Tiếng rao xưa

08:11, 17/06/2008

Hồi trẻ tôi có thời vừa đi học, vừa lặn lội ở Hà Nội khá lâu. Nay, tuổi ngoài bát thập, đã về trong Thanh, mà những ký ức xưa về Hà Nội vẫn dội về với bao trìu mến. Cái đọng lại nhiều nhất là những tiếng rao của đủ loại quà rong trong nhịp sầm uất phố phường. Khắp các thành phố lớn ở ta đều có tiếng rao, mà sao chỉ có tiếng rao Hà Nội lại mang nhiều màu sắc rất riêng đến thế, không lẫn vào đâu được.

Tiếng rao vang lên từ mờ sáng đến đêm khuya, lúc phát ra tập trung nhấn mạnh vào mặt hàng cần mua hoặc cần bán. Dư âm thì lên bổng xuống trầm, lúc ngân vang kéo dài, lúc khoan thai chậm rãi. Cũng có tiếng rao rất lạ, ngôn ngữ giản thể, rút gọn rõ ràng. Lại có lời rao khác lạ, khó hiểu như một trò đùa với khách qua đường. Không biết có phải vì những sắc thái độc đáo ấy mà nhiều người Hà Nội, từ lao động bình dân đến thượng lưu trí thức đều nghiện cái âm thanh phường phố ấy. Nó ẩn hiện hàng ngày với cuộc sống của mỗi con người, ngày lại đêm, ai quên thì nhắc, ai xa thì xán lại, làm thinh thì lánh lót bên tai mà gọi mà mời không dứt ra được.

 

Những gánh phở rong ở các phố Ga, Hàng Cót, Ô Quan Chưởng, Cửa Bắc, mỗi gánh có vị ngon riêng, không giống như phở bán ở hiệu. Họ bán hàng không cần rao mà chỉ bằng “tên hiệu” cho khách ăn quen, như phở Trọc, phở Bê rê, phở Lùn...

Có gánh phở lại chỉ bán vào giờ nhất định, giữa hai bữa cơm sáng và chiều cho giới thượng lưu, một ngày hai gánh đủ nuôi cả nhà. Người bán chỉ lắc chuông để khách lần lượt tìm đến vì họ nhớ “tên”, hình dáng, giờ bán, kể cả chỗ đỗ của anh, âu cũng là một cách thay tiếng rao độc đáo. Có nhẽ ăn đúng cái giờ ấy, của đúng hàng người ấy, mới là kỹ, là tinh?

 

Có những tiếng rao khiến người mới nghe chả hiểu là gì. “Sực tắc”, thường đi với hai thanh tre gõ vào nhau như tiếng guốc cô gái về đêm, từ hai tiếng Tàu “Thực đắc”, tức “ăn được” mà ra. Loại quà này chả cốt ngon. Nhưng gánh mỳ vằn thắn của chú Tàu lai Hàng Buồm thì mỳ vừa đậm vừa dẻo, mằn thắn nặn bột nhân chỉ một con tôm hồ Tây, nước trong và ngọt ăn nóng và chắc dạ với người ít tiền. Chú chỉ bán ở khu lao động và chợ bán cất rau quả lúc 3 giờ sáng cho người ngoại ô vào. Khách không đợi tiếng rao lanh lảnh kéo dài, chỉ nghe thanh tre gõ vào nhau là tìm đến, cứ đứng xì xụp và, húp. Ai ở xa, cách đoạn muốn trông hàng nữa thì đem gà mèn đến mua, về chỗ mình mà ăn. “Eeé... Eeé...”, tiếng rao như không phải tiếng người ấy là của bà già Yên Phụ bán ngô bung non. Cả chục năm, sáng ra bà chỉ theo một đường từ cửa ô xuống phố, nhà muốn ăn sai người đứng chờ. Xôi lúa ở Hà Nội có nhiều hàng ngon, nhưng đậm vị nhất chỉ có của bà lão tay giữ thúng trên đầu, tay thủ áo bông này. Tức là người hàng phố chọn lọc lắm, ăn cả, loại trừ dần, chỉ hàng ngon nhất mà “chung thân”. Những người quen ăn quà bà lão, dù còn cách cả cây số vẫn thủy chung đợi.

 

 Có thứ quà chả cần rao, người ăn vẫn chờ: “rao” bằng hình ảnh con người. Thấy cô thon xinh trùm khăn mỏ quạ, áo tứ thân nâu nõn, quần sồi duyên dáng đi khoan thai, đòn gánh uốn cong, bên dưới là đôi thúng bằng tre ngà, trên xếp sấp lá sen già, là biết ngay cốm Vòng. Săn đón nhiều nhất là những nữ sinh lớn tuổi, mua rồi ra ghế đá ven hồ, mở gói lá sen nhón từng hạt, nhẹ nhàng nhai, nhẹ nhàng kể chuyện tình duyên. Lại những bà già tựa cửa mua cốm cúng ông bà ngày cơm mới. Hẳn trời sinh ra lá sen, hạt cốm để ủ hương cho nhau, làm quà cho người thanh lịch mà chối từ kẻ ăn vội thô lỗ.

 

Chợ Đồng Xuân, những cô hàng vải, hàng xén, hàng cau khó tính, xét nét lắm. Ưa quà vừa rẻ vừa ngon, lại phải no lâu, thì đây, cô hàng cơm nắm lẳng lơ với hai quang thúng bỏ chùng, vuông vải phin trắng phủ mẹt hàng đã đến trước mặt, chỗ nào cũng sạch sẽ, tinh khiết. Thân hình cô mảnh mai lanh lợi chào mời, bộ quần áo gọn ghẽ càng duyên dáng. Chỉ cần bắt cái hình dong ấy là người ta í ới gọi lại, xúm lại mà ăn. Nắm cơm đã gọt vỏ, trắng muốt, miếng giò lụa mịn màng gọn tay, vừa ăn vừa hỏi han bạn làm ăn, cái không khí ấy tràn đầy cảm động.

 

Lại có thứ quà “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”, có rao cũng chỉ như một thứ tín hiệu tối thiểu. Chín mười giờ khuya trở ra, sòng bạc đã có kẻ thua cay, tiệm hút cái diện tẩu đã nóng sái, bà ấy đội thúng đi phục vụ lũ khách háo bụng. “Lầu sường, lầu hạ dầu sực mìn páo mẩu” (gác trên gác dưới có ăn bánh mì tây không), tràng tiếng Quảng Đông nghe thật kỳ lạ, không lọ mọ chơi khuya không nghe ra. Bánh tây chỉ hạng thường, hồi rẻ chỉ 12 xu một chục nhưng mới ở lò ra, ủ khéo nên nóng lắm. Chả lợn, nếu chả bò thì có vị thì là, cũng bỏ lò cho mỡ cháy và được nóng. Cái nóng nọ cặp cái nóng kia, thêm muối tiêu, rẻ, chắc bụng mà cũng ngon lắm với những ông nghiện, ông khát nước. Bà ấy giầu có, tậu được nhà để ở và cho thuê, thế mà tối khuya ăn vận xuềnh xoàng vào, đội thúng đi.

 

Có thứ quà ngọt, thời ấy có lẽ chỉ Hà Nội có, mà chỉ bán quanh mấy ngõ trên Hàng Buồm, Mã Mây. Chú khách đầu trọc ngân dài “Sủi ỉn... sủi ỉn lơ” báo thứ quà ngọt cho người say thuốc ăn để hãm cái dư vị phù dung, nóng để khỏi giã cái say sưa, đủ rẻ và đủ no khi còn vài xu dính túi. Đó là bánh trôi nước bọc vừng, dừa, thả trong nước đường nóng, vô ý cắn tợn thì buốt chết răng.

 

 Quanh quẩn khu này, một bà béo người Việt lấy chồng khách lại rao lạ lùng “Mạo cán chè sủi... ơ”. Đó là thứ mía ngọt hâm nóng luộc trong một thứ nước thuốc bắc bí truyền, dành cho người nghiện nặng ráo cổ, khan hơi. Bắt chước người Tàu, một tay ở Chương Mỹ rao “Phán sì thoòng... ơ”. Đấy chỉ là chè khoai, khoai thường mà nấu cũng thường, nhưng con nghiện, vốn táo bón kinh niên, ăn vào lại nhuận tràng. Trong đêm khuya, những tiếng rao lạ lùng ấy văng vẳng ngõ tối quanh co, hòa với tiếng reo nhĩ tẩu, mùi khói phù dung, tạo nên không khí rất riêng của Hà Nội, có lẽ chả đâu có.

Lại còn Khâm Thiên và dãy nhà 24 gian, nơi những xóm cô đầu vui vẻ đến sáng ra. Bà béo Cửa Nam lập nghiệp ở đây. 9 giờ tối bắt đầu đi, tay lắc trống bỏi da “lốc lốc”, rao dài “Bún ốc... ơ”. Nhìn chị em thanh lâu xúm quanh mới hay họ khát khao đến mức nào. Chăm chú, tha thiết. Mặt phấn phai, mệt lả nhăn vì nước chan chua, môi héo xuýt xoa vì ớt cay, lệ chảy thật thà hơn lệ tình. Bà béo bộc lộ về cái “vị độc” của mình: “Lạ gì giống thanh lâu, tàn canh ân ái thì lưỡi đắng, háo nước lắm. Ăn chè nóng ruột, bát bún ốc ngọt bùi chua cay vừa mát ruột, thức tỉnh cả ngũ quan. Cái cay cái chua quật mạnh như chiếc roi vào cái chán nản sau chơi bời. Nhưng tôi không dựa vào đấy để nâng giá mà còn làm ngon hơn. Mà các cô, do nghề nghiệp giao tiếp, sống thoáng lắm, phần nhiều trả cao hơn, gặp khách sộp có khi đưa năm hào (gấp 15 lần) không lấy lại. Mà cô ế khách, tôi cho ăn chịu. Bạn hàng ngoài phố chê tôi hâm, đêm khuya lọ mọ vất vả, đâu biết vài tiếng ấy thu bằng các bà ngồi cả ngày”. Cái lý “hâm” ấy lại đương nhiên lắm, là dù kinh doanh lớn hay nhỏ, hễ người bán hiểu cái người mua cần, đến tận nơi cung phụng, tất yếu có sự tri kỷ, gắn kết lâu bền. Âu đây cũng là lời phải cho người vô tâm chậm hiểu xã hội thương trường ngày nay.

 

 Tiếng rao cùng những cách thức bán hàng xưa bộc lộ cái tinh tế, khôn ngoan, hài hước của người làm ăn ngoài Hà Nội. Đủ loại, đủ sắc thái, phức tạp thật, nhưng cái còn lại đáng yêu, đáng nhớ lắm, là bởi vì lặn sâu trong đó là hồn vía văn hóa.