Giống như một giấc mơ, khi tôi quay lại chốn ấy lần thứ 3, đều đặn mỗi năm một lần, đến lúc cảm thấy cần là khoác balô lên vai. Chuyến tàu đêm xình xịch, lâu lắm mới thấy thổn thức với tiếng còi hú lanh lảnh và tiếng bánh xe kin kít xiết vào đường ray, tạo cho người lữ hành một cảm giác hồi hộp khó tả: ngày mai, mình sẽ trở lại chốn ấy - chốn mù sương.
Chợ Bản Vược lác đác người, bây giờ cũng sầm uất và phát triển hơn so với 2 năm về trước. Vẫn là người Mông, người Dao, người Hà nhì xuống chợ, vẫn cải địu trong làn, lợn gà, ngô, lúa… mang xuống đổi lấy dao, nồi niêu, xô chậu, xà phòng và thậm chí là bỏng ngô cho mấy đứa trẻ con.
Sông Hồng lặng lẽ đồng hành cùng chúng tôi suốt chặng đường ngược từ Bản Vược lên Trình Tường tới Tả Ngài Chồ. Từ trên cao đã thấy đường cao tốc xuyên Á kiêu hãnh vượt núi trên đất bạn trong khi con đường bên này sông vẫn mộc mạc với cỏ cây và những cột điện bằng tre khiến tim tôi chút ít xao động.
Đường rẽ vào trạm biên phòng Lũng Pô trên biên giới chìm nghỉm giữa bạt ngàn cỏ lau cao vút và xanh mơn mởn. Qua một khúc quanh, đã thấy suối Lũng Pô xanh thẫm đang hòa mình vào dòng sông Hồng đỏ phù sa từ phương bắc chảy xuống. Đó chính là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Từ đây, suối Lũng Pô là biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt Trung, và con sông Hồng chở bao câu chuyện không tên, bắt đầu hành trình về với biển Đông của mình.
Chúng tôi vào trạm biên phòng. Gian nhà nhỏ vẫn nằm đó đã bao năm nay, khoảng sân yên ả, đàn gà lục tục trong chuồng, ngoài vườn xếp đầy những chiếc thùng gỗ xinh xắn như những chiếc hộp đồ chơi dùng để nuôi ong.
Từ trạm Lũng Pô để đến ngã ba sông biên giới cần phải đi qua một con đường mòn giữa đám lau sậy, một vài thửa ruộng sũng nước, một triền đồi, một đoạn đường nở trắng hoa cúc dại. Cách không xa cột mốc số 92 là một bụi dã quỳ vàng rực. Mùa này, trên biên giới sao ở đâu cũng thấy dã quỳ? Sông Hồng mùa khô cạn, để lộ ra một bãi sỏi thênh thang bên triền sông, nước chảy hiền hòa lờ lững. Tôi tụt theo vách cát khá cao và dốc ngược để đến sát với mặt sông.
Khỏa tay vào dòng nước ấy, ngả người trên những viên sỏi ấy, nâng máy ảnh lên để chụp những bức hình ấy, những mong giữ lại cho mình một khoảnh khắc bình yên đến nao lòng.
Rời Lũng Pô, con đường sau trận lũ mùa bão năm 2008 đã trở nên xấu hơn bao giờ hết, đất đá sạt xuống sà ra tận ta luy âm, người dân dắt xe qua mãi tạo thành con đường mòn nhỏ xíu và đôi chỗ hất ngược chênh vênh. Bên này là núi, bên kia là suối. Lũng Pô khô nước cằn cội uốn lượn giữa điệp trùng núi non, cứ hiện rồi lại khuất, nhưng đồng hành cùng tôi suốt chặng đường dài vất vả từ đầu nguồn sông Hồng qua A Mú Sung, A Lù về Ngải Thầu rồi Ý Tý.
Mảnh đất ấy vốn rất xanh, rất vàng, rất rạng ngời trong mùa lúa tháng 9, nhưng bây giờ thì ruộng bỏ không, phụ nữ ở nhà dệt vải, thêu khăn, đàn ông vào rừng tìm thảo quả, chặt gỗ, đến phiên chợ thì đi uống rượu và tập lái xe máy. Càng lên cao, trời càng trở lên lạnh lẽo, sương mù ở đâu cứ duềnh lên theo gió, bám vào vách núi này, trôi sang triền núi kia…
Chúng tôi dừng tại nơi lũ từ trên suối đã về phá tung con đường và kéo sập một góc núi. Ở đây, bây giờ người dân đặt những chòi giã gạo nhấp nhô, "dắt" nước theo những đoạn ống bương gác lên nhau, đẹp như cổ tích mà lại khiến người lữ khách bâng khuâng.
Anh bạn tôi cứ đi loanh quanh những chiếc chòi lợp rơm, lợp bạt ấy, loanh quanh ghi hình nước chảy từ bương sang bương, từ bương xuống chày nước, rồi chiếc chày ấy nâng mình lên, đầu kia nước lại tràn ra, nước từ bương lại chảy vào, lặp đi lặp lại...
Rồi cũng tới Ý Tý, xứ sở của cổ tích với những ngôi nhà trình tường vuông vắn xinh xắn như chiếc hộp diêm bằng gỗ treo lơ lửng ở chốn mù sương. Người Hà Nhì ở quây quần thành bản làng trên triền núi, từ xa nhìn về, chao ôi là đẹp, là mộng mị.
Đã có bao bức hình ghi lại nắng, gió, sương mờ, mây mù cùng nhau khoác tấm áo lóng lánh như cầu vồng lên những mái nhà cổ tích ấy? Đã bao người rung động tâm hồn bởi cảnh sắc như chốn bồng lai, như câu chuyện kể từ thời xa xưa trong trang sách cũ, trong những bộ phim hoạt hình dành riêng cho đám trẻ con?
Đêm Ý Tý. Mùi thảo dược của bồn tắm lá trong nhà trọ bám đầy trên tóc, trên da thịt. Trăng ngoài kia sáng thế, tròn trịa thế. Đêm nay rằm. Cả phố núi bồng bềnh giữa biển trăng.
Tôi ngồi thu lu trên bờ rào đá, thấy lòng sao nhẹ tênh, thấy chốn ấy sao mà yêu đến thế. Xa xa tiếng chó sủa vẳng lại khiến không gian bớt đi sự tĩnh mịch và tạo nên một cảm giác rất an lòng. Không ngủ được, chắc vì đêm yên bình quá.
Sớm mai, tôi xuống bếp nấu rượu sưởi ấm chuyện vãn với bà chủ nhà, chốc chốc lại hé cửa nhìn ra, những mong sẽ gặp một biển mây tràn về quấn vào phố núi. Mà nắng lên cao thế, nhưng gió không về, nên mây không xuống được. Chỉ những gian nhà cổ tích vẫn nằm im lặng trên triền núi, thấp thoáng bóng người đi lại trên con đường mỏng như dải lụa vắt vẻo dọc ngang.
Các bạn tôi chia thành hai nhóm, một đi xuống Tả Dìn Thàng, một chạy ra Lao Chải cách đó vài trăm mét để khám phá xem ở chốn ấy, người Hà Nhì họ đã sống và yêu thế nào. Tôi vắt vẻo trên ban công của gian nhà trình tường 2 tầng trước một trường học, có đám trẻ con đang tụ tập xúm xít nhảy chơi, đứa đánh quay, đứa bắn tên, đứa cõng em, đứa chạy qua chạy lại. Chúng hồn nhiên vui đùa, tôi hồn nhiên hong nắng và lòng lặng không gợn chút âu lo.
Rồi cũng tới giờ lên đường trở về Hà Nội, chúng tôi rời Ý Tý, vượt con đèo không tên cao nhất Việt Nam cheo leo trên cánh rừng Dền Sáng. Núi Nhĩ Cù San ở đây có đỉnh cao 2660m, còn Dền Sáng - Dền Thàng chơi vơi ở độ cao tới 2000m, không khí mát lạnh và trong trẻo vô cùng. Như khi lên đến đỉnh cao sân bay Phình Hồ cách Ý Tý độ 1 giờ xe máy cũng vậy, cảm giác khoáng đạt tràn ngập trong lòng. Tiếng cười của bạn bè tôi nay đã thành những ký ức không thể nào quên.
Rời chốn ấy, con đường vẫn xấu xí ngang qua những bản làng, những khoảnh sân nhà, những triền núi mà đồng bào đang ngồi hong nắng và thêu thùa. Mặc kệ những cánh đồng chưa gieo mạ, mặc kệ cát bụi mịt mờ, váy áo khăn gối ở chốn ấy vẫn rực màu, xe cút kít vẫn lăn trong tiếng cười của bọn trẻ, hoa xuyến chi tím ngát những khoảng trời…
Ở chốn ấy, chốn cổ tích mù sương….