Mỗi người cảm nhận thời gian theo một cách riêng tư nào đó. Nhưng với tôi, có một nơi chốn Hà Nội mà mỗi khi tôi đặt chân đến thì thời gian và không gian của cả trăm năm cùng hiện hữu.
Hà Nội của những phố cổ, của những làng nghề thanh sạch, điềm tĩnh. Và những khu phố mang dáng dấp của
Một trong vô số nét Paris, ấy là ngôi biệt thự cổ mang kiến trúc đặc trưng miền nam nước Pháp nằm giữa vườn cây; biệt thự “hoả xa” của ông trẻ tôi, vốn là kỹ sư đường sắt.
Những năm 70 thế kỷ trước, cha thường đèo tôi sau chiếc xe đạp Mercier màu ghi có ánh vàng từ quê ra Hà Nội thăm ông trẻ. Với tuổi thơ tôi, nó là toà lâu đài ẩn chứa lối đi bí mật của các chú lùn, những căn phòng tối mạng nhện và ma-cà-rồng, đầu lâu thuỷ tinh, nàng công chúa bị bùa ếm...
Ngày đó tôi không hiểu sao nhà của ông trẻ tôi lại có vài ba gia đình khác ở cùng. Công nhân nhà máy đèn, lái xe, công nhân vệ sinh… chiếm lĩnh hết tầng trệt và căn hầm rượu, sâu dưới chính giữa gian nhà. Họ nuôi thỏ và chuột bạch.
Ông sống ba phòng trên gác với một sảnh rộng có thể đá cầu. Sàn phòng, cầu thang lát ván lim tía Thanh Hoá, lò sưởi ốp đá Ác-đoa. Mà theo ông, thì ông không chơi đá nhập khẩu từ Pháp vốn để lợp mái mà dùng đá khai thác ở Lai Châu. Giá rẻ bằng 1/10. Chẳng biết thực hư? Nhưng tay nắm cửa, khoá, kính mài, gạch hoa hình hướng dương, ngói gốm đã được kiến trúc chỉ định. Hai mươi vạn gạch. Gần trăm khối gỗ lim, phải luộc phôi trước khi gia công, lắp ghép. Chưa kể vô số tấn xi-măng, sắt thép, cát vàng sông Lô. Hai bè tre gia cố móng.
Là dân kỹ thuật nhưng mê kiến trúc, ông đã phải ứng trước 3 năm lương, bán đất hương hoả, vay tiền bố vợ và vô số bạn mới đủ tiền xây ngôi nhà. Ngôi biệt thự thi công hai năm ròng. Làm xong ông còn thưởng thợ cả 50 đồng, thợ quân 10 đồng Đông Dương. Nhưng là thưởng treo, vì chưa có tiền trả. Kíp thợ thi công cao thủ đến mức, tường vôi cũ hắt nước cà-phê đen, quét vá lại ngay chính ông cũng không thể phân biệt được đâu là khoảng quét vá, đâu là màu vôi cũ.
Để in dấu ấn nghề hoả xa, ông yêu cầu kiến trúc sư vẽ kiểu từ bên Pháp phải mô phỏng được cái đầu tàu hơi nước với cái ống khói đặc trưng, nhà ga, các căn phòng phải phảng phất toa tàu, bếp và quầy rượu thì giống như không gian buồng lái. Các ô cửa sổ vuốt góc mềm mại như ô cửa tàu. Vậy mà người kiến trúc đã làm ông thoả mãn.
Chiếc đồng hồ cúc cu chạy bằng dây thiều đếm nhịp thời gian phụ hoạ với vòng quay của quạt hai cánh gỗ lật phật quanh năm suốt tháng. Chiếc đèn treo, chao sứ rạn vỡ nhưng vẫn toả thứ ánh sáng ban ngày ấm dịu.
Rồi những máy nghe nhạc quay tay, máy chụp ảnh “chùm đầu”, kiếm, súng săn gãy nòng, những brochure người Pháp dùng khi người ta du lịch Đông Dương, ly cốc, bát đĩa, những đồ ăn mạ bạc… Dấu ấn một không gian lịch sử hữu hình trong các đồ vật toả thứ hào quang buồn rầu.
Đôi khi ông dắt tôi dạo quanh khu vườn có hàng rào ngang, cắm lửng trên tường gạch lỗi lõm hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi và những cột trụ cao vóng. Thế giới vườn cây trầm mặc. Lá khô, cành mục. Mấy con sóc làm tổ trên cành sấu. Trầm khàn, ông cất lên bài ca về những cô gái hái nho. Giai điệu tươi vui tinh nghịch, nhưng sao giọng ông day dứt…
Trong lúc nhấc tôi bước qua những luống rau, khoai sọ tăng gia sặc mùi phân chuồng, ông bảo rằng, sau này khi có điều kiện ông sẽ khôi phục lại vườn hoa hồng vốn đã sưu tập đủ các giống hồng châu Á, Âu, Phi. Sẽ sửa lại bể nước và vòi phun ở giữa sân, đặt bộ bàn ghế bằng gỗ tếch Thái Lan làm bàn tiệc ngoài trời. Dọc bờ tường sẽ trồng dây hoa ti-gôn hoặc tầm xuân cho nó sinh tình.
Cứ mỗi hè qua, lên Hà Nội, tôi lại thấy biệt thự “hoả xa “ thay đổi diện mạo. Bờ tường bị tháo lỗ chỗ một hai ô rào ngang. Vải bạt che tạm, sau thì mái ngói, mái tấm lợp xi măng. Khu vườn bị chia cắt, bao vây, đánh lấn nhằm vào biệt thự “hoả xa”. Quần thâm, áo trắng, váy đỏ phơi giăng. Bếp dầu, than tổ ong bày dọc hành lang chưa đủ, nó còn được ngăn đôi làm phòng ở. Chân cầu thang biến thành nhà vệ sinh.
Tầng trên, ông tôi cũng thu về cố thủ trong phòng khách. Một phòng có ô cửa sổ lớn, nhìn ra vườn góc rộng nhất. Ông hay ngồi bên cửa sổ, nghe gió thổi trên tàng cây. Một phòng cho thuê. Phòng còn lại anh cháu bà tôi ở, vì đang theo học mỹ thuật.
Hôm nào trời đẹp, hai ông cháu đưa nhau lên khu phố Tây. Ông chỉ cho tôi hay, những dinh thự cũ của những người quen cũ và biết tiếng cũ. Ông lầm bầm kêu may mắn cho những biệt thự kia, và thở than giá như ông nhìn xa trông rộng một chút khi mua đất thì đã chọn được nơi qui hoạch chuẩn, ổn định như ở khu phố này thì biệt thự “hoả xa“ không bị lâm vào hoàn cảnh hấp hối mấy chục năm.
Ông tôi đau đớn cho rằng, mỗi con người khi chết đi thì phải có nghĩa vụ để lại dấu ấn của mình cho mai hậu. Dấu ấn đó có thể là một tấm gương tư tưởng, đạo đức, những bức tranh, tượng, những tác phẩm văn học… Nhưng đó là những người có khả năng chuyên biệt. Với người thường có tri thức, có tiền bạc thì nên để lại những công trình kiến trúc mang dấu ấn của riêng mình thì cũng hay ho chẳng kém.
Những công trình kiến trúc, không gian kiến trúc vĩ đại trên thế giới mà nhân loại được chiêm ngưỡng ngày nay, là do ít nhiều phải có sự điên rồ độc đoán nào đấy của mỗi cá nhân ông vua bà hoàng kết hợp với các tài năng kiến trúc mới thành.
Công trình kiến trúc đẹp nó mang lại khoái cảm văn hoá và gu thẩm mỹ cho cộng đồng nhiều hơn bất kỳ loại hình nghệ thuật nào. Liền một lúc cả đám đông có thể sờ ngắm nó trong nhiều thời điểm khác nhau tạo nên sự cộng hưởng, lan toả như là một biện pháp giáo dục tự nhiên, nhưng thực ra là có chủ ý.
Nhìn vào các công trình kiến trúc, người ta có thể thấy ngay hành trình lịch sử của mỗi dân tộc. Nhưng tiếc rằng ở ta, ngay cả những lâu đài thành quách cũ của các triều vua không phải là không đồ sộ, nguy nga tráng lệ như thiên hạ nhưng chẳng mấy còn lưu dấu. Chúng ta biết học cái hay cái đẹp, nhưng để cái hay cái đẹp đã học được thành hữu cơ trong thành phần cấu tạo văn hoá của dân tộc thì còn khập khiễng ở tất cả mọi người.
Rằng thử tưởng tượng Hà Nội có còn là Hà Nội nếu không có cầu Long Biên, Nhà hát Lớn, Dinh bắc bộ phủ, Bảo tàng lịch sử… Mảng không gian kiến trúc uy nghi, trầm mặc mà vẫn lịch lãm sang trọng. Ôi những kiến trúc công cộng thấm đẫm văn hoá kia, sẽ có ý nghĩa biết nhường nào nếu được những biệt thự như biệt thự “hoả xa“ nhà ta phụ hoạ và tô điểm… Ông tôi thở dài ngán ngẩm và chua xót, của mình mà không biết trọng giữ như thế, thì của thiên hạ, biết giữ thế nào đây ?
Rồi bố tôi nhận được tin lên Hà Nội giúp ông chuyển nhà gấp. Người ta muốn dùng biệt thự “hoả xa” để làm HTX giấy nến. Nhưng trước khi bàn giao nhà, ông tôi đã chống gậy sắt (ba toong) đi gặp bác sĩ Trần Duy Hưng, nói: Nếu Nhà nước cần trưng dụng biệt thự “hoả xa“ để làm trụ sở cho các cơ quan đối ngoại, hay nhà riêng cho các sứ quán thì ông hiến không. Nhưng dùng để mở rộng xưởng giấy nến, thì khác nào mặc áo lụa Hà Đông đi cày đi bừa.
Biệt thự hoả xa được cứu thoát kỏi số phận làm xưởng giấy. Nhưng nó đã như một khối u kiến trúc đang thời kỳ cuối. Còn ông thì mỗi ngày một teo tóp.
Ông tôi mất vào ngày Ngâu, không thể đưa di hài xuống theo đường cầu thang. Phần vì cầu thang biến dạng do cơi nới, phần vì những người chủ mới ở tầng dưới sợ xui. Người nhà đành phải buộc dây thả quan tài qua ô cửa sổ trống xuống nóc một chiếc mái vảy.
Cha tôi cầm bản di chúc bằng chữ Pháp, Việt lẫn lộn do ông viết. Nhưng chỉ có vậy. Mời được gần trăm con người bìu ríu quanh biệt thự “hoả xa“ đi nơi khác là điều không tưởng. Nhưng rồi có một chủ đất, mua dần từng căn phòng, từng mét vuông, nửa mét vuông suốt mấy chục năm.
Cuối cùng chỉ còn căn phòng của người hoạ sỹ gàn dở cháu bà tôi là chưa ký tên bán nhà. Hoạ sỹ say xỉn tối ngày. Căn phòng cũng bị bán lấn, chỉ còn diện tích đặt vừa hai chiếc chiếu. Mới đầu hoạ sỹ hét giá mười cây mỗi mét vuông. Rồi hai mươi cây. Nghe đâu cuối cùng đã tới 50 mươi cây một mét. Vừa ký tên nhận vàng xong thì chủ đất mới đã thuê người cõng hoạ sỹ xuống đất.
Và bây giờ mỗi khi tôi ngang qua chốn cũ, tôi không thấy 12 tầng khách sạn, dù nó cao ngạo xanh đỏ trước mặt. Trước mắt tôi vẫn là hình ảnh người ông còm cõi ngồi bên ô cửa trống trong biệt thự “hoả xa” ngó mãi ra vườn, kính lúp trên tay và những tạp chí kiến trúc vàng khè. Gió thổi. Nhưng không còn những bóng cây.