Nằm cách thành phố Hải Dương 16km về phía Tây, Văn miếu Mao Điền thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giảng, tỉnh Hải Dương, được khởi dựng vào thời Lê Sơ (Thế Kỷ XV). Đây là di tích lịch sử thờ Khổng Tử và tôn vinh các bậc Đại khoa Nho học tiêu biểu cho truyền thống văn hiến, đồng thời với Văn miếu là trường thi Hương của người dân tỉnh Đông- trấn Hải Dương.
Đầu thế kỷ XVI, do Thăng Long bất ổn về chính trị nên nhà Mạc đã tổ chức 4 khoa thi Hội tại trường thi Mao Điền. Trong đó có khoa thi Ất Mùi năm Đại Chính thứ 6 (1535), trấn Hải Dương có Nguyễn Bỉnh Khiêm, người nổi tiếng Thủ khoa cả ba kỳ thi: Hương, Hội, Đình, được triều đình phong tặng Trạng nguyên. Hàng năm vào ngày “Đinh” đầu tháng “Trọng xuân” (tháng Hai) và “Trọng thu” (tháng Tám), trấn Hải Dương tổ chức lễ tế Khổng Tử, các quan đầu trấn, đầu phủ cùng cử nhân, tiến sĩ về làm lễ trọng thể, nêu cao truyền thống “Hiếu học và tôn sư, trọng đạo” của người dân tỉnh Đông.
Nơi đây đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sỹ Nho học đứng vào hàng đầu cả nước. Nếu chỉ tính số người đỗ Đại khoa trong 185 kỳ thi (từ 1075 - 1919), cả nước có 2.898 tiến sĩ thì trấn Hải Dương có 637 vị, trong số 46 Trạng Nguyên, Hải Dương có 12 người. Đặc biệt là Hải Dương còn có “Lò tiến sỹ xứ Đông” thuộc thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang. Tại đây có 39 vị tiến sỹ Nho học qua các thời kỳ lịch sử. Sau khi đỗ đạt, hầu hết các vị Đại khoa đều mang hết tài năng của mình để xây dựng đất nước.
Với ý nghĩa đó, năm 1992, Bộ VHTT đã ra Quyết định số 97/QĐ-VH xếp hạng Văn miếu Mao Điền là di tích lịch sử Quốc gia. Ngày nay, Văn miếu không chỉ thờ Khổng Tử mà còn phối thờ thêm 8 vị Đại khoa tiêu biểu cho các lĩnh vực và thời đại (trong đó có 7 vị là người Hải Dương): Nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi (thời Trần, thế kỷ XIII-XIV), Danh nhân văn hoá thế giới, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi (thời Lê Sơ, thế kỷ XV), Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm (thời Mạc, Thế kỷ XVI), Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mệnh (thời Trần, thế kỷ XIII- XIV), Thần toán Vũ Hữu (thời Lê Sơ, thế kỷ XV) và Nghi Ái quan, tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ (thời Mạc, thế kỷ XVI).
Đây là một việc làm sáng tạo thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Để đẩy mạnh “khuyến học, khuyến tài”, UBND tỉnh Hải Dương đã giao cho Sở Giáo dục - Đào tạo kết hợp với Bảo tàng Hải Dương xây dựng nhà truyền thống tại di tích nhằm tôn vinh sự nghiệp Giáo dục đào tạo trong thời kỳ đổi mới. Văn miếu Mao Điền chắc chắn sẽ là địa chỉ du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước về thăm tỉnh Hải Dương.