Ngày nay, mỗi khi nghe danh từ riêng Tây Bắc, như một phản xạ tự nhiên ai trong chúng ta cũng nghĩ đến một vùng văn hoá với loài hoa ban bình dị như cuộc sống nghìn đời của người dân sơn cước - Nơi đây có những điệu xoè khiến khách đường xa chỉ ngắm thôi đã nghe lòng như ướp men say; đi cùng với đó là những thiên tình sử “Xống chụ xon xao”, “Lhá pa dí” hoặc khúc bi ca “Tiếng hát làm dâu” với bao nhiêu nỗi niềm trĩu nặng lòng ta...
Đó là một vùng quan san trùng điệp, không chỉ cách trở mà còn hiểm trở, nhưng lại vô cùng hấp dẫn bởi những nét cẩm tú của thiên sơn vạn thuỷ. Thực ra, Tây Bắc là tên gọi theo phương vị địa lý mà “tâm điểm” chính là Thủ đô Hà Nội, ngoài ra không mang ý nghĩa nào khác nữa. Từ “tâm điểm” của vùng đất “trong sông” ấy, theo quốc lộ số 6, xưa kia đại binh do Cao hoàng Thái tổ Lê Lợi thống lĩnh đã phải vượt sông Đà tại nơi “đã Bến lại còn Chợ, đã Chợ lại còn Bờ và Suối không chảy mà là Suối Rút”. Nhân nói về sông Đà, xin kể đôi lời về một tục lệ có từ lâu đời ở làng Khê Thượng, huyện Ba Vì, Thủ đô Hà Nội. Tết nào cũng vậy, cứ đêm giao thừa làng Khê Thượng lại tưng bừng với lễ chèo thuyền trên sông Đà, để đưa công chúa Ngọc Hoa (vợ của Sơn Tinh) về thăm Vua cha Hùng Vương ở quê hương Nghĩa Lĩnh. Truyền thuyết kể rằng Ngọc Hoa là người con hiếu thảo, phận gái tòng phu “trong nhờ đục chịu” nhưng Tết nào nàng cũng phải về thăm ông bà ngoại mới yên lòng. Chả biết câu chuyện hư thực thế nào, nhưng tính giáo dục về đạo lý con người thì thật tuyệt vời...
Vậy là bạn đã “lạc” vào xứ sở “hoa ban nở thành người con gái Thái” - đó là câu thơ mà Trần Mạnh Hảo viết cách đây 29 năm trời, một câu thơ thuộc vào “sê-ri” những câu thơ hay nhất về hoa ban Tây Bắc. Mùa này hoa ban nở trắng rừng trắng núi, xe bon bon như ru lòng ta dưới những tán hoa ban Mộc Châu, Yên Châu, Nà Sản, Sơn La... rồi bất chợt ta gặp một dãy núi cao hơn mọi niềm kiêu hãnh với tên gọi Pha Đin. Mỗi người giải thích hai chữ Pha Đin theo cách của mình, nhưng đúng nhất, đó là con đèo đã oằn mình lên trong suốt cuộc trường chinh “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm”. Pha Đin là địa danh đầu tiên gắn với cuộc chiến Điện Biên Phủ, ấy là nói trong phạm vi chiến trường Tây Bắc mà thôi. Trên đường từ ngã ba thị trấn Tuần Giáo vào Điện Biên, mời bạn dừng lại một địa danh mà dường như còn quá ít người để ý, đó là hang Thẩm Púa. Đây là nơi đặt Chỉ huy sở đầu tiên của quân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ: Cây số 15, quốc lộ 279 Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Ngày ấy đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ dài 70km (ngắn hơn bây giờ 12km), là đường ngựa thồ và bỏ hoang cũng đã lâu, các đơn vị công binh và thanh niên xung phong có nhiệm vụ phải hoàn thành gấp cho xe kéo pháo vào mặt trận kịp giờ G. Tại hang Thẩm Púa, ngày 14/1/1954, mệnh lệnh “Đánh nhanh thắng nhanh” được Võ Đại tướng phổ biến bên cạnh một sa bàn lớn, dự kiến giải quyết Điện Biên Phủ chỉ trong vòng 2 ngày 3 đêm...
Tròn 1 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1955 Khu Tự trị Thái - Mèo được thành lập, 7 năm sau Quốc hội khoá II ra nghị quyết đổi tên thành Khu Tự trị Tây Bắc.Trong số nhiều lý do, một lý do rất thực tiễn là tên gọi Khu Tự trị Thái - Mèo không những không bao hàm hết sắc thái văn hoá của gần 30 dân tộc thiểu số trên địa bàn; mặt khác, e rằng có thể gây ra những hiểu nhầm không đáng có, về sự bình đẳng giữa các dân tộc anh em.
Quả thực nếu ví Tây Bắc như một “ngôi nhà chung” với “mái nhà” là đỉnh Phan Si Păng cao 3.143m, thì trong “ngôi nhà” ấy có một nền văn hoá dân gian đa dạng, đặc sắc và vô tận. Tầng 1 ngôi nhà (vùng thấp) là nơi cộng cư chính của các dân tộc Thái, Lào, Lự, Kháng... với gương mặt tiêu biểu về bản sắc là dân tộc Thái. Trong khi đó tầng 2 ngôi nhà (vùng cao) là nơi cư trú lâu đời của các dân tộc Mông, Dao, La Hủ, Hà Nhì, Si La, Khơ Mú... với gương mặt văn hoá đại diện là dân tộc Mông. Thật không hề đơn giản chút nào khi nói về văn hoá của cả một vùng rộng lớn, với mấy chục sắc tộc vừa đơn lẻ vừa thống nhất. Tuy nhiên, những gì được coi là đặc thù cũng đủ để chúng ta nhận diện tính chất của “Vùng văn hóa hoa ban”.
Cuộc sống tạo nên các sắc thái văn hoá và đến lượt mình, văn hoá làm cho cuộc sống phong phú hơn, lãng mạn hơn và cũng ý nghĩa hơn. Còn gì lạ lùng cho bằng và kể cũng là “khó tìm hiếm gặp”, khi ta chứng kiến một người Kháng thản nhiên uống nước bằng... mũi (ta mui). Đã thế, không phải uống loại nước bình thường mà là nước măng chua ngâm với tỏi sống, rau thơm nghiền nát, đổ vào quả bầu nậm, rồi cứ thế cho chảy vào mũi, trong khi miệng vẫn chén ngon lành các món khác. Cũng tộc người này có sở trường chế tạo thuyền độc mộc hình đuôi én, dáng đã đẹp lại bơi rất nhanh. Đến mức người anh em Thái vốn là những cư dân cũng rất thạo nghề sông nước, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận: “Thuyền tốt không ai bằng thuyền Kháng”. Trong văn hoá vật thể, người La Ha nổi tiếng với “bộ sưu tập” trống đồng cổ. Đồng bào quan niệm tiếng trống đồng chính là “ngôn ngữ đặc biệt”, giúp con người trần tục có thể tấu bày điều này điều kia lên các đấng thần linh. Nhiều dân tộc Tây Bắc có lễ “Mừng măng mọc”, nhưng riêng người La Ha còn thể hiện sự độc đáo qua vũ điệu phồn thực giàu biểu cảm, trong âm thanh rộn rã của đàn ống, với những thiếu nữ chân nhún nhảy, miệng cười ngon như đọt măng vừa nhú. Trong số 21 dân tộc của nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme, dân tộc Mảng không chỉ độc đáo bởi tục xăm cằm ở phụ nữ, mà còn rất đặc trưng qua “đơn vị đo lường” của mình. Muốn đo chiều dài họ theo cách tính “con dao quăng” hoặc “khăn khô - khăn ướt”, đo trọng lượng tính theo “bỏng đuê”, mỗi “bỏng đuê” tương đương 20kg. Nếu tính số lượng (phép đếm số học), đồng bào áp dụng hình thức mỗi đơn vị ứng với một hòn sỏi. Nghe nói trước kia, thời chữ quốc ngữ chưa phát triển trong cộng đồng người Mảng, nhiều vùng bà con chỉ có số đếm tối đa đến hàng triệu (triều me). Nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến có dân tộc tục gọi “Lá vàng”, với câu nói: “Núi cao bao nhiêu cũng nằm dưới bàn chân của người La Hủ”. Vẫn biết đấy chỉ là câu nói vô tư cửa miệng chứ không định “lập ngôn” để đời gì, nhưng nó hàm chứa khí phách của tộc người “Lá vàng” tận nơi thượng nguồn sông Đà trên biên giới Việt - Trung; đó là 6 bản vùng bắc Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu hiện nay.
Cũng nằm trong nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, có dân tộc Si La với nhiều nét văn hoá độc đáo đến mức kỳ lạ, rất đáng được các nhà nghiên cứu quan tâm. Trước hết, đó là tôtem về truyền thuyết giống nòi, khiến tất cả các dòng họ người Si La đều kiêng ăn thịt mèo. Điều đặc biệt trong tục lệ tang ma của dân tộc Si La thể hiện ở chỗ mỗi khi có người chết, gia đình lại tổ chức vui chơi, ca hát thay vì than khóc não nề. Người Si La theo đạo Phật và ở đây, triết lý “sinh ký tử quy” cho phép người sống hân hoan mỗi khi tiễn thân nhân mình “về” với tổ tiên(!). Xưa kia đàn ông Si La nhuộm răng màu đỏ, đàn bà nhuộm răng màu đen, nhưng rất tiếc ngày nay tập quán này không còn được duy trì ở bất cứ nơi đâu.
Trải qua quá trình hỗn dung và tiếp biến hàng trăm, hàng nghìn năm trên vùng nhiệt đới gió mùa Tây Bắc, phải nói không ít nền văn hoá tộc người đã và đang nhạt nhoà trước nền văn hoá từ các tộc người khác. Một trong những nền văn hoá có khả năng tạo ảnh hưởng nhiều nhất, đó là văn hoá Thái với rất nhiều trường ca, truyền thuyết, các điệu múa mà tiêu biểu là múa xoè. Chính hệ thống mương - phai - lái - lịn đã đưa dân tộc Thái lên hàng xuất sắc nhất, trong số những tộc người của “nền văn minh nông nghiệp vùng cao”. Để mô tả cuộc chinh phục vô vàn vinh quang nhưng cũng nhiều nỗi cay đắng của tổ tiên, người Thái có truyện thơ “Táy pú xớc” được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Tại khu vực Nậm Pó (xã Mường Xo, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), hiện còn dòng suối nước trong vắt, róc rách trong dòng chảy là câu chuyện kể về nàng Han như một “Gianđa Thái” tắm tiên. Đó là một “thần vệ nữ” đánh giặc tài và cũng yêu như sẵn sàng đốt cháy mình lên, người dân trong vùng quả quyết đêm giao thừa nào nàng Han cũng hiện về tắm ở chỗ cũ, vẫn với tấm thân ngà ngọc như xưa.