Tục đốt đèn trời ở Việt Nam có từ thời nào, không ai biết rõ. Nhưng, trong tài liệu cổ "Thái Bình phong vật chí" thì khoảng năm 1900, ở xã Trình Phố xưa (thuộc Tiền Hải, Thái Bình) có lệ thi thả đèn trời vào những dịp lễ, tết...
Với ý nghĩa tâm linh sâu sắc và góp phần đem lại nét lung linh, hoành tráng cho những đêm hội làng, lễ hội, giao thừa... tục đốt đèn trời từ Thái Bình đã lan sang nhiều tỉnh khác như: Tuyên Quang, Yên Bái, Lai Châu, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Thanh Hoá, Huế, Đà Nẵng, Hà Tây... và tạo nét văn hoá mang đậm chất dân gian cho dân tộc Việt.
Ở xóm Đìa (Bình Đà, Bình Minh, Thanh Oai) hiện nay, có gia đình bác Nguyễn Tiến Tần chuyên làm nghề làm đèn trời cung cấp cho lễ hội quanh vùng và các tỉnh lân cận. Không những thế, lồng đèn trời của gia đình bác Tần đã "bay" tới cả trời
Anh Nguyễn Tiến Tú, con trai thứ hai của bác Tần là người trực tiếp cùng cha mình tạo nên những lồng đèn trời nghệ thuật với nhiều sắc màu huyền ảo, cho biết: Trong nhà anh luôn luôn có hàng trăm lồng đèn trời, sẵn sàng phục vụ nhu cầu khách hàng và cùng tham gia thao tác kỹ thuật trong quá trình biểu diễn… Tùy theo yêu cầu của khách hàng, thân đèn sẽ được cắt dán các khẩu hiệu, làm nổi bật chủ đề cho đêm hội…
Anh Tú cho biết: Để làm ra một chiếc đèn trời không khó, nhưng cũng không đơn giản. Hình dáng của đèn trời khi hoàn thành giống như một quả chuông hay cái nơm khổng lồ. Miệng đèn được tạo thành hình tròn từ thanh tre với đường kính từ 0,8m-1m, tùy theo người làm và khách đặt mua. Giấy phất đèn nhất thiết được làm bằng giấy bản hoặc giấy dó, có độ dai bền, chịu được nhiệt và sức đẩy của gió. Giấy còn được tráng màu cho đèn thêm sinh động (nhưng loại này đắt hơn nhiều so với giấy trắng). Thường thường, gia đình bác Tần làm đèn bằng loại giấy trắng rồi dán các dòng chữ theo yêu cầu khách hàng. Từ miệng đèn, có sợi dây thép buộc chéo để gắn bấc đèn. Bấc đèn là những sợi vải mảnh buộc lại với nhau, tẩm dầu, mỡ và một số chất liệu tạo màu sắc. Đây chính là bí quyết quan trọng để tạo nên sắc màu rực rỡ của đèn trời. Khi đốt, phải giữ cho đèn thăng bằng rồi châm lửa vào bấc, lửa cháy, làm loãng không khí trong lồng đèn, làm cho đèn từ từ bay lên, gặp gió, đèn sẽ bay cao, bay xa… Lễ hội đèn trời luôn tạo nên không khí náo nhiệt sôi động của những người tham gia và thực sự là lễ hội của ánh sáng…
Tâm sự với chúng tôi, anh Tú cho biết: “Để hoàn thành một chiếc đèn trời, người thợ phải làm cả ngày, chi phí tiền nguyên liệu khoảng 30 nghìn đồng. Hiện nay, mỗi chiếc đèn bán ra từ 60-70 nghìn đồng một chiếc. Vậy là, chúng tôi chỉ lấy công làm lãi… Dù vậy, gia đình chúng tôi vẫn quyết tâm duy trì nghề làm đèn trời vì đây chính là một nét văn hóa đẹp của dân tộc Việt Nam. Không chỉ giữ nghề mà chúng tôi còn đang tìm cách cải tiến mẫu mã để đèn trời đẹp hơn, rực rỡ hơn…”.
Quả vậy, nếu như vào những đêm lễ hội của dân tộc hay phút giao thừa giữa sự giao hòa của đất trời mà có những quả cầu lửa với những sắc màu rực rỡ nối tiếp nhau bay vào vũ trụ sẽ càng làm tăng thêm sự trang trọng, thiêng liêng; đèn trời như mang theo những thông điệp của con người tới một thế giới chỉ có hòa bình và no ấm như một biểu tượng chuyển tải ý nghĩa sâu sắc của văn hóa tâm linh đất Việt. Lo rằng, một ngày nào đó, những nghệ nhân như bác Tần, anh Tú… sẽ mai một thì những chiếc đèn trời liệu có còn không?