Phong Nha - Kẻ Bàng và những con người của thiên nhiên

14:27, 15/02/2009

Phong Nha - Kẻ Bàng một thắng cảnh thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng. Nơi đây, sự giao hòa của rừng nguyên sinh và sông Son, cùng với động khô và động nước tạo nên một bức tranh thủy mặc làm say lòng người. Để gìn giữ vẻ đẹp khu di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận này, nhiều dự án đã được triển khai, mà không ít trong số đó là của các tổ chức nước ngoài cùng với sự cống hiến hết mình của các nhà khoa học.

Chúng tôi đến Phong Nha - Kẻ Bàng vào thời điểm dự án Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên mới được triển khai chỉ gần 1 năm. Đây là dự án do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ), Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ), Tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức (DED) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ với tổng kinh phí gần 17,6 triệu ơ-rô. Tuy mới chỉ ở trong giai đoạn khởi động, nhưng nhờ vận động được sự tham gia tích cực của người dân, dự án đã đạt được một số kết quả khả quan.

Khu du lịch sinh thái suối nước Moọc

Từ trung tâm du lịch Phong Nha (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây hơn 10km là tới được Khu du lịch suối Nước Moọc và thượng nguồn dòng sông Chày nằm ngay ven đường. Tại đây, du khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên, khám phá sự đa dạng và quý hiếm của các loài động, thực vật và một chút mạo hiểm khi đi bộ xuyên qua khoảng 1km rừng đại ngàn. Điều đáng nói là, trong suốt quá trình xây dựng khu du lịch sinh thái kéo dài 5 tháng này, hầu hết công việc, từ rải sỏi cho đường mòn tới dựng cầu đều nhận được sự tham gia tích cực của người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật cho biết, trong bối cảnh tỷ lệ các hộ nghèo ở 13 xã trong vùng dự án chiếm tới 60%, thì sự ra đời của tuyến du lịch sinh thái suối nước Moọc sẽ tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân vùng đệm, giảm bớt sức ép đối với hệ sinh thái nơi đây.

Hết mình vì thiên nhiên

Trong suốt chuyến đi, chúng tôi không khỏi chú ý tới những con người lăn lộn cùng dự án. Đặc biệt trong số đó có một người đàn ông tóc bạc với khuôn mặt rất uyên bác nhưng đầy vẻ phong trần - tiến sĩ người Đức Gioa-xim E-xơ - linh hồn của dự án. Dù mới đến Quảng Bình được 1 năm, nhưng những tình cảm ông dành cho thiên nhiên và con người nơi đây thật khiến nhiều người xúc động.

Chị Nguyễn Quỳnh, trợ lý của dự án cho biết, dù công việc rất nhiều và vất vả nhưng tiến sĩ E-xơ hầu như không biết mệt. Hầu hết thời gian lăn lộn với Phong Nha - Kẻ Bàng, nhưng ông vẫn không quên đi dạo dọc sông Nhật Lệ để ngắm chim vào mỗi buổi sáng. Tình yêu thiên nhiên của tiến sĩ E-xơ gần như đã thành giai thoại đối với người dân nơi đây. Rất nhiều người biết chuyện, vì điều kiện liên lạc ở Phong Nha - Kẻ Bàng rất hạn chế, nên tiến sĩ phải thuê một căn nhà nhỏ ở thành phố Đồng Hới để tiện làm việc. Một buổi sáng, ông gọi Quỳnh đến nhà gấp. Tưởng có công việc khẩn cấp, nhưng đến nơi, tiến sĩ chỉ cho Quỳnh xem sân nhà ông đã đầy phân chim. Ông cảm thấy rất hạnh phúc vì dù không ở sát Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng ông vẫn được thiên nhiên "ưu đãi" và ông kiên quyết không cho bất kỳ ai dọn chỗ phân chim đó đi. Sau khi nghe câu chuyện của Quỳnh, chúng tôi chợt hiểu tại sao tiến sĩ có thể đứng đầu trần dưới trời mưa nặng hạt mà vẫn có thể diễn thuyết say sưa về dự án của mình. Được biết, mong muốn nho nhỏ của tiến sĩ E-xơ là có được vốn tiếng Việt kha khá để có thể giao tiếp với người dân, trực tiếp thể hiện những ý tưởng của mình, qua đó nâng cao hiệu quả của dự án.

Ngoài tiến sĩ E-xơ và dự án Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, tại Phong Nha - Kẻ Bàng còn nhiều dự án và các nhà khoa học hết mình vì thiên nhiên khác như: dự án tái thả linh trưởng và tiến sĩ Bơn-hát Phót-xtơ... Đây là lý do khiến người dân Quảng Bình tin tưởng những dự án được triển khai tại Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ mang lại hiệu quả cao nhằm gìn giữ vẻ đẹp huyền diệu nơi đây.