Nguyễn Huệ - anh hùng đại võ công

14:20, 14/08/2008

Về Bình Định những ngày giáp Tết Mậu Tý, tự nhiên tôi muốn xách xe chạy thẳng lên Bảo tàng Quang Trung ở huyện Tây Sơn, sau khi đã ngắm mãi bức tượng Hoàng đế Quang Trung được dựng mới ở công viên trung tâm TP Quy Nhơn.

 Bên bờ sông Côn

 

Trong tiết trời lập xuân mát lạnh, con đường 19 nối liền Quy Nhơn với Tây Sơn rợp hoa xuân. Có cả những nhành mai núi như được lấy từ những ngọn núi hùng vĩ của vùng Tây Sơn thượng- nơi hun đúc hùng khí của Tây Sơn tam kiệt. Những cánh đồng bạt ngàn xanh mút mắt của Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, cùng với Tây Sơn thượng... đã từng tạo nên một sức mạnh hậu cần vững chắc để những người áo vải vùng lên làm một cuộc cách mạng long trời lở đất, đập tan những tập đoàn phong kiến phức tạp nhất trong lịch sử dân tộc Lê- Trịnh- Nguyễn, thống nhất đất nước.

 

Con đường lịch sử ấy nằm bên bờ sông Côn kiêu hãnh từng in dấu vó ngựa của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, những võ tướng lẫy lừng như Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc...

 

Sông Côn bên bồi bên lở, mùa này chỉ còn nước bên lở, thuyền nhỏ có thể đi được, còn lại là cát trắng xóa. Mùa lũ, “Sông Côn như một đường quyền phóng túng” - thơ Trần Mạnh Hảo - gầm thét khúc ca đại ngàn đổ nước xuống Đầm Thị Nại – nơi từng chứng kiến những trận thủy chiến khốc liệt nhất của nghĩa quân Tây Sơn với quân nhà Nguyễn. “Đường quyền” ấy góp phần tạo nên chiến công hiển hách vào bậc nhất của lịch sử dân tộc vào mùa xuân năm Kỷ Dậu l789 khi Nguyễn Huệ chỉ trong vài ngày đã đánh tan tác 20 vạn quân của vua Càn Long - thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Mãn Thanh, đế chế phong kiến hùng mạnh nhất ở phương Đông thời bấy giờ.

 

Đi trên con đường lịch sử ấy, tôi bỗng nhớ một câu chuyện lịch sử: Trước đây có một vị lãnh đạo của Trung Quốc hỏi vị lãnh đạo của ta: “Có phải VN đã từng đánh thắng quân Nguyên và quân Thanh không?”. Vị lãnh đạo ta trả lời: “Vâng, còn đánh thắng cả quân nhà Minh nữa...”. Quân Nguyên tức quân Mông Cổ, từng thống trị Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, kể cả một số nước ở châu Âu. Quân Thanh, tức người Mãn Châu, triều đại phong kiến cuối cùng thống trị Trung Quốc. Còn nhà Minh là của người Hán - dân tộc đa số ở Trung Quốc. Lê Lợi vĩ đại là ở chỗ đó.

 

29 tháng Chạp ở bảo tàng Quang Trung

 

Sáng 29 tháng Chạp. Bảo tàng Quang Trung vắng vẻ, uy nghi trầm mặc bên bờ sông Côn. Bảo tàng đóng cửa để chuẩn bị cho lễ dâng hương vào mùng 5 Tết. Một nhóm du khách nước ngoài ngắm nhìn tượng đài Quang Trung vươn lên giữa trời xanh thẳm.

 

Một cụ già tuổi ngoài 70 chống gậy men theo những bờ đá cổ viếng lăng người anh hùng. Tôi theo cụ, cụ bảo “muốn đi Đống Đa nhưng ngại mùng 5 Tết không chen chân nổi nên đi trước. Nhưng tiếc quá bảo tàng đóng cửa nên không thắp được nén nhang cho người...”. Bên ly cà phê nóng ấm trong bảo tàng, cụ nói về Nguyễn Nhạc- Tây Sơn Vương. Cụ bảo nếu không có Tây Sơn Vương thì làm sao có Nguyễn Huệ.

 

Lịch sử chưa có đủ những nghiên cứu xác đáng về Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ. Nguyễn Nhạc có những hạn chế của người nông dân khi đã ở đỉnh cao quyền lực. Còn Nguyễn Huệ là một thiên tài về quân sự. Lịch sử oái oăm đã cho Tây Sơn tới ba vị anh hùng - “Tây Sơn tam kiệt” nên triều đại ấy kết thúc như một bi kịch...

 

Cụ nhìn lên tượng đài Quang Trung, chép miệng than: “Tại sao người anh hùng vĩ đại như Quang Trung đại đế lại chết ở cái tuổi 40? Lịch sử, số mệnh của con người vĩ đại ấy thật khắc nghiệt, một lần nữa lại đưa dân tộc ta đi theo một hướng khác...”.

 

 “Đi Đống Đa”

 

Tôi đã hưởng xong một cái Tết cổ truyền đúng nghĩa của người Bình Định, dù mới 29 tháng Chạp, vì tôi đã được “đi Đống Đa” trước Tết. Với người Bình Định, ăn Tết chưa trọn vẹn nếu mùng 5 Tết chưa “đi Đống Đa” - tức đi lễ hội mừng chiến thắng Đống Đa - được tổ chức hằng năm tại Bảo tàng Tây Sơn. Đứng trên cây cầu mới bắc ngang sông Côn nhìn xuống chiếc cầu cũ bạc màu thời gian, những kỷ niệm tuổi thơ chợt ùa về. Ngày ấy chỉ mới là cậu học sinh cấp 1, tôi và lũ bạn đã biết lên xe lam 3 bánh, vượt gần 30 km từ Tuy Phước để “đi Đống Đa”.

 

Đúng là ngày hội ngựa xe như nước áo quần như nêm. Từ cây cầu kỷ niệm ấy, lũ trẻ chúng tôi có lần bị lấn té xuống sông Côn, rồi cởi quần áo bơi qua sông để được đến bên người, ngắm vị anh hùng áo vải Quang Trung. Không chỉ ở Bình Định, Hà Nội từ trước đến nay hằng năm đều có lễ “giỗ trận” vào mùng 5 Tết, giờ trở thành “Ngày hội Đống Đa”. TPHCM, Huế cũng vậy, đủ thấy chiến công oanh liệt của Quang Trung hoàng đế trong cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

 

Chính chiến thắng ấy đã đặt vị trí của hoàng đế Quang Trung ngang hàng với những chiến công hiển hách của Lý Thường Kiệt với quân Tống, Trần Hưng Đạo với quân Nguyên Mông, Lê Lợi với quân Minh. Đã làm cho các nhà nghiên cứu lịch sử dù có nghiêm khắc đến đâu cũng xếp triều đại Tây Sơn là một triều đại chính danh trong lịch sử dân tộc.

 

Nhưng tại sao là Đống Đa?

 

Đơn giản đó là cú đánh chí tử vào sào huyệt trọng yếu của quân địch, nơi tập trung các tướng lĩnh cao cấp nhất của quân Thanh. Sào huyệt đó là hệ thống phòng thủ từ Gián Khẩu (Ninh Bình) đến Thăng Long mà trung tâm chính là đồn Ngọc Hồi ở Thanh Trì.

 

Thường những cuộc hành binh có tính chất quyết định, Nguyễn Huệ luôn tự mình thống lĩnh mũi tiến công chính, lần này là Hà Hồi và Ngọc Hồi. Với Hà Hồi, nửa đêm mùng 3 Tết, Nguyễn Huệ lấy đồn không mất một mũi tên hòn đạn. Ngày mùng 4 Tết Nguyễn Huệ dàn binh công khai vây hãm Ngọc Hồi mà chưa đánh. Trong khi đó, Quang Trung sai Đô đốc Long đánh vào Khương Thượng, thọc vào sườn Tôn Sĩ Nghị.

 

Ở đây chúng ta thấy, tự khi ấy, Quang Trung đã có tư tưởng quân sự hết sức hiện đại: Tấn công tích cực và kiên quyết, biết đánh tập trung đối mặt trực tiếp với quân địch với những tập đoàn quân lớn; biết đánh kết hợp, vu hồi. Trận đại phá quân Xiêm ở Rạch Gầm, Xoài Mút trước đó cũng tương tự. Cách đánh này thường thấy trong thế chiến thứ 2.

 

Trận Ngọc Hồi và lấy đồn Khương Thượng là những trận kịch chiến dữ dội, những đợt đánh giáp lá cà đẫm máu, làm gần 10 dũng tướng của Tôn Sĩ Nghị lớp tự sát, lớp chết trận, cùng với mấy vạn quân Thanh phơi thây giữa trận tiền.

 

Sau chiến tranh, xác mấy vạn quân Thanh được nhân dân thu dọn xếp thành 12 đống lớn, đắp đất lên chôn cất- gọi là kình nghê kinh quán- tức là những gò đống chôn quân giặc hung dữ như cá kình, cá nghê. Một nhà thơ đương thời là Ngô Ngọc Du có bài thơ Loa Sơn điếu cổ ca ngợi chiến thắng ở Khương Thượng, có câu: “Thánh nam thập nhị kình nghê quán/chiến diệu anh hùng đại võ công”- Thánh nam xác giặc mười hai đống/Ngời sáng anh hùng đại võ công. Còn Tôn Sĩ Nghị thì chưa đánh đã bỏ cả ấn tín chạy trối chết, kết thúc cuộc xâm lược cuối cùng của các triều đại phong kiến phương Bắc với nước ta.

 

Còn Quang Trung đại đế đã thực hiện xong lời thề trước lúc xuất binh: “Đánh cho để tóc dài/Đánh cho để răng đen/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho sử tri Nam Quốc sơn hà duy hữu chủ”.