Cứ vào ngày rằm tháng 3 hàng năm, tại đền Đô thờ Lý Bát Đế thuộc xóm Thượng, xã Đình Bảng, Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, người dân Kinh Bắc và cả nước long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang (năm Canh Tuất 1010).
Năm 1010, sau khi lên ngôi, Thái Tổ Lý Công Uẩn trở về thăm quê nhà thăm hỏi thần dân, ban tiền lụa cho các bậc kỳ lão, yết lăng Thái hậu và đo mươi dặm đất làm cấm địa thuộc Sơn Lăng (Thọ lăng Thiên Đức, nơi yên nghỉ của các vị vua triều Lý ngày nay). Đền Đô được xây dựng từ ngày ấy. Đền Lý Bát Đế rộng 31.250 m2, chia thành 2 khu vực: nội thành và ngoại thành. Cổng vào nội thành gọi là Ngũ Long. Trung tâm của Khu nội thành và cũng là trung tâm đền là chính điện. Tại đây có điện thờ vua Lý Thái Tổ. Phía bên trái treo tấm bảng ghi “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua. Phía bên phải treo bảng ghi bài thơ Thần nổi tiếng. Sau chính điện là hậu cung, nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý.
Khu ngoại thất đền có thủy đình trên hồ bán nguyệt, kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong. Văn chỉ nằm bên trái khu nội thành thờ Tô Hiến Thành và Lý Đạo Thành những quan văn đã có công lớn giúp nhà Lý. Nhà võ chỉ bên phải khu nội thành thờ Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Đào Cam Mộc, những quan võ đã có công lớn giúp nhà Lý. Ngoài ra, ở khu vực ngoại thành còn có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách và đền vua Bà (thờ Lý Chiêu Hoàng, còn gọi là đền Rồng).
Lý Thái Tổ là vị vua khai triều Lý, đã quyết định chọn vùng Thăng Long - Hà Nội ngày nay làm kinh đô mới, mở ra một thời đại khác hẳn về bang giao, kinh tế. Đó là một công tích lớn, đã được ghi nhận. Tuy thế, vẻ đơn sơ quá đỗi của khu lăng mộ của Người không khỏi khiến nhiều người chứng kiến nao lòng.
Thọ lăng Thiên Đức hay còn gọi là Cấm địa Sơn lăng, là nơi yên nghỉ của các nhà vua Lý. Ngoài 8 lăng thờ vua có lăng Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái Hậu Phạm Thị (mẹ Lý Công Uẩn), lăng Nguyên Phi Ỷ Lan và lăng Lý Chiêu Hoàng. Lăng thuộc thôn Cao Lâm, rộng 180m, dài 1.400m. Tương truyền rằng trước khi băng hà Lý Thái Tổ đã dặn lại, đại ý: “Lăng không cần xây bằng gạch, đá, chỉ đắp bằng đất để đỡ tốn tiền bạc của nhân dân. Quân lính và thường dân nếu có thương nhớ vua thì chỉ việc lấy đất đắp lên, càng cao càng quý. Khi lăng cao, cỏ mọc nhiều thì trâu bò sẽ có thức ăn trở nên béo khỏe, để cày ruộng cho nhân dân. Đây cũng là khu vui chơi của trẻ mục đồng, càng gần với lăng vua, các em càng nhớ tới công ơn của các vị tiền nhân, sẽ trở thành người tốt…”
Theo chỉ dẫn của thím Ba, người được phân công chăm sóc, nhang khói lăng Thái Tổ Lý Công Uẩn, tôi men theo bờ ruộng quanh co, nhỏ bé, cỏ mọc xanh um đến lăng Lòng Chảo ( lăng Lý Công Uẩn), theo cách gọi của người dân. Lăng xây trên một gò đất cao, hình lòng chảo, trong khi các lăng khác đều xây hình chóp nón. Cho dù đã được biết trước những lời căn dặn của nhà vua trước lúc băng hà, nhưng tôi vẫn không khỏi băn khoăn. Sao quá đơn sơ, giản dị. Với diện tích chỉ hơn chục mét vuông, kể cả ban ngai thờ và chiếc sân gạch cũ kỹ rêu phong phía trước, nó không khỏi làm tôi liên tưởng đến những ngôi miếu thờ mà ở bất kỳ làng, xã nào cũng có. Và cho dù trong gian thờ cũng có tấm bảng chữ in trên giấy đã hoen ố (chứ không phải bia đá) tóm tắt đôi dòng về công đức Thái Tổ Lý Công Uẩn, thì rõ ràng làm sao có thể ghi lại đầy đủ, trân trọng công trạng của một vị Vua đã từng khai sáng một triều đại văn minh Đại Việt. Song trên ngai thờ, Tượng Thái Tổ Lý Công Uẩn vẫn hiền từ, đức độ, uy nghi, sáng láng… Mâm trái cây thanh tao và những làn khói nhang thơm ngát, lan tỏa quanh ban thờ, đã làm tôi thấy ấm cúng, gần gũi biết bao với bậc tiền nhân.
Đền Đô thờ 8 vị vua đời Lý tọa lạc trên một vùng đất vượng khí, linh thiêng… chỉ cách Thủ đô Hà Nội có 20 km, được Đảng, nhà nước và nhân dân ta rất quan tâm và trân trọng. Sinh thời Bác Hồ đã bốn lần về thăm đền Đô, căn dặn “Dân ta phải biết Sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đền Đô thật trang nghiêm, lộng lẫy. Tiếc rằng quần thể di tích lịch sử này lại chưa thật hài hòa nếu đem so với nơi yên nghỉ của các vị vua triều Lý. Thọ lăng Thiên Đức nằm cách đền Đô chỉ vẻn vẹn trên dưới 1000m, vậy mà mỗi khi muốn đến viếng lăng các vị thật khó khăn. Con đường duy nhất dẫn đến các lăng chỉ có thể men theo các bờ ruộng nhỏ bé, gập ghềnh… nắng trên đầu, bùn dưới chân... càng làm cho các chuyến viếng lăng thêm khó khăn hơn với những bậc cao niên. Cho dù vẫn có người lo nhang khói, Lăng của các vị vua Lý cũng chưa được bảo tồn, tôn tạo xứng với tầm vóc… Bia đá, hạc, rùa… cho thêm phần trang nghiêm cũng chưa thấy. Và đã là quần thể di tích lịch sử được công nhận, thì việc có các bảng chỉ dẫn cho du khách cần thiết biết nhường nào… Theo Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn, nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa của quê hương Đình Bảng thì, nếu muốn viếng đầy đủ hơn một chục lăng trong quần thể di tích này, thời gian không thể chỉ tính trong một ngày. Và vẫn theo ông, ở nước ta không ít lăng tẩm, khu di tích, danh lam thắng cảnh… đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, được bảo tồn rất chu đáo, thì Thọ lăng Thiên Đức được xây đắp, tôn tạo cho xứng đáng cũng là điều hiển nhiên.
Ước nguyện trên của ông Nguyễn Đức Thìn cũng hợp với mong mỏi của nhiều người dân địa phương và cả nước. Mong sao Thọ lăng Thiên Đức được gìn giữ, tôn tạo cho xứng với công lao triều đại đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta. Được vậy, việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long lại thêm một công trình đầy ý nghĩa.