Vùng Mường Lò (Yên Bái) nơi tập trung rất đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống có rất nhiều phong tục, lễ hội và các tục cúng giỗ đặc sắc. Bên cạnh những lễ hội như: Rằm tháng giêng, Tết xíp xí (rằm tháng bảy), Sên bản, Sên Mường, Sên có tén, Sên Hươn… thì lễ hội Hoa Ban là một hoạt động văn hóa khá tiêu biểu của vùng đất và cuộc sống tinh thần của người Thái Mường Lò.
Lễ hội Hoa Ban hàm chứa ý nghĩa cầu phồn thực của cư dân nông nghiệp vùng miền núi, thể hiện nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với tâm nguyện thỉnh bái “Then” – vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái “nàng Ban” – một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thuỷ chung; thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của dân bản luôn đầm ấm, yên vui.
Truyền thuyết của người Thái kể rằng: Nàng Ban là một cô gái xinh đẹp nhưng bị bệnh đậu mùa, nàng không lấy chồng mà lên hang Thẳm Lé (nay thuộc xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn) sinh sống. Cuối cùng nàng đã kiệt sức ở đó, nơi nàng nằm xuống sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp vùng Tây Bắc, và hàng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng núi rừng. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa Ban.
Hội Hoa Ban là ngày vui của họ hàng, của bản, mường và là dịp cho trai gái gặp gỡ, hò hẹn nhau. Vào ngày 5/2 (âm lịch) hàng năm lễ hội Hoa Ban được tổ chức.
Lễ vật trong nghi lễ là thịt lợn. Người Thái quan niệm lợn là con vật thông minh, có thể làm trung gian giao tiếp với các thần linh để thỉnh cầu những ước nguyện của cả dân bản. Đồ lễ gồm có: đầu, đuôi, bốn chân, xương thịt, lục phủ, ngũ tạng, mỗi thứ một gói. Và trong lễ vật để dâng tế thì rượu là đồ lễ không thể thiếu trong nghi lễ.
Lễ hội thường được tổ chức ở hang Thẳm Lé gắn với làn điệu khắp chơi hang. Lễ hội gồm 2 phần lễ và hội, phần lễ để cúng thần linh, phần hội để tạo nên những tiếng cười thoải mái nhằm giáo dục con người vươn tới cái tốt đẹp. Toàn bộ phần nghi lễ được thực hiện ở ngoài cửa hang, sau đó thầy mo vái “Then” xin mở cửa hang thì phần hội lúc đó mới được diễn ra cả bên trong và bên ngoài cửa hang.
Thầy mo vái “then” và khấn rằng:
“Mơi hăư:
Pu lông tánh bản la mương.
Chảu phạ tẳng pha tó.
Chảu Pên có Mương Lo.
Mương Lo luồng cả hạu.
Mương Lo nhắư chiêm lang.
Pú chảu tẳng xo lảy cỏn lán luông ngang pên thẳm.
Chắng hẳư tang khen sại mi quai hin.
Chắng hẳư chẳu thẳm kin cón, quai hin kin tốc đăng.
Hẳư xí chánh phạ hả bôn đin lông kin.
Chắng họt chẳu pua phạ, pua ngựa cham căm…
(Dịch: “ Xin mời:
Trời xuống dựng nên mường, nên bản.
Ông trời dựng nên sông, nối liền nhiều sải đất.
Tạo nên Mường Lò rộng.
Mường Lò rộng nhiều cánh đồng.
Mường Lò rộng xa như nếp nghĩ.
Núi tiếp núi lô nhô, vách đá dựng nên hang.
Phía tay trái trâu đá to nằm phục.
Lễ đặt đây: hang ăn trước, trâu đá ăn sau.
Mời bốn phương trời, mười phương đất cùng ăn…
Kết thúc bài cúng là lời: “Khay tu thẳm hở báo xao dân Mương khảu ỉn muôn, hở măn hảo hăn nơ”.
(Dịch: Xin mở cửa hang cho bà con dân bản, cho trai gái vào chơi hang).
Sau lễ cúng thì bà con dân bản được vào hang dự tiếp phần hội. Nội dung của phần hội chủ yếu là khắp giao duyên theo điệu Han Nê. Sau đó là các trò chơi hái hoa, múa xoè và ném còn.
Hội hái hoa Ban diễn ra rất sôi nổi với những trò diễn độc đáo đầy ắp tiếng cười hòa lẫn trong âm vang nhộn nhịp của tiếng khắp, tiếng pí, tiếng khèn, tiếng trống chiêng. Các chàng trai vừa khắp vừa giúp các cô gái hái những bông hoa trắng muốt đem về nhà.
Những bông hoa Ban không chỉ đẹp khi gài ở đầu sàn làm vật trang trí mà hoa Ban còn là món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái. Món hoa ban với gạo nếp tạo thành xôi sẽ cho hương vị đậm đà và ngào ngạt hương thơm, tạo nên nét đặc sắc trong lễ hội Hoa Ban.
Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc kết thúc các trò chơi trong lễ hội. Các chàng trai, cô gái vừa đi vừa khắp những lời chia tay nhau đầy lưu luyến hẹn đến mùa xuân mới, khi ban nở trắng đồi lại gặp nhau trong lễ hội Hoa Ban.
Lễ hội Hoa Ban là một lễ hội dân gian độc đáo, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái vùng lòng chảo Mường Lò. Nếu ai một lần được đến với bản làng của người Thái (Văn Chấn, Nghĩa Lộ) trong ngày hội Hoa Ban, được hòa mình trong không khí nhộn nhịp giữa tiết trời của mùa xuân vùng cao, chắc hẳn sẽ giữ được những ấn tượng khó quên về cái đẹp của khung cảnh trắng trời hoa ban Tây Bắc của Tổ quốc thân yêu.