Đi trên quốc lộ 1A, hay đi trên đường sắt Bắc Nam, người ta dễ dàng nhận ra Ninh Thuận với những cánh đồng khô hạn trải dài và những bụi xương rồng lúp xúp. Từ ga Tháp Chàm, ga xe lửa của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, có thể nhìn thấy cụm tháp Pô Klong Garai ngạo nghễ đứng trên đồi Trầu, trong nắng và gió khắc nghiệt. Cụm tháp Hoà Lai đứng kề sát quốc lộ 1A, cũng trong cùng cái nắng dằng dặc khiến đất trời bạc trắng.
Cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 42km về hướng đông bắc, vịnh Vĩnh Hy thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải là một Ninh Thuận thu nhỏ với rừng núi, bãi cát, suối và biển. Vĩnh Hy là một trong những địa danh có hệ sinh thái biển đa dạng, được đặt dưới sự giúp đỡ bảo tồn của quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới. Trong nắng sáng chói chang, Vĩnh Hy bài ra trước mắt du khách vẻ đẹp hoang sơ của một thiên đường bị bỏ quên.
Bãi biển Ninh Chữ nằm kề ngay thành phố Phan Rang – Tháp Chàm được liệt kê vào danh sách một trong 9 bãi biển đẹp nhất Việt
Cồn cát là một dạng địa hình đặc trưng của Ninh Thuận. Từ Phan Rang đi dọc theo quốc lộ 1A, đến cầu An Thạnh rẽ trái vào xã An Hải đi khoảng 2km, qua sông Lu – con sông đào có màu xanh biếc, rẽ phải vào thôn Tuấn Tú, đi tiếp khoảng 1km nữa là tới cồn cát Nam Cương. Đây thực sự là một tiểu sa mạc, với những đồi cát trắng, cát đỏ nối tiếp nhau. Cồn cát Nam Cương đến nay vẫn là điểm tụ tập vui chơi yêu thích của trẻ con làng Tuấn Tú. Vào buổi tối, người ta hay giăng những tấm lưới lớn dưới chân cồn cát để bẫy chim.
Và những tháp Chàm vẫn đứng đó lặng lẽ, như cuốn sách kể chuyện xưa, mà ngôn ngữ nằm ngay trong chất liệu, kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc.
Cụm tháp Hoà Lai được xây dựng từ thế kỷ thứ 9, nằm ven quốc lộ 1A, cách Phan Rang 14km về phía bắc, trên địa phận của thôn Ba Tháp, xã Tam Hải, huyện Ninh Hải. Tháp chính đã sụp đổ toàn bộ, những hoa văn và điêu khắc còn lại trên hai tháp phụ – tháp
Cụm tháp Pô Klong Garai xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 13 đầu thế kỷ 14, nằm kề ga xe lửa Tháp Chàm, thuộc phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, cách trung tâm thành phố khoảng 9km về hướng tây bắc. Tháp được vua Simhavarman III xây dựng để thờ vua Pô Klong Garai, một vị vua huyền thoại của vương quốc Chăm pa. Cụm tháp Pô Klong Garai còn nguyên vẹn với cổng vào và ba tháp: tháp Cổng, tháp Lửa và tháp Chính. Vào dịp lễ hội Kate, tháp Pô Klong Garai như bừng tỉnh với màu sắc rực rỡ của những bộ trang phục Chăm truyền thống và tiếng đàn Kanhi, tiếng trống Ginang, tiếng kèn Saranai cũng những vũ điệu Chăm quyến rũ, mê hoặc.
Tháp Pô Rome nằm trên địa phận thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Từ Phan Rang – Tháp Chàm đi theo quốc lộ 1A về phía nam 9km, rẽ phải vào hồ Tân Giang, đi tiếp chừng 7km sẽ nhìn thấy tháp nằm trên đỉnh đồi bên tay phải, giữa bốn bề không gian mênh mông.
Tháp Pô Rome được coi là một phiên bản của tháp Pô Klong Garai. Quần thể tháp Pô Rome gồm một tháp chính cao tám mét thờ vua Pô Rome và một ngôi miếu nhỏ thờ hoàng hậu. Tháp Pô Rome đặc biệt đẹp khi chiều xuống, bầu trời đổi màu, cả khoảng mênh mông bốn bề xung quanh tháp lồng lộng gió và cây me cổ thụ bên tháp không ngừng xôn xao. Một anh chàng Chăm có mái tóc xoăn tít nằm dài ra bãi cỏ dưới gốc me, lơ đãng nhìn bóng chiều đang đổ dần trên cánh đồng Phước Hữu, khiến chúng tôi phải e dè bước chân vì sợ phá vỡ sự thanh bình hoàn hảo của không gian nơi đây.
Ninh Thuận đẹp nhưng các điểm du lịch của Ninh Thuận hầu như chưa có mặt trong các tour du lịch dành cho khách du lịch nước ngoài và cũng không phải là điểm đến quen thuộc với khách du lịch nội địa.