Các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam và Hội An từng định hướng “phát triển mạnh ngành công nghiệp giải trí, các loại hình du lịch sinh thái, văn hoá, du lịch khám phá, thể thao, nghỉ dưỡng... chất lượng cao”, thậm chí có cả casino, sân bay trực thăng trên đảo, nhưng chuyện này chỉ có thể khi… có điện.
Thành phố Hội An hai lần đưa cán bộ đi Cát Bà, Phú Quốc tìm hiểu mô hình điện lưới quốc gia về “giải” cho đảo nhưng chưa được. Bốn dự án đầu tư khu du lịch sinh thái Bãi Chồng, Bãi Xếp, Bãi Bìm, trung tâm đón tiếp cảng du lịch Cù Lao Chàm có vốn đầu tư không dưới 100 tỉ đồng được cấp phép đã năm năm đang được đánh giá là “chậm triển khai, làm cho môi trường phát triển du lịch sinh thái biển đảo chưa mạnh”. Điện gió, điện năng lượng mặt trời đang thử nghiệm tại Bãi Hương, thôn Cấm; nhưng về lâu dài, sử dụng nguồn năng lượng này cũng chỉ để phục vụ sinh hoạt là chính. Thêm vào đó, dịch vụ trong dân phát triển tự phát, hàng lưu niệm lèo tèo, cua đá đang lo tận diệt… Ở Bãi Làng, trung tâm của đảo, khó có một căn phòng qua đêm tạm được, có chăng là ngủ cùng nhà dân.
Như vậy, câu chuyện về điện và dịch vụ du lịch sẽ dễ hình dung, nhưng nguồn nước sạch và tình trạng ô nhiễm môi trường trên đảo đang là vấn nạn. Lượng rác thải mỗi ngày tại thôn Bãi Làng chỉ dài gần 2km lên đến 1.000kg. Lượng du khách ra đảo vui chơi, giải trí ngày càng đông trong khi địa phương chưa có biện pháp nào xử lý, chất thải không phân huỷ được phải chở vào đất liền, nhưng còn chờ… dự án.
“Mùa nắng nóng, đỉnh điểm là vào các tháng 6, 7, 8 hằng năm, nguồn nước sinh hoạt vốn được xem là khá tinh khiết trên đảo bị cạn kiệt. Có lúc dân phải dùng nước đóng bình. Biển cả bất thường, giá cả cá mực bất ổn, mua nước có nhãn mác làm răng rửa mặt!”. Ông Nguyễn Văn Trọng nói thêm.
Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng đã cảnh báo về tình trạng khai thác quá mức nguồn tài nguyên trong khu vực, vì thế, ngành du lịch của xứ đảo vàng trắng yến sào đang đứng trước nhiều thách thức lớn.