Dân tộc Mông có 3 nhóm: Mông Hoa, Mông trắng và Mông đen, cư trú chủ yếu trên các rẻo núi cao ở các huyện Bắc Yên, Thuận Châu, Sông Mã, Mường La, Mộc Châu, Yên Châu (Sơn La). Đây là một trong những dân tộc có ý thức và quan tâm gìn giữ bản sắc dân tộc mình cả về lối sống, nếp sống, phương thức canh tác…
Góp công sức rất lớn trong việc cùng cả cộng đồng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tộc người; người phụ nữ Mông còn kiên trì, bền bỉ làm đẹp thêm bản sắc văn hoá dân tộc Mông nói chung và của người phụ nữ Mông nói riêng bằng việc giữ gìn, bảo lưu mái tóc truyền thống của mình. Nhìn vào mái tóc của người phụ nữ Mông, ta có thể phân biệt được ngay họ thuộc nhóm Mông Hoa, Mông đen hay Mông trắng mà không cần quan sát y phục của họ.
Khi gặp những người phụ nữ Mông Hoa, ngoài bộ váy áo thêu hoa sặc sỡ nhiều màu sắc, điều đặc biệt chú ý là họ có một vành tóc rất to và nặng ở trên đầu.
Búi tóc của người phụ nữ Mông Hoa được quan tâm ngay khi còn nhỏ. Những bà mẹ người Mông, mỗi khi chải tóc cho các cô con gái họ đều chú ý lượm lặt và giữ lại những sợi tóc rụng của con mình. Những sợi tóc đó được người mẹ cất vào một chỗ, khi được khá nhiều sợi tóc rụng cùng với sự lớn dần lên của những cô con gái thì người mẹ lại đem ra trau chuốt, xe lại thành những sợi to bằng ½ chiếc đũa.Lớn dần lên, các cô gái Mông Hoa đã ý thức được việc làm của người mẹ và biết nhặt những sợi tóc rụng của mình mỗi khi chải tóc hoặc gội đầu.
Khi đến tuổi trưởng thành các cô gái Mông Hoa mang những sợi tóc rụng giữ được qua bao năm tháng, xe tết thành từng sợi to và làm nên búi tóc độn dài đẹp. Vào những ngày tết cổ truyền, lễ hội, ngày vui của cộng đồng, họ lấy búi tóc độn cùng với tóc thật và tạo thành một vành tóc thật to ở trên đầu; theo quan niệm của họ thì người nào có búi tóc càng to thì càng đẹp, càng làm cho mọi người trầm trồ khen ngợi.
Mái tóc của người Mông Hoa là một phần của văn hoá tộc người, cùng với tác dụng làm đẹp nó còn mang một ý nghĩa tinh thần và tình mẫu tử, giáo dục rất lớn. Ngoài tình cảm người mẹ dành cho con cái, việc làm thường xuyên nhẫn nại đó của người mẹ đã tác động rất lớn đến nhân cách con cái, là bài học về sự chăm chỉ, khéo léo mà bất cứ người phụ nữ Mông nào cũng phải có.
Khác với phụ nữ Mông Hoa, phụ nữ Mông đen không có thói quen giữ lại các sợi tóc rụng mỗi khi chải đầu mà để cho tóc mọc tự nhiên. Đến tuổi trưởng thành búi tó ở gần trên đỉnh đầu, các cô gái có thể làm duyên thêm cho búi tóc của mình bằng cách buộc thêm một chiếc khăn mùi xoa có màu hoa sặc sỡ hoặc cài thêm một chiếc bờm. Để tăng thêm vẻ đẹp cho bộ trang phục và tạo sự hài hoà cân đối họ còn có thể quấn một chiếc khăn bằng vải lanh màu đen quanh đầu tạo thành một vành khăn.
Phụ nữ Mông đen ở một số nơi cũng xe tóc thành sợi to quấn thật chặt vòng quanh đầu, tuy nhiên họ quấn rất ít, không giống búi tóc của phụ nữ Mông Hoa.
Giống phụ nữ Mông đen, khi còn nhỏ các bé gái Mông trắng cũng để tóc mọc tự nhiên. Đến tuổi trường thành họ cạo hết 1/3 tóc vòng quanh đầu tính từ chân gáy trở lên; họ chỉ để lại một phần tóc ở đỉnh đầu búi thành búi tó ở phía trên trán. Họ thường để đầu trần khi ở nhà, chỉ khi nào có việc ra khỏi nhà họ thường đội thêm một chiếc khăn quấn nhọn hoắt giống như hình chiếc phễu, khăn có màu đen được đính thêm nhiều quả bông màu đỏ sặc sỡ trông rất đẹp mắt. Hoặc ở một số nơi, phụ nữ Mông trắng thường may mũ có ba mảnh đội trên đầu thắt dây ra đằng sau gáy giống như khăn mỏ quạ của phụ nữ dân tộc Kinh. Việc giữ gìn mái tóc của người phụ nữ Mông đã làm toát lên ý thức tộc người; tính nhẫn nại cần cù trong lao động sản xuất, và là một phương pháp dạy dỗ con cái thật giản dị, bình thường mà hiệu quả./.