Đại lễ Tưởng niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn

09:12, 27/11/2008

Từ mờ sáng, phật tử từ khắp mọi miền tổ quốc đã đổ về khu trung tâm lễ hội, ước tính có khoảng 35-400.000 người về Yên Tử dự quốc lễ Phật giáo lần đầu tiên được tổ chức.

Trong ba ngày từ 25 đến 27-11, tại nhiều nơi của tỉnh Quảng Ninh như Đông Triều, Yên Hưng, thị xã Uông Bí, Cẩm Phả đã diễn ra các hoạt động lễ hội, tưởng nhớ 700 năm ngày Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn. Đại lễ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) phối hợp với Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh tổ chức.

Năm nay, BTC dự kiến sẽ có 35-40.000 lượt người đổ về Yên Tử tham dự lễ quốc giỗ của Phật giáo lần đầu tiên được tổ chức.

Công tác tổ chức đã được chuẩn bị chu đáo trong nhiều ngày. Các chùa Cẩm Thực, Long Động và nhiều chùa chiền khác trong tỉnh Quảng Ninh được trang hoàng lộng lẫy khác hẳn ngày thường. Những chiếc xe hoa trang trí sự tích Phật hoàng Trần Nhân Tông diễu hành trên đường phố tại thị xã Uông Bí, Đông Triều và Cẩm Phả, thu hút hàng nghìn người dân chào đón hai bên đường.

Từ mờ sáng ngày 27 diễn ra đại lễ chính thức, bà con phật tử khắp các tỉnh thành, cả trong và ngoài nước đổ dồn về khu trung tâm.

“Đức vua Trần Nhân Tông không chỉ là người khai sinh ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Việt, mà còn là một vị anh hùng dân tộc lãnh đạo toàn dân đại thắng quân Nguyên Mông. Ngài là niềm tự hào không chỉ của những phật tử mà còn là niềm vinh hạnh chung của tất cả những người con dân Việt Nam. Tôi đến Yên Tử nhiều lần nhưng lần đầu tiên được tham dự một lễ giỗ tổ hoành tráng và trang nghiêm như thế này là niềm vinh hạnh lớn"- chị Nguyễn Thanh Hạnh (Hà Nội) cho biết.

Sau những nghi thức long trọng, là hàng loạt các hoạt động văn hóa lớn như: trình diễn Nhã nhạc cung đình Huế, nhã nhạc Bát âm truyền thống Bắc bộ, múa Bài Bông, rước lễ vật tiến cúng Đức vua Trần Nhân Tông và diễn vở chèo Trần Anh Tông kế nghiệp.

Ngoài ra còn có các đàn cúng cầu siêu cho các liệt sĩ thời Trần và anh linh các vị anh hùng có công dựng nước, giữ nước. Tại các đại lễ trai đàn này, 700 đèn trời, 700 chim bồ câu và 700 quả bóng bay được thả để cầu nguyện cho tổ quốc phồn vinh, thế giới hòa bình.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: "Từ đây, ngày 1-11 âm lịch hàng năm sẽ là ngày quốc giỗ của Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi sẽ lập dự án đệ trình lên Chính phủ, kiến nghị UNESCO công nhận Phật hoàng Trần Nhân Tông là danh nhân văn hóa thế giới”.

Cũng theo thượng tọa Thích Thanh Quyết, Dự án đúc tượng vua Trần Nhân Tông đến nay cơ bản đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận. Tượng nhà vua sẽ được hoàn thành trong năm 2009 nhân dịp kỷ niệm 710 năm ngày vua Trần Nhân Tông về núi Yên Tử tu hành.

Dự kiến, tượng vua Trần Nhân Tông được làm bằng đồng nguyên chất, dựa theo nguyên mẫu là bức tượng bằng đá quý của vua Trần Nhân Tông đặt trong tháp tổ chùa Hoa Yên. Tượng cao khoảng 10 m, nặng trên 100 tấn và được đặt tại núi An Kỳ Sinh, Yên Tử do những người thợ Ý Yên, Nam Định thực hiện.