Từ thời xa xưa, "áo the, khăn xếp" đã trở thành y phục trang trọng không thể thiếu trong các lễ hội văn hoá hay những dịp trọng đại của gia đình, dòng họ: Từ các cụ già đi lễ hội, các quan chức triều đình đến tầng lớp nho sinh và nhất là những thiếu nữ trong tà áo "mớ ba mớ bảy" tha thướt... tạo nên nét văn hoá riêng biệt, đáng tự hào của cộng đồng cư dân người Việt...
Xứ sở của tơ lụa phục vụ chốn kinh kỳ
Làng La Khê (xã Văn Khê, Tp Hà Đông) từ xa xưa đã nổi tiếng là vùng đất tằm tơ dệt lụa. Làng được hình thành từ thế kỷ thứ V, lúc đầu có tên là La Ninh. Theo cổ tự: "La" là lụa, "Ninh" là sự thịnh vượng, lâu bền. La Ninh có nghĩa là làng dệt lụa thịnh vượng, lâu bền. Vị trí địa lý đất làng do phù sa 3 con sông bồi đắp nên: Sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ nên rất màu mỡ, thích hợp cho nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ - nguyên liệu dệt nên những tấm the, vuông lụa "mê hoặc" bao thế hệ.
Sản phẩm ban đầu làm ra là hàng sồi, đũi... rất mát, chắc, bền, được người trong vùng ưa chuộng, chủ yếu phục vụ cư dân chốn kinh kỳ Thăng Long xưa. Sang thế kỷ XV, làng La Ninh đổi thành La Khê (làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ). Hồi ấy, sản phẩm của làng còn thô sơ, không sánh nổi với mặt hàng tơ lụa của Trung Hoa từ phía Bắc tràn sang. Đầu thế kỷ XVII, dưới sự thống trị của vua Thuận Trị nhà Thanh, người Hán ở vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) tràn sang Việt Nam mang theo nghề dệt thủ công gia truyền. "Đất lành chim đậu" - trong dòng người này có 10 gia đình người Hoa đã đến lấy vợ và lập nghiệp ở đất La Khê. Họ đem nghề dệt the, sa nhuộm đen và công nghệ dệt tiên tiến dạy lại cho dân làng. So với sồi, đũi, loại hàng the, sa mỏng, nhẹ hơn nhiều nhưng lại rất bền và đẹp, hấp dẫn người dân kinh đô Thăng Long từ vua, quan, tầng lớp quý tộc cho đến các thương nhân, ai ai cũng đều ưa chuộng... Từ đó, nghề dệt the ở La Khê phát triển mạnh, không những cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang châu Âu. Vào đầu thế kỷ XX, các nghệ nhân làng nghề còn được phong cửu phẩm, bá hộ và the làng La mang triển lãm ở Pari...
Thăng trầm tấm lụa the
Sau năm 1954, để dồn sức cho công cuộc cải tạo, xây dựng XHCN và chi viện cho chiến trường miền Nam, nhu cầu về làm đẹp của nhân dân được tạm thời gác lại. Vì vậy, nghề dệt the tạm lắng, cả làng dành cho việc dệt vải bông, khăn mặt, thảm đay cho Công ty Bông vải sợi phục vụ nhiệm vụ chung của đất nước thời bấy giờ... Rồi, trước nhịp sống hiện đại, đòi hỏi sự tiện lợi thì các loại trang phục cũng thay đổi cho thích ứng, vì vậy đã có thời kỳ nghề dệt the của làng tưởng chừng như rơi vào quên lãng...
Như một quy luật phát triển tất yếu của cuộc sống, khi cái ăn, cái mặc đã đủ đầy thì nhu cầu làm đẹp và hưởng thụ văn hoá, nhất là những nét văn hoá mang bản sắc dân tộc của người dân tăng cao. Đặc biệt, trong các lễ hội, sàn diễn nghệ thuật hay trong các dịp có tính nghi lễ như cưới hỏi, thì trang phục truyền thống lại tạo nên sự trang trọng không thể thiếu... Và, mọi người lại tìm đến với lụa, với the... Trước tình hình đó, Ban chủ nhiệm HTX nông nghiệp La Khê đã tìm cách khôi phục lại nghề dệt the truyền thống. Với chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn của các cấp từ Trung ương đến tỉnh, cộng với lực lượng lao động dồi dào, được sinh ra trong cái nôi có nghề truyền thống là một lợi thế rất cơ bản của người làng nghề. Trước hết, Ban chủ nhiệm mời nghệ nhân Nguyễn Công Toàn (80 tuổi) - người đã từng là chủ nhiệm HTX thủ công phụ trách 200 khung dệt của làng từ năm 1960, làm thầy dạy cho hơn 30 thanh niên trong làng, nhằm nhân cấy nghề trong lớp trẻ. Bước đầu, với điều kiện có hạn, hợp tác xã mới chỉ đầu tư nhà xưởng đơn sơ với 8 khung dệt. Do hạn chế về cơ sở vật chất, cho nên hiện nay thiết bị sản xuất chỉ đáp ứng cho hơn 10 công nhân trực tiếp làm việc tại xưởng, mỗi ngày dệt được khoảng 20m vải the. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thị Hạnh tâm sự: "Hiện nay, đơn đặt hàng rất nhiều, mà chúng tôi không làm kịp bởi cơ sở vật chất chưa đáp ứng được. Nếu có điều kiện đầu tư tốt hơn, thì sẽ tạo việc làm cho rất nhiều người. Chúng tôi dự tính sẽ phải xây dựng 3 nhà xưởng với 100 máy dệt cho 200 công nhân làm việc theo ca để tạo ra khoảng gần 1.000 mét the lụa trong tháng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước...".
Chia tay chị Hạnh, tôi cứ băn khoăn mãi về một làng có nhiều lợi thế cho phát triển nghề truyền thống lâu đời. Nơi đây, có di tích lịch sử Bia Bà, thu hút rất nhiều khách thập phương đến chiêm bái, tế lễ trong những ngày "sóc", "vọng". Đây là điều kiện thuận lợi để chính quyền và nhân dân địa phương cùng chung sức tạo dựng không gian kinh tế - văn hoá, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm kết hợp với du lịch lễ hội. Làng La không chỉ thu hút khách thập phương về với đền Bia Bà linh thiêng mà còn đến với những sản phẩm đặc sắc của làng nghề. Tin rằng, trong tương lai gần, với sự cần cù và bàn tay tài hoa khéo léo của người làng La cùng với những lợi thế sẵn có, những tấm the lụa làng La, sẽ có điều kiện "trải rộng" và "vươn xa" hơn nữa...