Duyên dáng răng đen đi vào kỷ niệm

15:13, 23/07/2008

Ở quê tôi ngày trước, tục nhuộm răng đen (hay còn gọi “rỏi răng”) rất thịnh hành. Chính tục lệ ăn trầu là lý do trực tiếp của tục nhuộm răng, bởi nhai trầu thường làm ố đen răng, nên phải nhuộm đen, nhuộm thật đen để loại bỏ tác dụng trên, đồng thời tạo được vẻ  thẩm mỹ duyên dáng cho hàm răng… “Da trắng, răng đen” tạo sự tương phản cao và đầy nghệ thuật đã thu hút bao hồn vía các chàng trai thời ấy! Các cô gái, cho dù không ăn trầu, vẫn cứ nhuộm răng đen. Thậm chí, việc nhuộm răng đen còn lan sang cả cánh đàn ông nhưng số lượng ít hơn.

Để có được một hàm răng đen huyền, họ đã dùng vỏ trái lựu già, trộn lẫn với ngũ bội và phèn đen, rồi đem chưng cách thuỷ. Khi thấy vỏ lựu đã chín bẫy, phải ngừng lửa. Dùng chất này chà xát hay đắp một lớp vào răng, rồi ngủ một đêm… Sáng hôm sau khi thức dậy, soi gương thấy mình đã sở hữu một hàm răng đen nhánh.

 

Còn một cách khác, ít tốn kém hơn mà cũng có một hàm răng đen duyên dáng. Đó là họ lấy vỏ cứng của trái dừa tươi (vỏ gáo) đem hơ đốt vào lửa cho xì nước ra, dùng chất nước này chà xát vào răng hoặc ngậm trong miệng. Thế là, cũng có một “nét  cười đen nhánh sau tay áo” chẳng thua kém ai.

 

Quê tôi thời ấy, thẩm mỹ răng đen tràn ngập, nên sản sinh ra câu ca dao dí dỏm chê bai răng trắng không nhuộm như sau:

 

Răng đen vì bởi ăn trầu

 

Răng trắng vì bởi gặm đầu chó con!

 

Nếu đã sở hữu một hàm răng đen, buộc cứ khoảng gần một năm phải nhuộm lại, vì màu đen đã phai. Đặc biệt vào các dịp lễ tết hay những ngày vui trọng đại như lễ hỏi, lễ cưới, họ phải nhuộm răng lại cho đen mới để tham dự:

 

Mới răng là mới nụ cười

 

Mới cả con người, mới cả thế gian!

 

Phụ họa thêm cho hàm răng đen mướt một sự sạch sẽ văn minh, phụ nữ thời ấy, lúc ăn trầu thường hay “đánh răng thuốc”, nghĩa là họ dùng một lọn thuốc lá sợi, vê thành cục bằng đầu ngón út mà chà xát vào mặt ngoài của hàm răng. Có “đánh răng thuốc”, khi nhai trầu, răng mới đen mướt và sạch sẽ. Có “đánh răng thuốc” thì miếng trầu mới đậm đà, không lạt lẽo. Có “đánh răng thuốc” thì trò chuyện mới duyên dáng! Cho nên, thao  tác “đánh răng thuốc” là một nghệ thuật vô cùng sinh động trong giao tiếp, tăng thêm lịch sự quyến rũ!

 

Nhân đây, cũng nói thêm đôi nét về y phục thời răng đen. Thời ấy vẫn thường nói: “Phận đàn bà quần vặn yếm mang”, nghĩa là quần không có dây lưng rút, mà phải tóm vặn lại, rồi giắt mí vào rốn! Ngực đeo yếm, ngoài mặc áo dài hay áo ngắn. Đầu quấn “khăn nu chéo trắng”. Đặc biệt nhất là đi chân trần. Phụ nữ chỉ mang guốc vào thời kỳ sinh nở! Họ buộc phải mang guốc trong thời gian này, để bảo dưỡng sức khoẻ, loại trừ được các thấp khí tác hại do đất bốc lên. Và, đến khi mãn thời kỳ sinh đẻ (tức đầy tháng), họ lại bỏ guốc, lại đi chân đất trong sinh hoạt bình thường… Dân gian Phú Yên có câu: “Nhất cu ra ràng, nhì nàng bỏ guốc” là do lẽ trên mà ra!

 

Thời ấy, khi các cô gái còn nhỏ, có tục “cạo đầu chừa vá”, đến đủ 12 tuổi mới để tóc chỏm dưỡng dài. Từ đấy về sau, cứ mỗi lần cạo, lại phải chừa rộng chỏm thêm… cho đến khi không cạo nữa vì tóc chỏm ra dài phủ tai. Chính vì cách cạo đầu này mà tóc phụ nữ thời ấy, mái tóc mọc dài rất mạnh mẽ! Bà nội tôi tóc dài chấm gót! Con cháu cứ tranh nhau chải tóc, bà phải cốc vào đầu mỗi đứa, kèm theo một cái cười răng đen duyên dáng hiền hòa!

 

 Về phía đàn ông, trong những lúc đi xem hát, dự đám tiệc hay lễ tết, họ thường mặc “áo dài cặp” (trong áo dài trắng, ngoài áo dài đen), chân mang “guốc xuồng” (guốc gỗ, phình ở giữa, không eo thon), hoặc “guốc hài” (bằng rễ gốc tre, có đầu mũi chong lên như hia kép hát), hay sang hơn là “guốc miếng chả” (guốc có sơn ba màu). Đầu lại tra “khăn đóng”, đội nón “gò găng chóp bạc”, tay cầm dù hay phe phẩy chiếc quạt xếp. Y phục này trông rất lịch sự, sang trọng, toát nhiều uy lực! Còn trong sinh hoạt thường nhật, vẫn áo cổ bâu. Đặc biệt nhất là chiếc quần “lưng vặn” được buộc thêm bên ngoài bằng sợi “dây trân”, đầu có gắn một cục chì nhỏ. Có khi, họ thay dây trân bằng dây lưng vải, bề ngang khoảng ba tấc, bề dài khoảng hai mét mà buộc, đa số là “dây lưng thao” hay “dây lưng tím” hoặc “dây lưng đũi”… Chiếc quần độc đáo này, quê tôi gọi là “quần buộc bù lương”. Chính nét đặc biệt của chiếc quần này, họ có thể giắt vào lưng quần, ngay vào bù lương ấy, cả một “túi trầu thuốc” và một “bầu rượu củ tỏi” cùng chiếc ly!

 

Những người của thế hệ răng đen nơi quê tôi, nay đã ra đi gần hết! Chỉ còn vài cụ rải rác đã quá già, sức khoẻ như bánh tráng treo đầu gậy! Nét duyên dáng răng đen như ngọn đèn trước gió, và đi vào kỷ niệm! Ôi, bao nụ cười đen nhánh nay đã mơ hồ kia, cứ đen mãi trong lòng sâu thẳm của những ai biết nó… mãi đen huyền, đen rực một cách thân thương!...