Hàng triệu người hành hương về đất Tổ

10:59, 15/04/2008

Năm nào cũng vậy, đến ngày mùng 10-3 âm lịch, Phú Thọ- nơi quê Cha đất Tổ lại được đón hàng triệu lượt người hành hương về cội nguồn dân tộc. Đặc biệt là những năm gần đây, lượng khách rất đông và đến từ rất sớm. Năm nay cũng vậy, Đền Hùng trở nên tấp nập từ những ngày mùng 4-3 âm lịch.

Mới 7-8 giờ ngày 8-3 âm lịch, từng đoàn xe ô tô, xe máy mang biển số của khắp các tỉnh trong cả nước đã lần lượt vào bãi đỗ xe chở theo hàng triệu người về với Đền Hùng. Trong không khí náo nhiệt, đông vui của ngày hội, nhìn dòng người đi như dòng chảy, tiếp nối  nhau để được vào thăm Đền, thắp hương viếng mộ Tổ là điểm hội tụ tinh thần đoàn kết của dân tộc. 

 

Cố len trong dòng người đông đúc, tôi làm quen với bạn Nguyễn Tuấn quê ở Hưng Yên, hiện đang là sinh viên năm thứ 4 khoa Tạo dáng công nghiệp của Viện Đại học mở Hà Nội. Tuấn vui mừng nói: “Mình về thăm Đền Hùng lần này là lần thứ 3, mình thấy hội năm nay đông vui hơn những năm trước và ngày càng có nhiều hoạt động phục vụ cho lễ Hội phong phú, hấp dẫn chẳng hạn như: Hội chợ hoa quả, hội thi gói bánh chưng, bánh dày và rất nhiều gian trưng bày sản phẩm đặc sản của Phú Thọ. Mình rất mong muốn năm nào cũng được về thăm Đền Hùng vào những dịp giỗ Tổ”.

 

Cùng đi với đoàn của Tuấn, bạn Trần Thu Hiền (quê ở Hải Phòng) nói: “Tôi đọc rất nhiều sách viết về Đền Hùng để tìm hiểu về nguồn gốc của dân tộc Việt. Tôi nhận thấy nguồn gốc của người Việt, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của đồng bào ta được sinh ra từ “một bọc trăm trứng”. Đền Hùng là một nơi vô cùng linh thiêng, vì thế tôi luôn tâm niệm và cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với mình và tất cả mọi người hướng về cội nguồn”.

 

Chia tay các bạn sinh viên trẻ, trên lối đi đến hội chợ hoa quả, tôi gặp một vài cụ già khoảng trên dưới 70 tuổi đang ngồi nghỉ chân dưới gốc cây gió mát. Sau khi tôi giới thiệu là phóng viên, các cụ cho biết các cụ quê ở Thái Bình và tôi được góp vui với các cụ bằng mẩu bánh củ mài cổ tích, (một loại bánh đặc sản của Đền Hùng).  Các cụ phấn khởi nói: “Ngồi ô tô hàng trăm cây số, đi đường xa chúng tôi cũng mệt, may mà năm nay thời tiết thuận lợi, có mưa nhẹ, tiết trời mát mẻ, nên về Đền Hùng lần này chúng tôi không thấy mệt mà thấy tinh thần phấn chấn. Chúng tôi về Đền Hùng là muốn được dâng lên Vua Hùng, mẹ Âu Cơ, các nàng công chúa những sản vật quê hương tôi làm ra để tỏ lòng thành kính đối với nơi cội nguồn dân tộc và cầu mong những điều may mắn cho các con, các cháu”.

 

Anh Hoàng Văn Thêm thuộc đơn vị Thông tin M3 đóng tại Sơn Tây (tỉnh Hà Tây) với bộ quân phục trang nghiêm, hồ hởi nói:  “Tôi đi trẩy Hội cùng gia đình, vừa lên đến Đền Hùng nhưng tôi đã được hoà cùng dòng người đông đúc, nhích từng bước rồi mới lên được đền Thượng, thật là đông vui, náo nhiệt. Tôi mong sao đất nước ta luôn yên bình và dân tộc ta mãi mãi được đoàn kết sum vầy như ngày hôm nay”. Tôi cảm động trước những lời nói mộc mạc nhưng sâu sắc của một người lính cụ Hồ. Vâng, mỗi chúng ta luôn mong muốn được sống trong hoà bình để được đền đáp công ơn với Vua cha, được tri ân với tiên tổ.

 

Về với cội nguồn còn có rất nhiều bà con là dân tộc thiểu số, họ sinh ra và lớn lên ở vùng sâu, vùng xa, chưa được tiếp cận nhiều với văn hoá mới tiên tiến hiện đại, chưa có nhiều cơ hội để hiểu biết về một xã hội hiện đại, song từ khi được sinh ra làm người họ đã hiểu họ cũng là một người Việt và cũng biết cội nguồn dân tộc được sinh ra ở đâu. Chị Mùa Thị Say, năm nay 20 tuổi, đến từ  huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái tâm sự: “Em đến Đền Hùng lần này là lần thứ 3, em muốn về thắp hương viếng mộ Vua Hùng, được nhìn ngắm nhiều người và điều em thích thú là được ngắm phong cảnh của Đền Hùng. Tuy rằng trên quê em cũng có nhiều rừng cây, nhiều đồi núi nhưng ở Đền Hùng em có cảm giác phong cảnh thật hùng vĩ và linh thiêng”. Từng lời nói của Say đã thể hiện ước muốn mộc mạc, giản đơn của một thiếu nữ vùng cao được trở lại Đền Hùng vào những ngày hội đông vui.

 

Có thể nói Đền Hùng là nơi hội tụ của mọi tầng lớp dân tộc, dù ở phương trời nào họ cũng vẫn nhớ về nguồn cội. Họ trở về Đền Hùng trong ngày giỗ Tổ để được tỏ lòng tri ân, thành kính tới các Vua Hùng, được gặp gỡ những người anh em đoàn kết cùng sinh ra từ “Bọc trăm trứng” và để nhớ đến câu ca truyền đời “ Con người có tổ có tông/ Như cây có gốc như sông có nguồn”, trở về với cội nguồn dân tộc trong niềm hân hoan, hào hứng.