Học sinh người Mã Liềng biểu diễn văn nghệ. Từ một tộc người sống trong rừng sâu có nguy cơ tuyệt chủng vì bệnh tật, đói rét và những phong tục lạc hậu, những năm gần đây người dân tộc Mã Liềng ở Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đang hồi sinh mạnh mẽ dưới chân dãy Trường Sơn sát đường Hồ Chí Minh.
Tộc người này hồi sinh là nhờ các dự án từ chương trình xóa đói, giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 134) và Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135) nên hệ thống điện, đường, trường, trạm nhanh chóng được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện giúp đồng bào “an cư lạc nghiệp”.
Gian nan quá trình vận động
Trước đây, người Mã Liềng sống trong rừng sâu, nhà ở chỉ là một túp lều lợp lá cọ gần con suối. Đàn ông đi săn bắt, hái lượm; đàn bà bắt ốc, mò cua. Du canh du cư, đói rét, bệnh tật đã xô đẩy tộc người Mã Liềng đến bên bờ tuyệt chủng. Có thời điểm tộc người này ở Lâm Hóa chỉ còn hơn 250 người. Từ khi được cán bộ của xã, huyện vận động ra sống dưới chân dãy Trường Sơn gần khu trung tâm, người Mã Liềng mới bắt đầu hồi sinh.
Ông Cao Xuân Quyến, cán bộ xã Lâm Hóa là một trong những người đầu tiên vào rừng vận động bà con ra định cư nơi ở mới, cho biết để có được các bản làng đông vui, yên ấm ngay sát đường Hồ Chí Minh như ngày nay là cả quá trình vận động gian khổ. Vận động được người Mã Liềng ra khỏi rừng đã khó, giữ chân họ hòa nhập cùng cộng đồng các dân tộc khác còn khó hơn nhiều.
Ông Quyến nhớ lại từ năm 1991, cán bộ xã đã phải băng đèo, lội suối vào rừng sâu vận động từng hộ ra sống dưới chân núi, gần các khu trung tâm hơn. Khi đó chương trình "định canh, định cư" đã làm gần 90 ngôi nhà cho người Mã Liềng sinh sống. Cán bộ cũng hết lòng tận tụỵ, cắm bản với đồng bào cùng ăn, cùng ở, cùng làm, hướng dẫn họ làm lúa nước.
Tuy nhiên do cơ sở hạ tầng lúc đó còn nhiều thiếu thốn, những người cắm bản lại chưa hiểu hết ngôn ngữ, phong tục tập quán của người Mã Liềng. Vậy là nhiều hộ lại vào rừng sâu sinh sống như trước, có thời điểm cả bản chỉ còn vài hộ ở lại.
Không nản lòng, cán bộ xã lại kiên trì làm lại từ đầu, trèo đèo, lội suối vào rừng sâu vận động từng hộ quay lại nơi định cư mới. Rút kinh nghiệm những lần trước, những người cắm bản đã tìm hiểu kỹ phong tục tập quán của đồng bào, quan tâm đến đời sống của bà con, hỗ trợ bà con từ dụng cụ sinh hoạt như chăn màn, xoong, nồi, dao, rựa, đến công cụ, phân, giống để sản xuất. Dù là những thứ rất nhỏ, nhưng không quan tâm giúp đỡ, bà con lại bỏ vào rừng sinh sống.
Đáng mừng nhất là nhờ các chương trình 134 và 135 đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, du nhập các loại cây trồng, con nuôi có năng suất cao vào sản xuất. Nhiều băng đĩa giới thiệu các mô hình làm ăn mới, nếp sống văn hóa mới cũng đã giúp bà con nhanh chóng hòa nhập cùng cộng đồng các dân tộc khác trong cả nước. Cách làm này đã phát huy được hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Sức sống mới bên dãy Trường Sơn
Với gần 90 hộ, có gần 370 nhân khẩu người dân tộc Mã Liềng định cư ở 3 bản Chuối, Cáo và bản Kè thuộc xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa. Đứng trên đường Hồ Chí Minh, có thể dễ dàng nhìn thấy các bản người Mã Liềng dưới chân núi. Buổi sáng khi những con chim rời khỏi tổ ấm cũng là lúc các bản làng rộn rã tiếng nô đùa của lũ trẻ dắt tay nhau đi học.
Hiện ở Lâm Hóa đã có 10 lớp bậc tiểu học, 4 lớp bậc trung học cơ sở. Điều vui mừng nữa là người Mã Liềng ở đây đã có 2 sinh viên đang học tại trường Đại học Y và Đại học Nông Lâm tại Huế. Đa số người Mã Liềng đều nói thành thạo tiếng phổ thông.
Ông Phạm Hạnh, Trưởng bản Chuối phấn khởi khoe với chúng tôi “bây giờ người Mã Liềng ở bản tiến bộ lắm, không kém đồng bào Kinh đâu, nhiều nhà đã sắm được tivi, xe máy. Bà con cũng biết trồng lúa nước rồi, bình quân mỗi nhà có tới một sào lúa nước và 2,5 sào đất màu để trồng ngô, sắn''.
Nhiều phong tục lạc hậu của người Mã Liềng đã được xóa bỏ như trước đây trong nhà có người chết, cả nhà phải bỏ đi làm nhà khác để ở; bản nào có nhiều người chết thì cả bản cùng bỏ đi tìm nơi ở mới. Tình trạng này đến nay thì không như thế nữa. Người chết cũng được xã, huyện hỗ trợ 500.000 đồng để làm quan tài chôn cất tử tế thay vì cho vào cái phên đan bằng tre, nứa để chôn như khi còn sống trong rừng sâu. Trâu, bò trước đây ở chung với người dưới sàn nhà mất vệ sinh, nay đang được xã vận động và hỗ trợ mỗi gia đình một triệu đồng để làm chuồng cách xa nhà ở. Trẻ con sinh ra đều được làm giấy khai sinh.
Đến thăm nhà ông Phạm Điều ở bản Chuối, trong ngôi nhà sàn, cái bếp đã ấm cúng hơn bởi có bắp treo, gạo đầy trong ché. Ông Điều tâm sự "bây giờ nhà tao no cái bụng rồi, không muốn chui lủi trong rừng sâu nữa đâu, ở đó buồn lắm mà cái bụng lại phải chịu đói quanh năm nữa!”. Bởi trước đây cả nhà ông Điều từng bỏ vào rừng sinh sống, khiến đứa con nhỏ 5 tuổi bị sốt rét không kịp đến trạm xá nên đã chết oan.
Từ sau lần đó, gia đình ông và người Mã Liềng nhận ra chỉ định cư gần các khu trung tâm, được sự quan tâm của chính quyền thì đời sống vật chất và tinh thần mới ổn định và nhanh được cải thiện. Và thực tế cho thấy, người Mã Liềng đang có được cuộc sống ngày càng no đủ bên đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử./.