Đã bao đời nay, bao thăng trầm lịch sử người làng Chùa đi qua, bao khổ đau, hạnh phúc người làng Chùa từng gánh trải... Cho dù cuộc sống dẫu có biến đổi ra sao thì người làng Chùa vẫn luôn lấy đức làm gốc để răn dạy con cháu mình. Và họ luôn tôn thờ một cách dạy con cháu truyền thống của cha ông để lại đó là lấy thơ ca để truyền đức.
“Ấy, các cô, các chú về dự hội thơ có thấy không, cái niềm hân hoan, hãnh diện của người nông dân chúng tôi nó tự nhiên lắm, chỉ cần đứng gần nhau là cũng có thể ứng khẩu thành thơ. Hân hoan đấy, hãnh diện đấy nhưng chúng tôi cũng chuẩn bị công phu lắm. Này nhé! cờ hoa treo khắp ngõ xóm, khẩu hiệu, trang hoàng sân đình, chuẩn bị trao giải thơ làng... rồi ngay đầu làng, chỗ dốc đê ấy, chúng tôi cho dựng một tấm panô với câu thơ: Đường làng đâu của riêng ai/Cùng nhau gìn giữ hôm mai đi về... Nhẹ nhàng thôi nhưng đó cũng là cách người làng nhắc nhở nhau thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường không chỉ trong ngày lễ hội.” - Ông Nguyễn Gia Tự, Hội trưởng Hội Thơ làng Hoàng Dương (làng Chùa) xã Sơn Công (huyện Ứng Hoà) hãnh diện khoe với phóng viên Hànộimới.
Quả thực có đến làng Chùa nghe cách người làng bình thơ, đọc thơ tôi mới thấm hiểu câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Thơ ca đối với người làng Chùa chính là giọng nói của họ. Giọng nói ấy phải được gìn giữ và ngân vang. Và di sản lớn nhất của mọi cộng đồng dù nhỏ hay lớn là giọng nói...”. Vâng! chính vì thơ là giọng nói của mình nên người làng Chùa bao đời nay đã gìn giữ nét văn hóa đáng yêu, đáng trân trọng ấy để truyền đạt lại cho con cháu mình. Nhờ gốc dễ văn hóa ấy mà người làng Chùa bước vào nền kinh tế thị trường một cách “hiên ngang”, đoàn kết mà mộc mạc. Nhà có nghề phụ thì đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thu nhập rồi khi cuộc sống khấm khá hơn giúp đỡ lại các hộ còn khó khăn. Người không có điều kiện làm nghề thì dồn điền đổi thửa, giúp nhau đồng vốn, con giống mà không cần tính lãi. Hơn nữa con cháu trong làng đều biết bảo ban nhau học tập, sau khi tốt nghiệp THPT, 8 dòng họ trong làng đều khuyến khích con em mình thi vào các trường Đại học, Cao đẳng. Vì thế tỷ lệ con em trong làng đỗ đạt rất cao và phần đông trong số đó đều “thoát ly”, trở thành những cán bộ có ích cho xã hội. Vì lẽ đó, con cháu người làng Chùa đi đến đâu cũng có quyền “khoe” 4 niềm tự hào của làng, đó là: Làng cách mạng, làng thơ, làng Công an và làng dân số ổn định.
Để cắt nghĩa 4 niềm tự hào của người làng Chùa, ông trưởng thôn Lê Xuân Sủng đã níu chân phóng viên tới quá giờ nghỉ trưa. Câu chuyện ông kể lúc sôi nổi, lúc trầm lắng, lúc quá nặng về thơ ca, khi lại vui say chuyện làm ăn kinh tế... nghe lẫn lộn trong tiếng mưa - nhưng vui tai đến lạ kỳ. Này nhé! thơ là cái gốc của làng Chùa, hơn 60 năm nay, dù cuộc sống có muôn vàn đổi thay người làng tôi vẫn làm thơ. Nhưng phải mãi đến năm 1980, Hội thơ của làng mới ra đời và người dân có “nơi chốn” để gửi những bài thơ mình sáng tác và háo hức đợi Hội thơ biên tập đọc trên sóng phát thanh của làng vào mỗi tối thứ năm hàng tuần. Không phải tất cả người làng Chùa đều làm thơ, nhưng tất cả đều yêu thơ. Thơ vang lên trong mỗi ngôi nhà, lối ngõ, trên những cánh đồng và trong cả những buồn vui của làng Chùa. Từ thơ ca, người làng Chùa yêu thương, đùm bọc nhau, cùng bảo nhau làm kinh tế, gây dựng cuộc sống tốt đẹp. Người làng Chùa yêu thơ và quan tâm chăm sóc cho thế hệ trẻ hết mực. Để con cháu mình gìn giữ, phát huy truyền thống quý báu của quê hương, Hội thơ làng đã phát động cuộc thi thơ trong lứa tuổi học sinh. Niềm mong đợi của các cụ cao tuổi trong Hội thơ đã được đền đáp xứng đáng. Niềm vui không chỉ ở số lượng hơn 500 bài thơ các cháu gửi về mà chính là tình cảm con người, tình bạn bè, nghĩa thầy trò mà thế hệ trẻ gửi gắm trong mỗi tác phẩm - điều đó cũng đồng nghĩa là tình cảm yêu thương, đùm bọc nhau của các thế hệ người làng Chùa vẫn còn giữ vững đến hôm nay!
Nếu thơ là gốc văn hóa của người làng Chùa thì truyền thống cách mạng làm nên một Hoàng Dương (tên đầy đủ của làng Chùa) ổn định, đổi mới, văn minh trong hiện tại. Cùng với niềm yêu văn thơ, người dân ở đây còn tự hào là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Xưa xã Sơn Công và xã Cao Thành là một, với tên gọi chung là là xã Cao Sơn. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vùng đất Cao Sơn nổi danh là miền quê cách mạng kiên cường. Người dân ở đây không ngại khó, ngại khổ, bám đất, bám làng nuôi giấu cán bộ, tạo ra vùng căn cứ an toàn cho cán bộ vào hoạt động sâu trong lòng địch. Khi đó làng Hoàng Dương nhỏ bé chính là cái nôi cách mạng của cả vùng. Cả làng, không ai bảo ai, thanh niên đến tuổi trưởng thành cứ đua nhau ra trận. Ai không đi bộ đội thì đi học Công an, rồi ra trường tham gia hoạt động cách mạng. Chẳng thế mà ngày nay người Sơn Công còn nổi tiếng bởi có một làng Chùa là làng công an duy nhất trên toàn quốc. Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Dân tự hào nói: “Người làng Chùa vốn có truyền thống cách mạng, làm gì có ích cho xã hội là họ theo liền. Ngành công an những năm 1972 không phải là lựa chọn ưu tiên của nhiều người, bởi thời đó tem, phiếu, gạo là ưu tiên số một để nhiều người chọn ngành thương nghiệp. Nhưng ở thời đó người làng Chùa đã có gần 100 người theo học và làm trong ngành công an ở khắp các tỉnh trong toàn quốc, với họ làm công an đơn giản là bảo vệ Tổ quốc...”. Bây giờ người dân trong làng vẫn tự hào về người chiến sỹ công an Lê Xuân Quýnh, ông vốn là Trưởng phòng Bảo vệ Chính trị Công an tỉnh những năm 1960. Năm 1962, nhận nhiệm vụ của Bộ Công an cử đi làm nhiệm vụ tại các tỉnh miền Nam. Vì công việc phải đảm bảo bí mật, nên ngày nhận nhiệm vụ cũng là ngày ông Quýnh âm thầm từ biệt gia đình, không một lời giải thích đi biệt phái, vào làm Trưởng ty Công an tỉnh Biên Hòa. Ở nơi mới ông vào vai nhà tư bản làm ăn lớn để luồn sâu vào lòng địch hoạt động nhưng vẫn giữ cương vị Trưởng ty Công an tỉnh. 13 năm xa quê, xa gia đình không một lời giải thích, không một lá thư, gia đình cứ ngỡ ông mất tích. Mãi đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn độc lập, người chiến sỹ công an quên mình vì nhiệm vụ ấy mới có dịp trở về quê hương. Theo chân ông, hiện hai người con cũng học tập, tham gia công tác trong ngành Công an.
Nhắc đến “làng công an” Hoàng Dương, mọi người dân trong xã đều không quên nhắc tới cụ Nguyễn Gia Thâu, bởi cụ chính là chiếc cầu nối để con cháu làng Chùa hiểu và yêu mến nhiệm vụ của những người chiến sỹ công an nhân dân Việt Nam. Tính đến nay, người làng Chùa đã có ba thế hệ liên tiếp tham gia học tập, công tác trong ngành Công an. Riêng thế hệ thứ hai của làng thì cụ Thâu đã là người dìu dắt tới hơn 50 thanh niên trong làng đến với các trường học nghiệp vụ công an, để rồi trở thành người chiến sỹ công an trên mọi trận tuyến. Nay tuy đã ở bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ vẫn minh mẫn, vẫn là trụ cột của người làng Chùa. Mọi chuyện lớn, nhỏ trong làng, trong xã các cán bộ đều xin ý kiến đóng góp của cụ. Niềm vui lớn nhất của cụ Thâu hiện nay là sự ổn định về an ninh, trật tự xã hội trong làng. Không vui sao được, khi mà đã hơn 20 năm nay làng Chùa chưa hề xảy ra chuyện cãi vã to tiếng giữa các hộ dân. An ninh trật tự được đảm bảo tuyệt đối, 20 năm đất nước đổi mới, cuộc sống của nhân dân khấm khá hơn nhưng an ninh trật tự ở đây vẫn vậy. Từ hơn 20 năm nay, bóng dáng tệ nạn xã hội, cờ bạc, lô đề, nghiện hút dường như không thể xâm hại vào làng. An ninh trật tự đảm bảo đến mức hơn 20 ha đất lập trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả của 40 hộ nằm biệt lập khỏi làng có để nguyên cả tháng không ai trông coi cũng không hề mất cắp. Người dân làm trang trại có thể sáng ra trại, tối về làng ngủ mà không phải lo canh giữ như nhiều nơi khác. Xe máy, xe đạp để dọc theo đường làng, nếu chủ nhân có lỡ quên không khóa, cất vào nhà cũng không thể mất. Với một làng mà hơn 20 năm nay dân số chưa bao giờ vượt quá con số 1.300, quả cũng là một làng hiếm thấy ở các vùng quê Bắc bộ.
Về thăm làng Chùa ngày xuân, “ngấm” thơ cùng những người nông dân, vui chung với họ ngày hội làng và cũng không quên ghi thật cẩn thận vào cuốn sổ tay bốn niềm tự hào mới - bốn điểm nhất trong thời kỳ đổi mới mà người làng Chùa “khoe” thêm với phóng viên: Làng có kinh tế ổn định nhất xã, làng duy nhất của xã được tỉnh công nhận là làng nghề, làng văn hóa từ năm 1998, làng khuyến học, khuyến tài với dòng họ Ngô Hữu nhiều người đỗ đạt thành tài, được nhiều cấp khen thưởng...