Thừa Thiên- Huế là địa phương có mật độ di tích rất dày đặc. Thời gian qua, do phải tập trung cứu nguy khẩn cấp cho khoảng 20 di tích thuộc hệ thống di tích cố đô Huế nên hơn 870 di tích khác “cố đô Huế” trên địa bàn đang lâm vào cảnh khó khăn
Nhân kỷ niệm 15 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận Di sản văn hoá thế giới, tại Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã công bố thành quả bảo tồn hết sức ấn tượng. Sau lời kêu gọi cứu nguy khẩn cấp năm 1981, đến nay hệ thống di tích Cố đô Huế trên địa bàn đã, đang hồi sinh, nhiều giá trị văn hoá cung đình Huế đã được sưu tầm, giới thiệu... Sự quyến rũ của di tích Cố đô Huế đã thu hút khách thập phương tạo nguồn thu để tái đầu tư bảo tồn di tích, làm tăng thu nhập cho ngành du lịch tỉnh.
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách toàn diện thì trong chừng đấy năm cứu nguy cho di sản Cố đô Huế thì hơn 870 di tích còn lại trên địa bàn đang ở trong tình trạng thiếu kinh phí tu bổ. Thậm chí, theo ông Phan Tiến Dũng – Giám đốc sở VH,TT&DL tỉnh, “ngay cả khi xây dựng kế hoạch tu bổ cho một số ít di tích bị xuống cấp, đã được báo chí phản ánh với sở KHĐT tỉnh, chúng tôi thấy tình hình cũng rất khó khăn”.
Nguyên nhân dẫn tới sự khó khăn trên được ông Dũng giải thích: “Mỗi năm TƯ cấp cho TT- Huế khoảng 28 tỷ đồng để tu bổ di tích. Nhưng do phải tập trung chống đỡ cho hệ thống di tích Cố đô Huế nên nguồn đầu tư cho 870 di tích còn lại rất khó”.
Thống kê từ sở VHTT&DL tỉnh cho thấy, trung bình mỗi năm, 870 di tích khác quần thể di tích “cố đô Huế” chỉ được đầu tư khoảng 3 tỷ đồng chủ yếu ở mức độ để chống xuống cấp. Trong khi đó, toàn bộ nguồn thu để lại từ bán vé tham quan di tích cộng nguồn từ Trung ương đầu tư tu bổ cho 20 di tích cố đô Huế trung bình mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng. Chính nhờ sự đầu tư tập trung để tu bổ này mà “tại cuộc họp với nhóm công tác của UNESCO năm 1997, “chúng ta đã công bố Quần thể di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, bắt đầu chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững”- ông Dũng nói.
Không phải con yêu con ghét, nhưng…
Trong ảnh là di tích lưu niệm cụ Phan Bộ Châu - một trong 870 di tích khác “cố đô Huế” theo ông Dũng là “đang xuống cấp nhưng chưa có kinh phí để đầu tư tu bổ”.
Tuy di sản Cố đô Huế không còn đối diện với nguy cơ “biến mất” như ở giai đoạn những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, song bên cạnh đó, 870 di tích khác “cố đô Huế” trên địa bàn vẫn đang đối diện nhiều thách thức.
Sau nhiều năm “nhịn miệng” chờ đầu tư, nhiều di tích cách mạng, danh nhân văn hoá, tôn giáo... ở TT- Huế đến nay đã có dấu hiệu xuống cấp, phần lớn là do chất liệu cũ không đủ sức chống đỡ với thời tiết khắc nghiệt thường xảy ra ở địa phương. Thêm vào đó là tình trạng xâm hại di tích ngày càng nhiều của các hộ dân sống trong khoanh vùng di tích nhưng chưa có phương án ngăn chặn. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Thanh tra sở VH,TT&DL tỉnh thì: “Nhiều vụ xâm hại di tích trên địa bàn không được giải quyết dứt điểm cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng số vụ vi phạm”.
Một thách thức khác đối với di tích ở TT- Huế là: Việc giải quyết vấn đề bảo tồn và phát triển ở Huế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do Huế là một Thành phố văn hoá lịch sử, hệ thống di tích vô cùng phong phú và phân bố trên diện rộng, công tác bảo tồn phải phù hợp để không níu kéo sự phát triển và ngược lại sự phát triển phải không làm mất đi các di tích cũng như phá vỡ các giá trị truyền thống.
Để cứu nguy cho số di tích khác triều Nguyễn ở TT- Huế, đã có ý kiến cho rằng cần phải tổ chức đánh giá công tác bảo tồn hệ thống di tích cố đô Huế để điều chỉnh nguồn vốn đầu tư, san sẻ cho 870 di tích còn lại. Bởi, đã là di tích thì di tích nào cũng có giá trị riêng của nó, trong bảo tồn không nên để xảy ra tâm lý “di tích nào khai thác được thì đổ tiền vào đầu tư và ngược lại”.