"Trăm năm tích đức tu hànhChưa đi Yên Tử chưa thành quả tu".
Hành hương về đất Phật
Sử sách ghi lại rằng, gần 1.000 năm trước, Yên Tử được coi là "phúc địa thứ 4 của Giao Châu". Nhiều tài liệu cũ đều thống nhất ghi nhận "Năm Tự Đức thứ 3, núi Yên Tử được liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ". Chính sự linh thiêng huyền bí ấy mà từ xưa các tín đồ đạo Phật Việt Nam đã đến Yên Tử dựng am cỏ cầu kinh niệm Phật. Cũng vì thế mà từ thế kỷ thứ X, đạo sỹ An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh) đã đến nơi này tu hành và đắc đạo. Những năm sau đó, nhiều thế hệ tăng ni, phật tử Việt Nam tiếp tục tìm đến Yên Tử tu hành, xây dựng chùa tháp và nhiều công trình khác. Nhưng phải đến thời Trần, Yên Tử mới trở thành quần thể kiến trúc chùa tháp có quy mô lớn. Khởi đầu là vua Trần Thái Tông, đến Yên Tử vào năm Bính Thân (1236). Sau đó, Trần Nhân Tông (Trần Khâm) - vị vua anh hùng của 2 cuộc kháng chiến đại thắng quân Nguyên Mông (1285-1288) mang lại thanh bình cho đất nước, vào lúc triều đại nhà Trần hưng thịnh nhất, ông đã nhường ngôi cho con để yên tâm nghiên cứu đạo Phật và tìm đến Yên Tử tu hành.
Năm 1299, Trần Nhân Tông đã tạo dựng nên dòng thiền Trúc Lâm bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị Sư Tổ thứ nhất của Phật phái Trúc Lâm mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của ông là Sư Tổ Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả. Cả 3 vị được gọi chung là Trúc Lâm Tam Tổ. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển của triết học và tư tưởng dân tộc học Việt Nam trong các thế kỷ XII, XIII, XIV. Phát triển cùng thiền phái Trúc Lâm là việc xây dựng và hình thành quần thể kiến trúc gồm 11 chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng… Quần thể kiến trúc đồ sộ được đặt trong tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng trải dài gần 20km, tạo thành khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử mang tầm quốc gia.
Không có tài liệu nào ghi rõ lễ hội Yên Tử được tổ chức lần đầu vào năm nào, nhưng cứ mỗi độ xuân về, hàng vạn tăng ni Phật tử và du khách thập phương lại về chốn bồng lai thanh tịnh giữa núi non điệp trùng, bảng lảng sương mây, tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên, để lòng người thêm hân hoan, thấm dần đạo lý từ bi của nhà Phật, thành tâm nguyện cầu bình an, phúc lộc cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nét mới hội xuân Yên Tử
Nằm giữa cánh cung trùng điệp của núi rừng Đông Bắc, núi Yên Tử cao hơn 1.000m, vút lên như tòa tháp. Trong khu danh thắng này, chùa Đồng linh thiêng nằm ở vị trí cao nhất (1.068m so với mực nước biển). Lên đến chùa Đồng, du khách cảm tưởng như đi trong mây "nói cười ở giữa mây xanh" (Nguyễn Trãi). Trong khi đó, lượng khách đến Yên Tử mỗi năm một tăng, riêng mùa lễ hội năm 2008, Yên Tử đón 1,6 triệu lượt khách. Vì thế mà con đường đi đến cõi thiêng gặp không ít khó khăn. Tình trạng tắc đường, tai nạn giao thông còn tồn tại ở những mùa lễ hội trước.
Khắc phục tình trạng này, công tác chuẩn bị cho lễ hội Yên Tử năm nay có nhiều nét mới, nhất là việc duy trì an ninh trật tự, an toàn giao thông… Ông Nguyễn Đình Trung, Phó Chủ tịch UBND thị xã Uông Bí, Phó BTC Hội xuân Yên Tử năm 2009 cho biết: Từ trước Tết, các chùa đã trang hoàng, treo băng rôn, khẩu hiệu, cờ hội. Thùng thu gom rác, nhà vệ sinh di động được bố trí hợp lý ở các tuyến đường, các điểm chùa, các điểm dừng chân của du khách. Du khách đến với Yên Tử năm nay sẽ hài lòng bởi tuyến quốc lộ 18 đến Yên Tử đã được đưa vào sử dụng sau khi nâng cấp mở rộng, chấm dứt tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Nhằm ngăn chặn tình trạng tranh giành, tự ý nâng giá dịch vụ, bắt chẹt khách, Trung tâm quản lý di tích Yên Tử phối hợp Công ty phát triển Tùng Lâm đã điều tra, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu và tổ chức ho các hộ bán hàng chung quanh khu vực Yên Tử đăng ký kinh doanh.
Dự kiến lượng khách hành hương lên Yên Tử trong dịp lễ hội này lên tới hơn 2 triệu lượt người (từ mùng 2 đến mùng 9 tháng Giêng Kỷ Sửu đã đón 20 vạn lượt khách, ngày chính hội dự đoán có trên 6 vạn lượt người). Để duy trì an ninh trật tự, Ban tổ chức đã chỉ đạo Công an thị xã phối hợp với 9 đơn vị liên quan xây dựng các phương án đối phó. Theo đó, lực lượng bảo đảm an ninh trật tự gồm 300 người đã được phân công thành các nhóm: Nhóm hướng dẫn khách, tín đồ phật tử, đại biểu nói chung dâng hương lễ Phật; nhóm bảo vệ an toàn cho các đoàn khách trọng điểm; nhóm bảo vệ môi trường, phòng chống cháy rừng và tài sản, di vật ở các chùa, thiền viện; nhóm bảo đảm an toàn về người và tài sản cho du khách. Riêng Công ty phát triển Tùng Lâm chịu trách nhiệm quản lý 2 bến xe ở Thiền viện và sân lễ đài. Trên dọc tuyến đường từ khu vực dốc Đỏ vào Yên tử, BTC cũng đã bố trí nhiều bãi xe tạm để kịp thời ứng phó nếu xảy ra tình trạng tắc đường. Ngoài ra, ngày khai hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc như múa rồng, biểu diễn võ thuật, biểu diễn nghệ thuật. Đặc biệt, Đoàn chèo Quảng Ninh diễn ca cảnh sử thi "Hào khí non thiêng" với 3 trích đoạn, khái quát về quá trình tu hành, hóa Phật của vua Trần Nhân Tông. Đây là ca cảnh do UBND thị xã đặt hàng dành riêng cho lễ khai hội xuân Yên Tử năm nay.
Với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, chắc chắn du khách thập phương về cõi thiêng Yên Tử sẽ tìm được cảm giác thanh thản, thoải mái.