Từ tờ mờ sáng, con đường từ thị xã Uông Bí đến Đông Triều, hàng vạn tăng ni và nhân dân Phật tử trên những chiếc ô tô lớn nhỏ có trang trí biểu ngữ nối đuôi nhau chạy về hướng Yên Tử, nơi khai sinh thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Đúng 8h30, đại lễ tưởng niệm chính thức bắt đầu. Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng ban tổ chức, dẫn đầu hàng nghìn tăng ni, Phật tử và quan khách đến làm lễ dâng hương tại đền An Sinh, nơi thờ 8 vị vua Trần và tại chùa Quỳnh Lâm, Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam (đều ở Đông Triều, Quảng Ninh).
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, cụ Trần Vĩnh Sính (81 tuổi), một thành viên của dòng họ Trần ở xã Tân Việt (Đông Triều) nói trong niềm xúc cảm: “Chúng tôi rất tự hào khi được làm hậu duệ của các vua Trần, những người đã ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, đem lại độc lập và thịnh trị cho dân tộc. Vua Trần Nhân Tông là tấm gương sáng ngời của đức hạnh cao cả khi Ngài từ bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử tu hành. Chúng tôi luôn dặn con cháu mình rằng, dù có đi làm ăn ở đâu cũng không được quên ngày giỗ Tổ”.
Sau lễ dâng hương, tăng ni và Phật tử lưu lại chùa Quỳnh Lâm để làm lễ giỗ Tổ. Buổi chiều cùng ngày, mọi người làm lễ dâng hương tại đền Cửa Ông (thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh), nơi thờ tướng quân Trần Quốc Toản, dâng hương tại tháp Tổ ở chùa Hoa Yên và am Ngọa Vân.
Buổi tối, lúc 19h, một đại trai đàn cầu siêu liệt sĩ vong trận thời Trần và chư vị anh linh có công dựng nước và giữ nước được tổ chức tại đền Trần bên sông Bạch Đằng, nơi vua Trần Nhân Tông lãnh đạo toàn dân đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai vào năm 1288. Gần 10.000 người tham dự buổi lễ.
Ban từ thiện xã hội GHPGVN đã trao tặng 250 phần quà (trị giá 250.000 đồng) cho các hộ nghèo ở Uông Bí và Yên Hưng. Tiếp đến là đại lễ trai đàn cầu siêu do Hòa thượng Thích Thanh Sam, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh GHPGVN, chứng minh chủ trì.
700 chim bồ câu, 700 bong bóng và 700 đèn trời đã được thả để cầu nguyện Tổ quốc vinh quang, thế giới hòa bình.
Lần đầu tiên đặt chân lên vùng đất thiêng Bạch Đằng, anh Đào Trọng Hùng (30 tuổi), một Phật tử đến từ Hải Dương, đã không giấu được xúc động khi tận mắt chứng kiến hàng nghìn người đến dự lễ. ''Quả là rất trang nghiêm, linh thiêng và ấm cúng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được thấy một lễ nghi được tổ chức trang nghiêm với số lượng người tham dự đông như vậy'', anh nói.
Cùng thời điểm diễn ra đại lễ trai đàn, tại huyện Đông Triều cũng diễn ra lễ diễu hành 7 xe hoa ca ngợi về cuộc đời và công hạnh của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông.
Đại lễ tưởng niệm sẽ còn được tiếp tục diễn ra vào ngày 26 và 27/11 với nhiều hoạt động văn hóa như: hội thảo khoa học ''Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông - con và sự nghiệp'', đại lễ trai đàn cầu siêu, diễn hành xe hoa, văn nghệ, đại lễ tưởng niệm chính thức…