Đến xã Ating, Đông Giang – Quảng Nam lúc này, có thể gặp những hình ảnh thú vị mùa thu hoạch măng của người Cờ tu
Mùa hái măng từ tháng 6 đến tháng 9 (âm lịch), các phụ nữ Cờ tu ở đây vào rừng từ sáng sớm và bẻ (chặt) măng rất nhanh, gùi măng rất giỏi. Nhờ quen và khéo tay, các cô gái Cờ tu xếp măng vào gùi bằng ba mụt măng chồng nối nhau, đầu ngọn của búp măng này, xỏ vào phần gốc của búp kia. Gùi măng cao ngất ngưởng, nhưng khi lên, xuống dốc, qua bao con khe, con suối, măng không bị rơi. Khi qua con suối cuối cùng, trước khi về buôn, làng, các cô đổ măng ra bên bờ suối để rửa sạch và xếp măng lại vào gùi đúng theo cách thức ban đầu.
Dọc theo hai bên đường 604, khoảng trên dưới Km40, có hàng chục điểm thu mua măng tươi (cấp 1) với giá 2.000 đồng/kg, do các cô gái người Kinh đứng ra mua và luộc măng. Chị Nguyễn Thị Hát, người đang luộc măng cho biết: “Tại đây, măng luộc xong được vô bao, kèm theo tên của người nhận rồi theo xe đò chở về Tuý Loan giao lại cho các “đại lý” mua măng (cấp 2) với giá khoảng 3.000 đồng/kg. Sáng hôm sau, người mua gửi tiền lên đồng thời kèm theo mảnh giấy có ghi thông tin số măng lấy ngày hôm sau. Tại đây, phần măng của người nào, người đó đổ ra, cắt bỏ những chỗ già hoặc xắt mỏng để cân lại cho một “đại lý” mua măng (cấp 3) với giá 4.000 đồng/kg để bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Nhiều người cho rằng măng là loài rau sạch lấy từ môi trường tinh khiết (rừng núi) về, không có dư lượng hoá chất độc hại với điều kiện được luộc và xả nước qua, nên được nhiều người ưa chuộng, người ta dùng măng để làm dưa với mắm nêm, hay chiên, xào, trộn… với các loại thịt heo, bò gà, vịt… ăn rất thơm ngon. Hàng năm, Đông Giang cung cấp hàng ngàn tấn măng cho thị trường Đà Nẵng và các khu vực lân cận. Nhờ nguồn măng này, đồng bào Cờ tu nơi đây có loại “rau sạch” để ăn, bán lấy tiền, giải quyết công ăn việc làm, góp phần cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo…