Lễ hội trùm chăn của người Hà Nhì đen

14:45, 23/12/2008

Lễ hội trùm chăn là dịp sinh hoạt văn hóa của người Hà Nhì đen ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Theo tục lệ, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, người ta chọn ngày thìn là ngày khai hội và cúng vào ban đêm (vì làm như thế, các thần gió, thần đất sẽ được nghỉ ngơi yên tĩnh). Thầy cúng không nhất thiết phải là người chuyên nghiệp, chỉ cần là người 50 tuổi trở lên và không gặp điều rủi nào trong năm là được. Sau khi cúng, mọi người đều được mời ăn các lễ vật cúng và phải ăn cho hết, không được mang về.

Ngày hôm sau không khí lễ hội tưng bừng hơn: trai, gái trong bản rủ nhau vào rừng, mỗi người lấy sáu cành củi nhỏ về nộp cho lễ hội. Đến ngày thứ ba, tất cả dân bản tập trung lại để già làng - người cao tuổi nhất, cắt da trâu chia cho từng gia đình. Nếu số da trâu chia đủ cho mỗi gia đình hai chiếc thì năm đó làm ăn sẽ không thuận, còn số da trâu đã chia hết mà còn lẻ một, tức là năm đó dân bản được mùa.
Tại điểm trung tâm của lễ hội, già làng đánh đàn hoóttờơ, bà già nhảy múa còn thanh niên nam nữ hát đối nhau. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi: trò đu dây, đu quay và hát giao duyên... đây là dịp để trai gái trong bản gặp gỡ và tìm hiểu nhau.

Trong những trò chơi đó, hát giao duyên của người Hà Nhì đen có những nét đặc sắc và hấp dẫn riêng, thường dành cho những đôi mới quen nhau, chưa dám ngồi gần: mỗi người một ống nứa dài khoảng 20cm với một đầu bịt kín bằng da rắn hoặc màng cây tre đực, có luồn một sợi dây móc rừng dài chừng 10m; khi đó, sẽ có một người nói còn người kia áp ống vào tai để nghe và ngược lại; nếu đã thuận ý nhau; trước tiên, người con trai thổi hơi ba lần vào ống và sau đó người con gái thổi lại ba lần, tức là đồng ý đi chơi với nhau; hai người sẽ đưa nhau vào rừng và cùng khoác chung chiếc chăn để hát hò, thổ lộ tâm tình. Từ đây có nhiều đôi đã nên vợ, thành chồng.