Tế Nam Giao là lễ tế trời, đất và các vị thần linh quan trọng nhất trong bờ cõi quốc gia. Bởi vậy, trong chế độ quân chủ phong kiến ở nước ta, đây là lễ tế quan trọng nhất và được tiến hành hoành tráng, trang trọng nhất (hàng Đại tự).
Dưới triều Nguyễn, đàn Nam Giao được xây dựng ở phía Nam Kinh Thành từ năm 1806. Đàn gồm 3 tầng, tầng trên hình tròn tượng trưng cho Trời, hai tầng dưới hình vuông tượng trưng cho Đất và Con Người. Đàn Nam Giao nằm trong một khuôn viên rộng 390m x 265m, có tổng diện tích khoảng 10ha, bên trong là rừng thông xanh biếc.
Từ khi đàn tế được xây dựng xong cho đến cuối thế kỷ XIX, hàng năm triều Nguyễn đều tổ chức Lễ tế Nam Giao vào mùa xuân; từ thời vua Thành Thái trở đi, do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên 3 năm mới tổ chức một lần. Trong Lễ tế Nam Giao, có thể đích thân nhà vua đứng chủ tế hoặc giao cho quan khâm mệnh đại thần thay mặt làm chủ tế.
Sau năm 1945, di tích đàn Nam Giao bị bỏ hoang phế; môi trường cảnh quan bị xâm hại và tàn phá nghiêm trọng. Ngày nay, đàn Nam Giao đã được trùng tu phục hồi và đã được tổ chức UNESCO ghi tên vào Danh mục Di sản Thế giới từ năm 1993.
Do những ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng cùng các giá trị nhân văn độc đáo của Lễ tế Nam Giao mà lễ hội cung đình này đã được nghiên cứu và phục dựng từng phần trong 3 kỳ Festival trước (2002, 2004 và 2006).
Trong Festival 2008, Lễ tế Nam Giao vẫn sẽ là một trong những lễ hội quan trọng nhất do đơn vị chủ nhà tổ chức. Lễ tế Nam Giao năm nay do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì, theo kế hoạch, sẽ diễn ra vào ngày 04 tháng 6 năm 2008.
Lễ gồm hai phần:
- Lễ Xuất cung: được tổ chức vào sáng ngày 04/6/2008 (từ 5h30 đến 7h30). Không gian tổ chức sẽ diễn ra từ điện Thái Hòa ra cửa Ngọ Môn đến bến Phu Văn Lâu - Nghênh Lương Đình.
Từ sáng sớm, lễ đại triều sẽ được tổ chức tại điện Thái Hòa. Sau đó, ngự đạo sẽ rước nhà vua đi qua Ngọ Môn, qua cửa Quảng Đức đến trước bến Phu Văn Lâu. Các nghi vệ được thiết tại đây để thực hiện lễ tiễn nhà vua lên ngự thuyền đi lên đàn tế. Đây cũng chính là con đường đi tế Nam Giao của các vua Nguyễn đầu triều.
- Lễ tế Nam Giao: được tổ chức vào tối ngày 04/6/2008 (từ 19h00 đến 22h00).
Không gian tổ chức từ Trai Cung đến đàn tế.
Theo kịch bản dự kiến, đoàn ngự đạo sẽ rước nhà vua từ Trai Cung (phía tây bắc đàn tế) đi đến đàn chính. Nghi lễ tế giao sẽ được tổ chức một cách trang nghiêm, hoành tráng và chân xác như từng diễn ra dưới thời Nguyễn. Lễ Nam Giao lần này chắc chắn sẽhấp dẫn vì toàn bộ phần nghi lễ và nhạc múa được nghiên cứu và dàn dựng rất công phu. Nhất là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục hồi thành công 128 bộ trang phục vũ công dành cho múa Bát dật Văn và Bát dật Võ để phục phụ lễ tế. Việc đóng các hương án, long liễn, ngự liễn, may cờ quạt, làm đèn lồng… sử dụng trong lễ tế cũng được tiến hành theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Đặc biệt, trong Lễ tế Nam Giao lần này sẽ có sự tham gia của 8 làng xã có truyền thống văn hóa tiêu biểu tại Thừa Thiên Huế, đại diện cho nhân dân cả nước. Tám làng trên sẽ trực tiếp thực hiện các nghi lễ tế cúng tại 8 án thờ các vị Thần linh đặt tại 4 góc của tầng Phương Đàn (tầng 2) theo hướng dẫn của Ban Tổ chức.
Với sự chuẩn bị khoa học, công phu của Ban tổ chức, với sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của nhân dân địa phương, Lễ tế Nam Giao trong Festival 2008 sẽ là một lễ hội hoành tráng, hấp dẫn và mang đậm nét nhân văn độc đáo của vùng đất Cố đô.