Hướng tới những sự kiện của Năm du lịch Tây Nguyên 2009 và thành công của Lễ hội cà-phê năm 2005, UBND tỉnh Ðác Lắc tiếp tục tổ chức Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ hai từ ngày 10 đến 14-12-2008 nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Ðác Lắc từ thương hiệu của một vùng thủ phủ cà-phê nổi tiếng, thúc đẩy phát triển xuất khẩu và mời gọi đầu tư trong việc trồng và chế biến cà-phê trên vùng đất cao nguyên.
Lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao và triển lãm, hội chợ về cà-phê, thu hút khoảng 150 doanh nghiệp, đơn vị tham gia với gần 400 gian hàng dưới sự chủ trì của UBND tỉnh Ðác Lắc cùng Tổng công ty cà-phê Việt Nam, Hiệp hội cà-phê - ca cao Việt Nam và nhiều bộ, ngành Trung ương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ðác Lắc Lữ Ngọc Cư, đây là một sự kiện văn hóa, du lịch gắn liền với kinh tế và đang được tỉnh xây dựng trở thành sự kiện mang tính định kỳ, góp phần quảng bá thương hiệu cà-phê Việt Nam nói chung và cà-phê Buôn Ma Thuột nói riêng, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, giao lưu kinh tế, thu hút đầu tư và du khách ở trong nước và ngoài nước. Các hoạt động của lễ hội sẽ chủ yếu đề cập chủ đề về cây cà-phê, sản phẩm cà-phê, tôn vinh những người trồng và chế biến cà-phê, đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất Tây Nguyên.
Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ hai có nhiều chương trình phong phú và hấp dẫn với điểm nhấn là lễ khai mạc hoành tráng tại trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Sau lễ khai mạc, du khách có thể tham dự những hoạt động trong khu phố ẩm thực cà-phê tổ chức tại quảng trường thành phố.
Khu phố được thiết kế khá ấn tượng theo kiến trúc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với những quán giới thiệu và thưởng thức miễn phí các hương vị cà-phê lừng danh đất cao nguyên cùng một nền văn hóa cà-phê Buôn Ma Thuột đang dần định hình.
Bên cạnh đó là khu triển lãm, hội chợ của các doanh nghiệp, quảng bá các sản phẩm cà-phê nhân, cà-phê đã chế biến, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cây cà-phê, các loại giống, công trình nghiên cứu, mô hình chăm sóc và lịch sử phát triển của cây cà-phê trên đất Tây Nguyên. Một hội thi nhà nông đua tài nhằm tạo sân chơi giao lưu cho những người trồng cà-phê của 14 huyện trong tỉnh tham gia, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm canh tác, phát triển cà-phê theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong thời gian lễ hội, hình ảnh cây cà-phê Buôn Ma Thuột cùng các danh lam, thắng cảnh và văn hóa Tây Nguyên còn được giới thiệu qua hội thi nhiếp ảnh nghệ thuật. Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì một hội thảo có chủ đề "Phát triển cà-phê bền vững với chuyên đề về đầu tư, xuất khẩu, chế biến nâng cao giá trị và thị trường xuất khẩu cà- phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Cùng với các hoạt động về xúc tiến thương mại, du lịch, nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao cũng diễn ra như liên hoan văn nghệ, múa lân, diễu hành voi với biểu tượng cà-phê Buôn Ma Thuột trên đường phố, liên hoan văn hóa cồng chiêng, lễ đâm trâu tại nhiều điểm trong thành phố.
Lễ hội lần này cũng sẽ tổ chức bình chọn và xét trao tặng cúp vàng cho sản phẩm cà-phê chất lượng cao; tặng bằng khen cho những "Gian hàng đẹp, ấn tượng"; trao giải thưởng sản phẩm cho doanh nghiệp được người tiêu dùng ưa chuộng nhất. Ngoài ra, còn có lễ tặng thưởng, tôn vinh những cá nhân và hộ nông dân điển hình sản xuất cà-phê giỏi trên địa bàn tỉnh. Cũng trong dịp này, sàn giao dịch nông sản đầu tiên tại Việt
Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, quảng bá thương hiệu cà-phê Việt Nam mà còn tạo cơ hội cho du khách khám phá tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế cũng như tìm hiểu phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc tỉnh Ðác Lắc và Tây Nguyên nói chung. Hiện nay, cả tỉnh Ðác Lắc đã có hơn 180 nghìn ha cây cà-phê có chất lượng sản phẩm thơm ngon với thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng chiếm hơn 60% sản phẩm cà-phê xuất khẩu trong cả nước.