Lạc Thủy (Hòa Bình) - Vùng đất vẫy gọi

10:37, 10/12/2008

Lạc Thủy là một huyện miền núi nằm ở phía đông nam của tỉnh Hòa Bình, cách thủ đô Hà Nội khoảng 80Km. Nơi đây có dòng sông Bôi - tên cổ là sông Kiến Phong bắt nguồn từ Kim Bôi chảy qua Lạc Thủy rồi đổ ra sông Hoàng Long -Ninh Bình tạo nên hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện cùng bao cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú dọc theo bờ sông.

Các nhà khoa học đã phát hiện ở Lạc Thủy có tám di chỉ thuộc nền văn hóa Hòa Bình gồm: di vật trống đồng loại I, giáo búp đa, giáo lá lúa, đỉnh đồng, mũi dao đồng... Điều này đã chứng tỏ nơi đây đã từng có sự giao thoa với nền văn hóa Đông Sơn cách đây hàng ngàn năm. Đặc biệt trong hang Đồng Nội, xã Đồng Tâm, các nhà khảo cổ còn phát hiện những hình khắc trên vách núi đá tiêu biểu nhất là hình thú và ba mặt người. Có thể nói đó là tác phẩm duy nhất của nghệ thuật tạo hình trong nền văn hóa Hòa Bình và có lẽ là tác phẩm nghệ thuật tạo hình cổ nhất được phát hiện tại Việt Nam tính đến thời điểm này.

Vùng đất Lạc Thủy cùng là nơi pha trộn nhiều nét văn hóa khác nhau giữa hai dân tộc Việt - Mường, những lễ hội truyền thống, cách sinh hoạt hòa quyện vào nhau tạo nên nét văn hóa độc đáo, đặc sắc: lễ hội cầu mát, lễ cầu phúc bản mường, hội xéc bùa...

Đến với Lạc Thủy du khách cũng không thể bỏ qua thắng cảnh đặc sắc nhất chính là quần thể hang động Trinh Nữ (hang Luồn) thuộc xã Yên Bồng. Dòng sông Bôi hiền hòa chảy quanh chân núi Mả Hang dẫn du khách đến cửa hang Luồn. Cửa hang phía Đông và sườn núi phía Nam nhìn ra sông Bôi thuộc xã Đồng Tâm, phía chân núi phía Bắc có hồ Đầm Khánh rộng mênh mông, quanh năm sen tỏa hương thơm ngát. Dòng sông Bôi mềm mại chảy quanh hang Luồn tới hồ Đầm Khánh, du khách có thể tự mình chèo thuyền nan tham quan thám hiểm lòng hang.

Hang có chiều dài trên 1,2km, cửa hang cao chừng 20m ngay lối là vô vàng nhũ đá buông xuống như những bức màn của cánh gà sân khấu. Vào sâu bên trong, du khách sẽ có cảm tưởng như đang đi vào một cánh rừng có nhũ đá óng ánh sắc màu, càng vào sâu bên trong, không khí càng trở nên mát mẻ. Lòng hang cũng là các bầy dơi chọn làm nơi trú ngụ, chúng lủng lẳng treo mình trên vách đá, trên trần, bay lượn trong hang tạo nên hình ảnh thật sống động. Cứ mỗi buổi hoàng hôn cũng là lúc dơi bay đi kiếm mồi, lúc này tiếng kêu của chúng làm náo động cả khúc sông vắng.

Sẽ chẳng còn gì thú vị nếu trong một dịp cuối tuần, du khách cùng bạn bè, người thân lên đây thưởng thức không khí trong lành của vùng núi cao Hòa Bình cùng những món ăn đặc sản cơm lam, thịt nướng, của người bản địa, uống chút rượu cần tận hưởng một cuộc sống thi vị.