Đã thành lệ, cứ đến ngày Tết, bánh chưng, bánh tét, dưa hành, dưa kiệu hay dưa món... lại tạo nên nét đặc trưng cho mâm cỗ ngày Tết. Đặc biệt, dù giàu hay nghèo, trong bữa cơm truyền thống của người Việt Nam cũng không thể thiếu những món ăn đặc trưng mang dấu ấn văn hóa, hương vị ngày Xuân của mỗi vùng miền.
Hương Tết đã tràn vào mỗi nhà. Trong không khí nhuộm hơi lạnh, một miếng thịt nấu đông, một ít dưa muối trên bàn tiệc ngày Xuân đã làm nên một cái Tết đúng nghĩa miền Bắc.
Thịt đông là món ăn rất đặc biệt. Chỉ có thời tiết lạnh như ở miền Bắc mới thích hợp với món ăn này. Thời tiết càng lạnh, thịt đông càng trở nên ngon hơn.
Được làm từ thịt ba chỉ, đôi khi được sử dụng cả gà, cộng thêm một mảng bì lợn, món thịt đông có cách chế biến rất độc đáo. Sau khi được ninh nhừ, người chế biến khéo léo đặt nồi thịt ra ngoài sân, đậy kỹ cho nó "ăn gió uống sương", thu lấy cái rét mướt từ trời cao và đất thấp để sớm hôm sau, nhà nào cũng có nồi thịt đông là lớp váng mỡ có màu trắng như tuyết pha sắc vàng mịn, như mặt hồ không gợn sóng.
Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành, thì thật đúng nghĩa Tết Bắc. Vị ngòn ngọt, beo béo của chất đông, hòa với vị chua chua, cay cay của củ hành tan trong vòm miệng. Mùi thơm lạ lùng của hợp chất nấu đông và mùi hăng của dưa hành quyện thành một hương vị khó tả. Phải ăn chậm để hương và vị tan loãng từ từ, mới cảm nhận hết cái ngọt của nó.
Thịt nấu đông là món ăn trông có vẻ đơn giản thế, nhưng lại là món truyền thống và rất tiện trong ngày Tết. Món này có thể ăn kèm với bánh chưng, cơm nóng hoặc cơm nguội đều hấp dẫn. Đi chơi xuân về, lấy một bát cơm nguội hay một miếng bánh chưng, xắn một gắp thịt đông, ăn vội ăn vàng vẫn thấy ngon.
Những người xứ Bắc vào Nam công tác hoặc sinh sống cứ Tết lại không khỏi nhớ đến món thịt nấu đông. Cũng có người miễn cưỡng chấp nhận cái hương vị "giả đông" từ tủ lạnh, cho đỡ nhớ quê nhà, nhớ hương vị và cái không khí ngày Tết ở quê mình. Với món thịt giả đông này, dù ngon cách mấy cũng không sao có được cái ngon lạ lùng của món thịt nấu đông "tự nhiên" của miền Bắc.
Món tré thân quen của người Miền Trung
Trên mâm cỗ thịnh soạn ngày Tết, nhiều bánh mứt có vị ngọt khiến người ăn Tết mang cảm giác ngấy. Khi ấy bỗng thấy thèm cảm giác mằn mặn, chua cay để cân bằng vị giác. Với một thỏi tré nhỏ, còn thơm nồng mùi củ riềng, nhiều người khó chối từ khi được mời thưởng thức.
Tré, món ăn đặc sản miền Trung có vị thơm ngon rất riêng, khiến ai đi xa cũng nhớ về quê nhà, nhớ về món ăn tré quen thuộc.
Món tré đơn giản, dễ làm lại rẻ tiền nên nhiều người thường nói đùa, tré là nghệ thuật ẩm thực của con nhà nghèo.
Để làm móm tré, người chế biến chọn các loại tai heo, mũi heo, ba chỉ (ba rọi) chứ không làm từ thịt nạc như nem, chả, giò. Nếu nem, chả tôn vinh vị thơm ngọt của thịt nạc, chả thủ (giò thủ), thì tré là cả một nghệ thuật thính thịt với riềng. Bởi hương vị chính không thể lẫn của tré chính là thịt chua lẫn trong hương củ riềng.
Không như mùi củ riềng trong món cá kho, củ riềng trong tré là hương vị riềng còn tươi, không luộc chín, cay nồng bên cạnh vị ngọt chua của thịt lên men. Điểm đặc biệt nữa của tré là khi lột tré ra, phải lấy đũa đánh tơi các miếng thịt. Thoạt nhìn, tré không bắt mắt người ăn bởi màu sắc hay sự cầu kỳ về kiểu dáng. Chính cái dư âm còn đọng lại trên đầu lưỡi khi thưởng thức món ăn này mới làm người ăn nhớ mãi. Vị chua ngọt ấy, trong những ngày Tết với đủ các loại bánh, mứt, thịt, cá..., tré trở nên thân quen với người dân miền Trung hơn bao giờ hết.
Trong những ngày Tết, người ta thường dùng tré ăn kèm với dưa món, củ kiệu, bánh tết. Có người ăn tré với bánh tráng cuốn rau sống, rau thơm, chấm nước mắm chua ngọt. Nhiều người còn có sở thích rất độc đáo là dùng tré như một món "ăn chơi" khi buồn miệng.
Nếu trước đây, trẻ chỉ có mặt trong mâm cơm ngày Tết cổ truyền của người Huế và Quảng Nam, thì ngày nay, món tré rất phổ biến với người dân miền Trung. Đối với nhiều người con miền Trung xa xứ, được tặng vài đòn tré vào ngày Tết thật không có gì ý nghĩa bằng.
Thịt kho nước dừa, hương vị ngày Tết miền Nam
Nếu người miền Bắc xa nhà ăn một miếng thịt đông, người miền Trung ăn món tré mà nhớ quê quay quắt, thì món thịt kho nước dừa của người miền Nam cũng không thể thiếu trong mỗi bếp ăn và trong từng mâm cơm cúng ông bà của mỗi gia đình.
Cũng là thịt heo nhưng thịt kho nước dừa (còn gọi là thịt kho tàu) có một điểm rất riêng, không "đụng hàng" với bất kỳ món thịt heo kho nào khác. Đó chính là nhờ vào vị ngọt và thanh của nước dừa xiêm.
Nhiều gia đình, đặc biệt là trẻ con rất thích món thịt kho nước dừa có thêm vài trứng gà, trứng vịt hoặc trứng cút. Màu vàng ánh của thịt và nước thịt cùng màu với màu đỏ của ớt sẽ làm món thịt kho nước dừa tăng thêm phần hấp dẫn. Càng hâm nhiều lần, nước dưa càng ngấm vào thịt và vào tận lòng đỏ trứng gà. Cả nạc lẫn mỡ đều mềm nhưng không rục, chỉ cần xắn nhẹ đũa là thịt tơi ra từng mảnh.
Gắp một miếng, đưa vào miệng ăn với dưa giá hoặc dưa cải chua, sẽ cảm nhận được mùi thơm của nước dừa, vị ngọt của thịt, vị béo của trứng, vị chua của dưa giá, dưa cải hay dưa kiệu, khiến ăn hoài không biết chán.
Thịt heo kho trứng nước dừa có thể ăn với cơm, bánh tét. Tuy nhiên món ăn khoái khẩu trong ngày Tết của người miền Nam chính là món bánh tráng cuốn thịt kho nước dừa. Một miếng bánh tráng mỏng với một ít rau sống, rau thơm, dưa leo, chuối lát, một vài củ kiệu hay dưa chua, cuộn lại, chấm với nước thịt kho thì ngon hết biết.
Điểm độc đáo nữa là món này có thể để được trong nhiều ngày liền và cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể. Vì thế, để có nhiều thời gian vui chơi trong những ngày Tết cổ truyền, một bữa ăn nhanh nhưng không kém phần cầu kỳ và đảm bảo sức khỏe cho cả nhà luôn là tiêu chí của các chị em nội trợ.
Với đặc điểm để được lâu ngày mà không bị hỏng, những món ăn này không chỉ giúp cả nhà vừa "no" vừa vui xuân mà còn làm nên nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt Nam.