Ở Trường Sơn từ bao đời nay, người Cơtu đã tạo ra những vật dụng cần thiết nhằm giảm bớt sức lao động và phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Từ những vật liệu có sẵn trong rừng, với đầu óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo qua bao thăng trầm để rồi những vật dụng đó ngày một cải tiến hoàn thiện hơn, góp phần làm giàu vốn văn hoá của cư dân miền núi, trong đó có nghề đan lát truyền thống đã làm nên độc đáo và phong phú về văn hoá vật thể - phi vật thể trong đời sống người Cơtu.
Người Cơtu vùng núi Quảng
Trên vùng đồng bào Cơtu sinh sống, núi rừng có nhiều mây, tre, nứa, lồ ô và các loại dây leo khác... Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để đồng bào Cơtu phát triển nghề thủ công này nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như vận chuyển và săn bắn, hái lượm của mình.
Khi nguyên liệu được bà con khai thác về, tuỳ thuộc vào từng loại sản phẩm mà họ có thể đem ngâm ở khe suối hoặc chẻ ra rồi vót thành nan đem đặt trên dàn bếp để khỏi bị mọt mà còn tạo cho cho sản phẩm có độ bền và màu sắc đẹp hơn.
Già làng B'ríu P'râm (86 tuổi, dân tộc Cơtu) hiện đang sống tại xã Sông Kôn huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam - nguyên Bí thư Huyện uỷ Hiên (nay là hai huyện Đông Giang và Tây Giang - và một số già làng dân tộc Cơtu lớn tuổi cho biết: Kỹ thuật đan lát của người Cơtu rất phức tạp, vì vậy để đan được sản phẩm với họ quả là sự chịu khó và khiên nhẫn không phải đàn ông Cơtu nào cũng làm được. Tuỳ thuộc vào từng sản phẩm mà người Cơtu phải áp dụng nhiều kỹ thuật đan khác nhau. Gùi vận chuyển lúa (zôống), được đan với nan long mốt, gùi củi thì được đan nan hình lục giác và cũng cùng loại gùi củi nhưng được đan bằng mây với dạng hình thang cân. Gùi trẻ em được đan bằng mây dày với nan long mốt, kết hợp với kỹ thuật đan chéo phức tạp dáng hình ống, vành miệng tròn đáy hình vuông.
Riêng tà lét (gùi 3 ngăn của đàn ông) và gùi đựng đồ dùng trang sức và thổ cẩm thì được đan nan long mốt kết hợp với nhiều kỹ thuật đan tinh xảo khác nhau với nguyên liệu chủ yếu là dây mây tạo cho gùi này có nét riêng là phụ thuộc vào sự sáng tạo cũng như tay nghề của nghệ nhân đó. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai loại gùi này đan rất công phu và có độ bền rất cao chỉ dùng làm quà biếu cho khách quý, tặng sui gia và đôi khi còn là vật sính lễ... Ngoài các sản phẩm trên, để phục vụ cho nhu cầu tại chỗ, người Cơtu còn đan lờ để bắt cá, đan bẫy sò để bắt chuột, sóc... Kỹ thuật đan các loại này đơn giản theo lối long mốt ai ai cũng đan được.
Không để cho các nghề truyền thống của đồng bào Cơtu mai một, từ nhiều năm nay tỉnh Quảng Nam đã đầu tư một khoản kinh phí rất lớn để khôi phục lại các nghề truyền thống trong đó có nghề đan lát nổi tiếng của đồng bào Cơtu như làng dệt thổ cẩm Zara, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang; làng dệt thổ cẩm Đờ Roòng xã Tà Lu; làng dệt thổ cẩm và đan lát BHôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang... Ngoài việc truyền nghề tại chỗ tại bản làng Cơtu, nhiều địa phương đã mạnh dạn cử con em họ đi học kinh nghiệm về mẫu đan lát, mây tre của các tỉnh bạn.
Nhiều năm qua các nghề truyền thống trong đó có nghề đan lát nổi tiếng của đồng bào Cơtu phát triển mạnh mẽ nhờ vậy đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của mỗi gia đình và cho cả cộng đồng. Nhiều sản phẩm từ nghề đan này đã bán được cho khách du lịch và ngoài thị trường hoặc dùng để trao đổi hàng hoá... Nhiều hộ gia đình thu nhập từ nghề đan lát truyền thống này mỗi năm vài ba triệu đồng đã phần nào làm cho đời sống của bà con ngày một thay đổi.
Già làng B'ríu P'râm cho biết thêm, trải qua bao biến động của thiên nhiên, lịch sử, chiến tranh loạn loạc, dời làng rồi lại lập làng... nhưng người Cơtu vẫn giữ được nhiều tài sản văn hoá quý về phong tục-tập quán, lễ hội, ma chay, cưới hỏi, ẩm thực, trang phục truyền thống, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, âm nhạc..., trong đó có nghề đan lát truyền thống đã tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho việc vận chuyển lương thực, thực phẩm đến săn bắt, hái lượm, trong sinh hoạt hằng ngày... mà nó còn góp phần tạo nên ở cộng đồng họ một văn hoá riêng - Văn hoá Cơtu. Nghề đan của ông bà họ rất khó đan, truyền nghề đã khó, giữ lấy nghề càng khó hơn trăm bề. Hiện các làng nghề truyền thống ở vùng người Cơtu sinh sống đang hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, tạo nên nét đẹp văn hoá trong phong tục, tập quán, lễ hội... có từ xưa.