Du lịch Ba Vì - Nàng công chúa còn “say ngủ”

09:36, 25/08/2008

Ba Vì là huyện có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch văn hoá và du lịch nghỉ dưỡng. Nơi đây, đã có một số khu du lịch phát triển đang là điểm đến hấp dẫn của du khách. Tuy nhiên, về góc độ quy hoạch, du lịch Ba Vì còn có nhiều hạn chế nên các điểm du lịch còn nhỏ bé, phân tán, một số dự án du lịch trọng điểm triển khai quy hoạch chậm nên chưa tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư.

 Có thể nói huyện Ba Vì có tiềm năng phát triển du lịch rất đa dạng và phong phú:  Khu vực sườn đông núi Ba Vì là nơi có nhiều thuận lợi nhất với dãy núi Ba Vì linh thiêng và truyền thuyết Sơn Tinh-Thuỷ Tinh đã đi vào thi ca. Nơi đây có thác, có rừng, có suối và khí hậu mát mẻ, rất phù hợp với phát triển du lịch sinh thái. Ơ khu vực sườn Tây núi Ba Vì (bao gồm 3 xã Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì) có tổng diện tích hơn 8000 ha thì có tới hơn 2000 ha nằm ở trên cốt 100 do Vườn Quốc gia Ba Vì quản lý, nơi đây khung cảnh thoáng đãng, một bên là núi nhìn ra sông Đà rất đẹp và hấp dẫn, bên cạnh đó còn các đền Hạ, Trung, Thượng đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và các hồ suối Bóp, suối Mít, suối Di rất phù hợp cho phát triển du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng. Đặc biệt, hồ suối Hai với diện tích mặt nước 950 ha và nhiều hòn đảo lớn nhỏ đã được Nhà nước đưa vào một trong 19 khu du lịch chuyên đề cấp quốc gia của cả nước là nơi có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình có thể phát triển du lịch tổng hợp. Ngoài ra còn có một nơi được thiên nhiên ban tặng  như: Hồ Cầm Quỳ, nước khoáng nóng Thuần Mỹ… có thể xây dựng khu du lịch rất tốt. Tất cả những điều đó đã tạo cho Ba Vì những thế mạnh riêng trong phát triển du lịch.

 

Thực tế, tiềm năng phát triển du lịch được các nhà lãnh đạo huyện Ba Vì và UBND tỉnh Hà Tây (cũ) quan tâm khá sớm. Từ năm 1996, Ba Vì đã xây dựng xong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của huyện thời gian từ 1996-2010. Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh bức tranh du lịch ở Ba Vì mới chỉ có khu vực sườn Đông phát triển mạnh, nhưng phân tán và tự phát. Các khu du lịch trong khu vực này gần đây mới được quy hoạch chi tiết nhưng mạnh ai nấy làm nên manh mún nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Các khu du lịch chuyên đề quốc gia hồ Suối Hai, và khu du lịch sườn Tây núi Ba Vì… giống như nàng công chúa đang “say ngủ” do công tác quy hoạch làm chậm nên chưa tạo được sức hấp dẫn để thu hút đầu tư. Với môi trường sinh thái hấp dẫn và hệ thống đền linh thiêng, quy hoạch chi tiết khu vực sườn Tây núi Ba Vì được huyện tập trung gắn với bảo tồn phát huy văn hoá dân tộc Mường ở khu vực bản Cốc của người Mường, đặc biệt là khai thác du lịch tâm linh ở các đền trong khu vực gắn với truyền thuyết Sơn Tinh-Thuỷ Tinh và khôi phục lễ hội Tản Viên Sơn. Tuy nhiên, đến nay, khu vực sườn Tây núi Ba Vì mới xây dựng xong quy hoạch tổng thể, chưa xây dựng được quy hoạch chi tiết nên chưa phát triển.

 

 Hồ Suối Hai là khu du lịch có công tác quy hoạch “chuân chuyên” nhất. Theo phòng chức năng huyện Ba Vì huyện Ba Vì thì dù khu vực này giàu tiềm năng du lịch như vậy, nhưng đang được Công ty Thuỷ sản và dịch vụ du lịch Suối Hai nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây các loại là chủ yếu. Còn khai thác tiềm năng du lịch ở đây mới chỉ tập trung vào 5 ha khu đảo Thanh Niên với một nhà sàn và sản phẩm du lịch chủ yếu là dịch vụ đưa khách sang thăm đảo nên doanh thu mỗi năm chỉ đạt chừng hơn 100 triệu đồng. Sở dĩ tiềm năng lớn như vậy mà chậm được khai thác là do việc xây dựng quy hoạch tổng thể và chi tiết khu vực này quá chậm.

  

 Từ năm 2001, hồ Suối Hai đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cho triển khai công tác quy hoạch nhưng phải mất tới gần 7 năm (sau khi trải qua nhiều đơn vị triển khai công tác quy hoạch) dự án mới được Công ty CP dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam thực hiện xong quy hoạch chi tiết nhưng lại vấp vào một khó khăn khác: Huyện Ba Vì mới đưa 30 ha thuộc khu vực này vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (từ năm 2006-2010) cho mục đích phát triển du lịch, dịch vụ, trong khi theo quy hoạch chi tiết của dự án này, riêng khu vực sân gôn đã chiếm tới 100 ha. Vì vậy, Công ty CP dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam không thể triển khai các bước tiếp theo là: Xây dựng dự án và làm các thủ tục thu hồi đất… mà phải chờ địa phương bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới triển khai tiếp được.

 

 Hiện nay, Hà Tây sáp nhập về Hà Nội nên dự án này còn phải tiếp tục chờ đợi. Dự án hồ du lịch hồ Cẩm Quỳ (diện tích hơn 100 ha) cũng đang ở tình trang tương tự: Không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên phải dừng lại chờ làm các thủ tục bổ sung. Khu khoáng nóng Thuần Mỹ cũng chỉ là ý tưởng dù từ năm 2001, nguồn nước khoáng nóng nơi đây đã được phát hiện và Bộ Tài nguyên-Môi trường đã giao cho Công ty CP du lịch Bình Minh vào khoan thăm dò nhưng do chủ đầu thực hiện theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nên đến nay  dự án vẫn “đắp chiếu” để đấy… Hiện nay, nằm trên địa bàn thủ đô Hà Nội, du lịch ở Ba Vì sẽ nâng lên một vị thế mới và ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách. Mong rằng các ngành chức năng và huyện Ba Vì quan tâm, đẩy nhanh công tác bổ sung quy hoạch tại các khu du lịch trọng điểm này, làm cơ sở và tạo sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào địa bàn để khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch của vùng đất xứ Đoài.