Tháp Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) là một trong những tháp có niên đại sớm, có giá trị cao trong hệ thống các tháp Chăm Bình Định. Sau một thời gian dài bị xuống cấp, ngôi cổ tháp này đã được khôi phục bằng cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên…
Tuy các tượng trên các ô khám và trang trí tháp Bình Lâm hiện vẫn còn, được chạm trực tiếp trên gạch. Đợt khai quật đã phát hiện 91 mảnh tượng tròn và phù điêu, tượng rắn Naga… bằng đá rất có giá trị. Tất cả đều bị vỡ và vùi lấp dưới đất sâu từ 1,2 đến 1,5 m. Bộ sưu tập tượng và phù điêu này được xác định thuộc giai đoạn sớm (thế kỷ X - XI). Đồng thời, ở cạnh Nam và cạnh Bắc phần trước và hông tháp, cũng đã phát hiện 127 tai đá lửa các loại và được xếp vào ba giai đoạn phát triển nối tiếp nhau: giai đoạn sớm (thế kỷ XI - XII), giai đoạn chuyển tiếp (cuối thế kỷ XII - đầu thế kỷ XIII), giai đoạn muộn (thế kỷ XIII - XIV). Đây là phát hiện mới rất quan trọng, chưa thấy ở tháp Chăm nào, chứng tỏ tháp Bình Lâm đã được tôn tạo nhiều lần trong quá khứ và có sử dụng chất liệu đá.
Cuộc khai quật cũng phát hiện nhiều mảnh ngói ống và ngói lá; trong đó, có ngói lá in dập hoa văn hình ô vuông và đầu ngói ống trang trí hoa sen tám cánh, ngói mặt hề. Đây là những vật liệu kiến trúc có niên đại sớm (thời Hán, thế kỷ I - III), cũng đã từng được tìm thấy ở một số di tích Chăm khác ở Trà Kiệu (Quảng Nam), thành Hồ (Phú Yên), thành Cha (Bình Định). Ở hố thám sát cách chân tháp 42m về phía Nam, phát hiện địa tầng chứa những đồ gốm của các loại hình nồi miệng loe, một số mảnh miệng khum của loại bát bồng làm bằng sét pha cát, xương xám đen áo đỏ nâu rất giống với loại gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Ở các hố khai quật khác, còn tìm thấy nhiều mảnh gốm sứ hoa lam, sứ men ngọc của các loại hình đồ gia dụng thuộc các dòng gốm Nguyên, Tống, Minh (Trung Quốc), Gò Sành (Bình Định). Những phát hiện trên cho thấy: khu vực tháp Bình Lâm trong quá khứ đã có mối giao thương, buôn bán quốc tế từ rất sớm.
TS. Bùi Chí Hoàng, người chủ trì cuộc khai quật, nhận xét: kết quả khai quật không chỉ mang về những tư liệu mới cho di tích, mà còn bổ sung thêm một số nhận thức mới về khu vực Bình Lâm thời kỳ trước khi có tháp và những diễn biến của ngôi tháp này qua lịch sử tồn tại của nó. Khu vực này vốn đã tồn tại những công trình bằng gỗ, như đã từng được xây dựng ở Trà Kiệu, Mỹ Sơn vào khoảng thế kỷ III - IV. Do vậy, có thể thấy thành Thị Nại và Bình Lâm có mối quan hệ hết sức hữu cơ, đã cùng tồn tại, phát triển và lụi tàn, dù rằng có sự khác biệt nhất định về thời gian. Vấn đề này lâu nay đã bị xem nhẹ và chưa được nhìn nhận thấu đáo.
Ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Di tích tháp Bình Lâm đã xuống cấp, mất mát do bị người dân xâm hại trong thời gian dài. Cuộc khai quật đã đưa ra những phát hiện mới, có giá trị và là cơ sở khoa học để tiến hành trùng tu, tôn tạo tháp Bình Lâm trong tương lai”.
Đợt khai quật cũng cho thấy: tháp hiện đã bị nghiêng khoảng gần 50 độ về phía Nam, phần bó chân tháp ở khu vực này bị lún lệch đáng kể. Theo đơn vị khai quật, với cấu trúc này thì hoàn toàn đủ cứ liệu để khôi phục lại hình dáng ban đầu của ngôi tháp, nên cần sớm có kế hoạch trùng tu, tôn tạo một cách hợp lý. Tuy nhiên, khi cao trình của tháp được trả về nguyên trạng, sẽ gặp tình trạng ngập úng trong mùa mưa. TS. Bùi Chí Hoàng đề xuất: “Cần giữ lại cái ao phía sau tháp để thoát nước khi hạ cao trình nền. Ngoài ra, tháp Bình Lâm tuy đã được giải tỏa xung quanh, nhưng không gian văn hóa của tháp hiện nay quá hẹp. Do vậy, cần mở rộng thêm không gian để các giải pháp trùng tu, tôn tạo và khai thác có thể được thực hiện tốt hơn”.