Nghệ thuật rối Tày Thẩm Rộc

13:28, 03/12/2008

13 đời nay, nghề rối Tày được dòng họ Ma Quang ở thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên gìn giữ. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nghệ thuật đặc sắc này vẫn được truyền đến ngày nay.

Ông Ma Quang Mai, Tộc trưởng đã bước sang tuổi 73, sức khỏe không còn sung mãn để ghánh vác công việc là Tộc trưởng của Tộc rối Thẩm Rộc nữa. Nên ông vừa truyền lại chức vị này cho con trai là Ma Quang Chóng. Với cương vị mới, anh Chóng đã bỏ nhiều công sức vực dậy phường rối. Ban đầu, anh Chóng thuê người dịch sách cổ của các cụ truyền lại để tìm phương pháp làm rối. Sau đó, anh làm ra những con rối mới để bổ sung vào bộ con rối đã bị thất lạc một phần…

Phường rối hiện có 14 người, anh Ma Đình Sung, một thành viên cho biết: “Để biểu diễn được, phải có đủ một bộ rối chơi năm loại nhạc khí dân tộc gồm: sáo, đàn nhị, trống quân, đàn bầu, đàn nguyệt”. Điểm đặc biệt ở nghệ thuật rối Tày là khi biểu diễn không dùng băng nhạc mà chơi hoàn toàn nhạc sống. Các con rối đều thể hiện được nét linh hoạt và gần gũi của người nông dân vùng núi rừng Định Hóa.

Hiện nay, phường rối Thẩm Rộc có trên 20 trò thường xuyên biểu diễn. Bên cạnh đó, vẫn còn 12 bài giáo (mỗi bài giáo như một câu chuyện, được mô tả bằng những hoạt cảnh sống động của các con rối). Bài giáo luôn ẩn chứa giá trị giáo dục sâu sắc.

Hiện nay, Tộc vẫn còn giữ được 33 quân rối cổ trên 200 năm tuổi. Theo tục lệ dân tộc Tày ở Định Hóa, những quân rối cổ xưa được xem là “ma” nên phải thờ cúng. Đã có lần đoàn nghiên cứu ở Mỹ sang hỏi mua cả hòm rối cổ với giá trên chục ngàn đô Tộc không bán và vẫn gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay.