Vào mùa lụt, nếu ai có dịp về xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa, Phú Yên) thể nào cũng được thưởng thức món thịt chuột nướng lá lốt.
Sau vài đêm mưa tầm tã là những cánh đồng ngập trắng chỉ còn lưa thưa một vài cồn đất nhô lên khỏi mặt nước, đó là nơi trú ẩn cuối cùng của lũ chuột. Đó là thời điểm nông nhàn và như một thói quen, rủ nhau cùng ra đồng bắt chuột. Anh Trần Văn Hiến (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) kể: Để bắt được chuột cần ít nhất 7-10 người mang theo xuổng cuốc, sào và chiếc giỏ tre…
Khi đến nơi, người dùng sào, người dùng tay khua nước, nhất là khua vào những đụn rơm rạ còn nổi lều bều trên mặt nước để đuổi cho chuột chạy hết lên bờ đất cao. Chuột hoảng sợ chạy tán loạn, chờ cho chúng mệt lử, người ta mới bắt. Có những chú chuột ranh mãnh cố chui vào hang, lúc này những người săn chuột phải dùng cuốc xuổng đào hang mới bắt được. Để giữ cho chuột không bị chết (vì chết mất ngon) người ta cho chúng vào chiếc giỏ đeo bên mình.
Đi bắt chuột là một thú vui, đồng thời thịt chuột là một món ăn khá thú vị trong những ngày tiết trời se se lạnh. Làm thịt chuột cũng lắm công phu. Ông Nguyễn Văn Hưng, người đã có “thâm niên” trong “nghề” làm thịt chuột cho biết: “Bắt được chuột về, người ta cho lên bếp than hồng hoặc lấy rơm khô thui cho cháy hết lớp lông, sau đó cạo sạch, dùng cật tre để mổ lấy hết nội tạng, chỉ giữ lại phần mình và đùi. Khi làm tuyệt đối không được, dùng nước vì như vậy thịt sẽ hôi và mất vị ngọt.”
Sau khi làm sạch sẽ, người ta lấy lá lốt còn nguyên gói từng con chuột cho lên vỉ nướng. Khoảng 15 phút sau, thịt tỏa mùi thơm, tức là thịt đã chín. Khi ăn chỉ cần một chén muối giã với mấy trái ớt xiêm là được. Mùi thơm của lá lốt quyện lấy mùi thịt vừa chín và vị cay nồng của ớt lan ra đầu lưỡi ngon không tả xiết. Ai đã một lần thưởng thức chắc sẽ nhớ mãi vì vị ngọt ngon của thịt chuột nướng lá lốt của các vùng quê Phú Yên khác hẳn với món thịt chuột ở