Nơi Thiên Y A Na giáng trần

08:12, 01/10/2008

Mỗi năm hai lần, hàng  ngàn người ở khắp miền Trung đã tụ về dưới chân núi Ngọc Trản để tham gia Lễ hội Điện Huệ Nam (điện Hòn Chén), ở địa phận làng Hải Cát, huyện Hương Trà (ThừaThiên-Huế).

Tục truyền nơi đây một năm hai lần, đức Thánh mẫu Thiên Y A Na giáng trần để ban phước lành cho chúng sinh.

 

Dòng Hương dậy sóng

 

Cũng lâu lắm rồi, con sông Hương lờ lững mới được một ngày dậy sóng bởi tiếng trống kèn giòn giã, cờ xí rợp trời từ những con thuyền hoa khoác áo ngũ sắc. Thuyền hoa (bằng) của người đi lễ hội cũng nói lên được nhiều điều. Giàu thì thuyền lớn, trang hoàng lộng lẫy, kèn trống chát tai; nghèo thì đơn giản hơn một chút; và nghèo nữa như thuyền của tôi thì không kèn, không trống, lặng lẽ theo họ như chiếc bóng. Nhưng hình như không có ai vì thế mà buồn, bởi "đi lễ hội, đến với Mẹ, đôi khi chỉ cần tấm lòng thành là đủ" - chị Liên, chủ thuyền tâm sự.  

Đứng dưới chân núi Ngọc Trản tôi ngỡ như mình bước lạc vào một thế giới khác. Hàng trăm thuyền nhỏ, thuyền to san sát như như miền Tây họp chợ. Dưới thuyền, trong và ngoài điện phạm vi mấy kilômét vuông, hàng ngàn người chen chúc nhau đứng, ngồi, hành lễ... Hương khói ngút trời. Lẫn trong đám đông, tôi thấy cả những người nước ngoài cười nói hớn hở.

 

Lễ hội Điện Huệ Nam thường kéo dài đến 3 ngày với rất nhiều nghi lễ, trong đó quan trọng nhất là phần hầu đồng, thường bắt đầu từ chiều tối cho đến nửa đêm về sáng. Người Chăm xưa và sau đó là người Việt đã coi những buổi hầu đồng, rước bóng như là sự tìm về với cội nguồn của tâm linh, sự thăng hoa của tôn giáo phồn thực để tìm sự an ủi, vỗ về ở một thế giới khác.

 

Thiên Y A Na là ai?

 

Nhiều tài liệu đã dẫn tôi ngược thời gian về những năm đầu thế kỷ 14, khi Công chúa Huyền Trân chấp nhận cuộc hôn nhân lịch sử để nhà Trần có được vùng châu Ô, châu Rí. Khi những cư dân Việt đầu tiên đặt chân lên vùng đất này, họ đã ngỡ ngàng, trước một nền văn hóa Chăm khác biệt so với văn hóa, tín ngưỡng của miền Bắc.

 

Nhưng dần dần, họ đã tìm thấy được tiếng nói, sự thán phục từ hình tượng nữ thần Por Nagar  của người Chăm qua hình tượng Mẫu - người mẹ thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Thiên Y A Na Thánh mẫu, theo truyền thuyết của người Chăm là vị thần đã sáng tạo ra đất đai, cây cối, rừng gỗ quý, lúa, bắp... và dạy dân cách trồng trọt. Qua bao biến thiên của thời gian, hình tượng nữ thần Por Nagar được Việt hóa, trở thành đức Thánh mẫu Thiên Y A Na màu nhiệm, đầy quyền năng và luôn sử dụng quyền năng của mình để che chở cho những ai gặp bất trắc.

 

Theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan thì "chẳng biết điện Huệ Nam và đạo thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na có từ khi nào, chỉ biết rằng nó rất phồn thịnh dưới thời Vua Đồng Khánh. Cũng chính Vua Đồng Khánh đã tự xưng mình là một vị thần, trong hệ thống các vị thần dưới "trướng" của Thánh mẫu. Và di ảnh Vua Đồng Khánh cũng được thờ tại điện kể từ ngày xưng thần cho đến bây giờ, cùng với nhiều vị thần khác được du nhập từ miền Bắc vào sau này, trong đó có Mẫu Liễu Hạnh"- ông nói.

 

Về việc Thiên tử nay lại tự xưng là một vị thần dưới "trướng" của Thánh mẫu, thuộc chuyện xưa nay hiếm này, tập san Hội Nghiên cứu Đông Dương (BSET), xuất bản năm 1969, phần viết của GS Lê Văn Toàn đã có một nhận định rất thú vị đại ý, đó là biểu hiện của sự hoang mang khi vua không còn làm chủ được đất nước.   

 

Ngoài biểu tượng mẹ thiêng, Thiên Y A Na Thánh mẫu ở điện Huệ Nam còn được người dân ở làng Hải Cát gần đó suy tôn làm Thành hoàng của làng. Bởi vậy lễ hội dịp tháng 7, ngoài hầu đồng còn có nghi lễ rước Thiên Y A Na từ điện Huệ Nam về đình làng Hải Cát để tế tự một đêm và ngược lại. Đây là một nghi lễ vừa mang tính tâm linh, vừa có tính hội hè, được tổ chức như một liên hoan văn hóa dân gian trên sông Hương. Lễ rước đã thu hút hàng chục ngàn người từ dân địa phương, những người đăng ký tham gia lễ hội, khách du lịch, người hành hương..., cùng với thuyền to, thuyền nhỏ, trống kèn, hương án, cờ xí rợp trời, đủ màu sắc tham gia.

 

Lễ hội Điện Huệ Nam tự thân nó đã và đang là một sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang đậm dấu ấn tâm linh người Việt trên sông Hương. Lễ hội ngày càng thu hút đông đảo du khách, người hành hương... Mấy năm trở lại đây, năm nào UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng cho phép Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (đơn vị quản lý di tích điện Huệ Nam) đứng ra tổ chức lễ hội (có thu tiền của những người đăng ký tham gia).