Lễ hội đầu xuân vùng Hà Nội mở rộng

10:41, 07/01/2009

Năm nay xem ra người Hà Nội mình được rộng chân trảy hội mùa xuân hơn những năm trước do Thủ đô đã được mở rộng bao gồm tỉnh Hà Tây- một địa danh có truyền thống lịch sử khá lâu đời với sự đa dạng văn hóa của cả 3 vùng: núi, trung du và đồng chiêm trũng, trong đó đặc biệt phải kể đến các lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực, cầu mong cho sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và con người.

Có thể hòa mình vào lễ hội làng Miêng Hạ, xã Hoa Sơn- Ứng Hòa tổ chức ngày mồng 4 tháng Giêng để tìm lại và cảm xúc trước cảnh tượng của một ngày hội cổ truyền với những nghi thức, trò diễn không phải nơi nào cũng còn bảo lưu được. Đó là trò cướp nõ xé bông dâng thổ thần của trai đinh trong làng. Sáu giáp ở Miêng Hạ mỗi nơi rước một cỗ kiệu đặt cây bông làm bằng tre hình nón cụt, xung quanh ken đều 36 thanh tre vót tròn quấn giấy màu xanh, đỏ, vàng với tâm hình nón cụt là một ống tre dài khoảng 40cm. Những cây bông này được mang đến treo ở gian giữa đình làng, đợi khi trời tối, đèn đuốc vụt tắt thì trai đinh 6 giáp chỉ mặc quần đùi, miệng hô tay giật bông cướp nõ. Hình cây bông ở đây chính là sự mô phỏng sinh thực khí của người đàn ông và đàn bà. Những chiếc nõ mà trai đinh các giáp trong làng cướp được sẽ trở thành món lễ vật dâng lên bàn thờ thổ thần của giáp ở đền.

Ngày mồng 4 và 5 tháng Giêng, làng Vân Sa, huyện Ba Vì tổ chức rước nõ ra đình. Đám rước đi hàng đôi, tay cầm đoạn tre dài chừng 1,5m, phần ngọn tước thành bông, giữa đám có người vác một cây sào cao 4m, phía trên là khung phên kích thước 1,2 x 1m. Khung này được đan theo hình ô với các thanh đan buộc nhiều tước tre hoặc rơm, bên trên treo khoảng 60-70 con khăng bằng gỗ xoan đường kính chừng 3cm, dài 20cm, được vót tròn hai đầu và xâu lạt giang treo trên giàn khung. Vào lúc giã hội, 8 người vác chiếc sào của 8 giáp ra khỏi đình và lắc mạnh cây sào cho nõ trên giàn rơi xuống. Bấy giờ, người đi hội mới xô vào tranh nhau cướp nõ và giằng cây bông trên tay người đi rước.

Lễ hội làng Sơn Đồng, Hoài Đức được mở 3 ngày từ mồng 4 đến 6 tháng Hai âm lịch tại đình làng. Đáng chú ý là hội này có tục thi bánh dày lồng ghép những lễ nghi mang tín ngưỡng phồn thực. Người ta tổ chức rước 2 cây bông tre đặt lên hương án thờ ở đình làng. Cuối buổi, một cô đào được làng chọn lựa đứng ở thềm đình tung cây bông làm bằng đoạn tre lên trời rơi xuống đám người dự hội. Ai cướp được cây bông này sẽ là người làm lễ tạ ở đình rồi đưa về bàn thờ nhà mình với tâm niệm sinh con trai và người làng nghĩ rằng, năm nào tổ chức được việc cướp bông đông vui, náo nhiệt, thì sẽ có được mùa màng tươi tốt, đời sống no đủ.

Những trò diễn mang tính văn hóa cội nguồn như thế vừa góp phần bảo lưu di sản truyền thống ngàn đời của cha ông, vừa làm cho sắc thái mùa xuân của Hà Nội thêm phong phú, độc đáo, tô điểm thêm hương vị, sức sống của một vùng quê đang chuyển mình hòa nhập vào đời sống văn hóa tinh thần của đất kinh kỳ- nơi tụ hội, kết tinh và tỏa sáng những tinh hoa văn hóa mọi miền.