Đứng trước bãi đê sông mênh mông nằm cạnh sông Cầu, nhìn dòng nước cuộn đỏ, ông Hoàng Văn Bàn - một cao niên trong thôn Đa Thịnh chạnh buồn. Hóa ra, có một thứ thuộc về tâm linh, hồn Việt đang dần chìm dưới lớp phù sa dòng sông này. Ngôi đình làng Xưa (thôn Đa Thịnh, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) có niên đại hàng trăm năm tuổi giờ chỉ còn là phế tích nằm chơ vơ trên gò đất hoang, xung quanh ngập nước và bị ám khói bởi hàng chục chiếc lò gạch đang đốt dở trên bãi sông Cầu.
Nói trong tiếng gió rít ngoài bãi đê sông cầu, ông lão 84 tuổi Hoàng Văn Bàn xót xa: “Mỗi năm một trận lụt giáng xuống làng tôi, khi ấy làng ngập trong nước, nước dâng lên cao hơn 1 mét. Năm 1990, thôn Đa Thịnh chúng tôi phải di dời vào trong đê sông Cầu để sinh sống và sản xuất. Vì vậy, ngôi đình cũng nằm trong kế hoạch được di dời theo làng”.
Thế nhưng, trong quá trình di dời chẳng hiểu sao lại xảy ra những chuyện đau lòng, dẫn tới những đồn đại tai ác. Cho đến bây giờ, nhiều người dân trong thôn vẫn sợ hãi kể lại rằng khi di chuyển được hết phần tiền cung của đình vào làng mới, thì xảy ra chuyện, 6 thanh niên trai tráng, khỏe mạnh trong làng bỗng dưng bị chết một cách đột ngột(???). Hoảng quá, dân làng họp lại, ngừng ngay việc dỡ đình bởi cho rằng do làm động đình, động chùa nên bị đức thánh quở phạt(?).
Lời đồn đại ấy, dù rằng không có cơ sở, nhưng cũng khiến cho việc di dời đình bị ngừng trệ. Nguyên đình Xưa có 6 tấm bia đá, nhưng 2 bia đá được dỡ ra đã bị thất lạc. 4 tấm bia còn lại đã bị phù sa bồi đắp, chỉ còn nhô lên một nửa. Song 19 pho tượng gỗ của đình thì đã được di dời an toàn về ngôi chùa mới được xây trong thôn.
Là người đọc được chữ trên bia đá gan gà, ông Bàn tuổi tận tụy gạt những tua gai của cành duối già phủ lên 1 tấm bia trong cùng, lấy viên gạch non bôi đậm lên những hàng chữ chân phương đọc cho tôi nghe “Thập bản niên chính nguyệt nhị thập nhật” - những dòng chữ khẳng định thêm niên đại của đình Xưa có từ thời Nguyễn.
Ông Bàn bồi hồi nhớ lại: “Đình làng Xưa ngày trước có diện tích hơn 2 mẫu, tọa lạc trên khu đất thôn Đa Thịnh có hình con kim quy và nằm ở phần đầu rùa. Đình có 2 phần là hậu cung và tiền cung, trước đình có cây đa cổ thụ hàng ngàn năm tuổi. Cạnh đình Xưa là chùa Xưa. Phía xa xa, có nhà dạy học, mẫu giáo và trạm xá xã. Nơi ấy, dân làng sinh hoạt sản xuất và thờ tự, hương khói đức thánh Tam Giang.”
Chúng tôi tìm gặp anh Đồng Ngọc Dưỡng, cán bộ Ban QLDT và DT Bắc Giang. Anh Dưỡng là người đã từng đi khảo sát khá kĩ dấu tích của đình làng Xưa. Anh khẳng định, ngôi đình có trước thời Minh Mệnh. Những tấm bia được tạo bằng đá gan gà, khắc hai mặt. Trán bia chạm hình rồng chầu mặt trời, xung quanh chạm hoa lá bằng những đường nét rất mềm mại, tinh tế…
Chuyện di dời ngôi đình với những lời đồn đại khó tin rất cần phải được giải tỏa. Bởi những phế tích đình làng Xưa có niên đại hàng trăm năm là rất quý giá, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và cần được bảo vệ.
Nhớ lại lúc dẫn tôi vào khu phế tích, ông Bàn chỉ vào dải đất xưa nay đã phủ cỏ xanh rì nói rằng dưới lớp đất này vài phân có một hàng đá xanh, mỗi phiến đá dài 90 phân, rộng 40 phân chính là bậc tam cấp ở vị trí giữa tiền cung và hậu cung của đình. Lũ trẻ chăn trâu thỉnh thoảng vẫn bới lên để được sờ lên những phiến đá xanh mát lạnh ấy. “Phù sa sông bồi đắp hàng năm nên lớp đá xanh ngày càng chìm dưới lòng đất. Nếu không được khai quật, bảo tồn, e rằng đình làng xưa sẽ bị lãng quên” - ông Bàn lo âu nói với tôi.