Đền Tuần Quán – Nơi ghi dấu những giá trị văn hoá lịch sử

08:54, 31/03/2009

Nằm trong quần thể di tích lịch sử của thành phố Yên Bái, từ lâu, Đền Tuần Quán đã nổi tiếng là một ngôi Đền tôn nghiêm, cổ kính với nhiều chứng tích lịch sử còn nguyên giá trị.

Toạ lạc bên bờ sông Hồng hiền hoà Đền Tuần Quán lâu nay không chỉ được biết đến là điểm cúng lễ, cầu an lành của tín đồ phật tử thập phương, mà còn được xem như một trong những điểm đến không thể thiếu trong hành trình tâm linh cầu tài cầu lộc của du khách xa gần trong những dịp đầu xuân.

 

Theo tích xưa, Đền thuộc tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tỉnh Hưng Hoá, nay thuộc phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Đền còn có tên gọi khác là Đền thần Diệp phu nhân Bách Lẫm. Lịch sử ghi lại: Đền có từ thời Lê Trung Hưng, đầu thế kỷ 15. Đền thờ mẫu Liễu Hạnh, tương truyền bà chính là Quỳnh Hoa công chúa giáng trần, vì đã có công hộ quốc tý dân nên được vua Lê Hiển Tông ban sắc phong là Đức chúa quốc Mẫu Hoàng Ân Phương Dung. Ngoài ra Đền còn thờ đức thánh Trần là Trần Quốc Tuấn, người đã có công giúp vua đánh giặc cứu nước.

 

Cùng với thời gian, với những biến cố thăng trầm của lịch sử, qua các cuộc chiến tranh đã khiến Đền bị tàn phá nhiều lần, có lúc tưởng chừng như không còn dấu tích. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá tôn nghiêm của dân tộc, năm 1992 Đền chính thức được tôn tạo xây dựng lại khang trang. Năm 2005, Đền được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là di tích lịch sử văn hoá. Từ đây, Đền đã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trong và ngoài tỉnh, là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hoá trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nét trang nghiêm, tôn kính hoà quyện với thiên nhiên, trời đất càng làm tôn thêm vẻ đẹp thuần khiết, thanh tịnh của ngôi Đền.

 

Hàng năm cứ vào ngày 3 tháng 3 âm lịch Đền tổ chức chính hội (Ngày hội Mẹ) để tưởng nhớ đến công lao của Mẫu Liễu Hạnh, người đã có công giúp nhân dân khai khẩn ruộng nương, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ngoài phần hội, Đền còn tổ chức các trò chơi dân gian như cờ tướng, đánh vật, kéo co, làm bánh dày, hát chầu văn, hát chèo… nhằm tái hiện lại cuộc sống, giá trị văn hoá thủa xưa trong truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Ngoài ra Đền còn có một lễ hội nữa gọi là tiệc cha được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.

 

 

 

 Với những nét đặc trưng, sự thành kính trang nghiêm, hàng năm, vào mỗi dịp đầu xuân, du khách thập phương lại nô nức trở về Đền để trảy hội, vãn cảnh, cầu tài cầu lộc, cầu cho một năm may mắn, mưa thuận gió hoà, phúc đẳng hà sa, Quốc thái dân an.

Bỏ qua những toan tính, những bộn bề nơi phố xá để tìm lại cho mình chút khoảng lặng từ bi trong cõi lòng giữa chốn tâm linh, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn mình thanh thoát nhẹ nhàng. Gìn giữ những nét đẹp muôn đời của tổ tông mà lớn hơn cả là nét đẹp văn hoá trong tâm hồn người Việt chứa đựng bên mái đền thân thuộc sẽ luôn ẩn chứa những giá trị huyền bí để mỗi người dân hướng về cái thiện, về với cội nguồn dân tộc trong dịp hành hương đầu xuân.