Trình diễn võ thuật cổ truyền tại lễ hội Lam Kinh trong Đại lễ kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 580 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang và 575 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Nhắc đến Thăng Long - Hà Nội, mỗi người dân xứ Thanh đều có một niềm tự hào: ở thời kì nào trong lịch sử, họ đều có những đóng góp công sức, cả xương máu cho Thủ đô.
Hơn 2000 năm trước, huyện Đông Sơn có chàng trai Nguyễn Tam Trinh khỏe mạnh, giỏi vật võ. Hai Bà Trưng dấy cờ, ông đem quân ứng nghĩa đánh đuổi thái thú Tô Định nhà Hán bỏ chạy về nước. Lúc Hai Bà lên ngôi vua ở Mê Linh, ông xin về sinh sống ở vùng Mai Động thuộc đất Long Biên. Tại cõi đất đai phì nhiêu, cả dải rừng mai tươi đẹp, trắng có, vàng có, Tam Trinh mến cảnh định cư lại. Hàng ngày ông dạy dân khai hoang lập ấp, mở trường dạy vật võ cho trai tráng trong vùng để bảo vệ xóm làng, được dân Mai Động vô cùng quý phục.
Mã Viện đem quân Hán trở lại, Nguyễn Tam Trinh liền phò giúp Hai Bà Trưng đánh giặc. Quân Hán đến Cổ Loa, ông lui về Mai Động đào hào đắp lũy chống lại, nhưng thế mảnh, bị bao vây, cuối cùng hy sinh. Sau này dân Mai Động tôn ông làm Thành Hoàng, hàng năm cúng tế, mở hội vật nức tiếng cả vùng. Gần cầu Mai Động nay có đường Nguyễn Tam Trinh, có thể coi như người xứ Thanh nổi tiếng định cư, có “khẩu” sớm nhất ở Đại La.
Sau thời gian dài bị phương Bắc đô hộ, Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo giành được quyền tự chủ cho đất nước. Hai tiên liệt qua đời, Khúc Thừa Mỹ lên thay, nhưng lại ăn chơi xa xỉ, bị quân nhà Lương sang xâm chiếm, bắt đi. Đất nước lại rơi vào cảnh nô lệ. Hào trưởng đất Ái Châu là Dương Đình Nghệ, bộ tướng của họ Khúc, vô cùng căm giận, dấy binh ra Đại La diệt Lý Tiến, giành lại quyền tự chủ. Khi Nghệ bị hãm hại do Kiều Công Tiễn phản bội và đầu hàng quân Hán, con rể Nghệ là Ngô Quyền lại đem quân từ xứ Thanh ra diệt Tiễn. Trận đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng là một chiến công chói lọi.
Đến đời Lê Hoàn, ông đem quân Thanh Nghệ ra ải Chi Lăng diệt quân Tống, đánh tan thủy quân của chúng ở Bạch Đằng. Lê Lợi sau mười năm nằm gai nếm mật cuối cùng ra vây Đông Quan, diệt Liễu Thăng ở Chi Lăng, phá thành Xương Giang, bắt Vương Thông phải rút quân về nước sau hội thề nổi tiếng. Công sức của tinh binh Thanh Nghệ trong đó không hề nhỏ.
Khi hai mươi vạn quân Thanh vào xâm chiếm nước ta, Nguyễn Huệ lên ngôi vua ở Phú Xuân, ra Thanh Hóa dừng lại tuyển quân rồi thần tốc hành binh ra phá trận Ngọc Hồi. Ngày 5 Tết quân Tây Sơn đã vào giải phóng Thăng Long, khiến quân giặc khiếp vía kinh hồn. Bấy nhiêu trận mạc, chiến công, đóng góp của nghĩa binh xứ Thanh rất đáng kể.
Lịch sử chứng kiến nhiều phen Thăng Long không còn “phi chiến địa”, và xứ Thanh thường là hậu cứ an toàn cho vua lui binh về. Khi quân Nguyên của Thoát Hoan tràn vào kinh thành, vua Trần xuống thuyền về Thiên Trường rồi lánh về Thanh với niềm tin “Hoan Ái hãy còn hàng chục vạn binh” mà tính kế phản công. Lúc quân Thanh xâm lấn, Ngô Thời Nhiệm chủ động bỏ Thăng Long về Tam Điệp giữ lực lượng, chờ đại quân của Quang Trung ra. Sau này trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xứ Thanh cũng là vùng tự do, nuôi nấng dân Thủ đô tản cư về. Đặc biệt với giới văn nghệ sĩ, những Cầu Bố, Rừng Thông thật quen thuộc
Hà Nội hôm nay có hai danh thắng nổi tiếng là hồ Gươm và Quảng trường Ba Đình. Hồ Gươm nối sự tích Lê Lợi nhận gươm ở sông Lường Thanh Hóa với việc sau này, đã thành Lê Thái Tổ, trả gươm cho thần rùa ở hồ Tả Vọng - sau này thành Hoàn Kiếm. Quảng trường trước phủ Toàn quyền cũ, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, sau này chính Người lấy tên cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp ở xã Ba Đình, Nga Sơn Thanh Hóa đặt cho. Đây là những nơi ai đến Thủ đô cũng phải tham quan cho kỳ được.
Sự gắn bó của xứ Thanh với Thăng Long - Hà Nội kể sao cho hết. Ngày xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thanh Hóa góp vào những phiến đá đỏ đẹp nhất. Lời căn dặn của Bác “Thanh Hóa phải trở thành tỉnh kiểu mẫu” giờ hãy còn vang mãi bên tai mỗi người dân nơi đây. Nhiều người con ra đi từ Thanh Hóa đã trưởng thành, đóng góp cho Thủ đô, như một quê hương thứ hai... Bên cạnh tiềm năng con người thì đất đai, tài nguyên của Thanh Hóa và Hà Nội còn rất phong phú để làm giầu cho cả đôi bên trong công cuộc hợp tác giữa hai tỉnh thành, đem lại sự vững chãi cho cả hai địa phương.