêng cổ - đây là một trong số ít buôn làng giàu chiêng nhất ở vùng Tây Nguyên.
Ông K’sor Blăo - Trưởng làng M’rông Yô khẳng định, dân làng dù có đói ăn cũng chịu được, chứ thiếu tiếng cồng chiêng thì coi như mất tất cả và cũng chẳng còn là buôn làng của người J’rai nữa. Trước đây tình trạng “chảy máu” cồng chiêng xảy ra ở đâu thì không biết, chứ ở làng này không mất đi một bộ nào và còn nhiều hơn nữa là đằng khác. Minh chứng cho lời ông nói, hàng chục năm nay bà con trong làng giữ gìn văn hoá cồng chiêng như bảo vệ sự sinh tồn và phát triển của cộng đồng, không ai được quyền bán đi bằng bất cứ giá nào.
Những bộ cồng chiêng ở làng M’rông Yô lưu giữ gần như còn nguyên về cấu trúc và thanh âm của một dàn chiêng cổ, âm thanh phát ra trầm bổng và ấm áp. Có những dàn chiêng nhiều chiếc phải cần đến 30 - 40 người mới chơi được và chơi hay. Người biết chơi chiêng ở M’rông Yô rất nhiều, từ những nghệ nhân cho tới trẻ em 15, 16 tuổi. Người đánh chiêng giỏi nhất là trưởng làng K’sor Blăo. M’rông Yô có 2 đội chiêng mang tính “chuyên nghiệp”, một đội già gồm những nghệ nhân lớn tuổi và một đội trẻ. Lớp già có nhiệm vụ truyền đạt lại những kỹ năng chơi chiêng cho lớp trẻ, về sau lớp già mất đi, lớp trẻ sẽ thay thế, đời này đến đời khác nối tiếp, mỗi người dân trong làng là một nốt nhạc trong dàn giao hưởng cồng chiêng của cộng đồng.
Vào những kỳ lễ hội hàng năm, đội chiêng M’rông Yô sáng thì ở làng này, chiều tối lại ở làng khác. Đội chiêng M’rông Yô từng đại diện cho “làng chiêng” của người J’rai ở Gia Lai ra biểu diễn tại Hà Nội nhiều lần, và được công chúng cổ vũ rất nhiệt tình. Ông Rơ Chăn H’Mút - cán bộ văn hoá xã Ia Ka cho biết, mỗi lần ra biểu diễn tại Hà Nội, các nghệ nhân lại được vào Lăng viếng Bác Hồ, bà con ở làng đang ngày đêm ấp ủ thành lập một dàn cồng chiêng mang tên Bác và sáng tác âm điệu theo các bài hát về Bác Hồ để mỗi khi tấu lên là như có Bác ở bên…