“Xử cang” của người Mông, nếu nói theo tiếng Kinh thì gọi là thần nhà. Đó là một mảnh giấy bản, cắt theo hình chữ nhật với chiều rộng khoảng 25 cm, chiều dài khoảng 40 cm và được trang trí bằng nhiều họa tiết, hoa văn hình mắt cọp, hình quả trám có đường viền kẻ ngang, gắn 3 chỏm lông gà dán lên tường của gian nhà giữa đối diện với cửa chính, tượng trưng cho thổ địa, thổ đất và thần núi... “Xử cang” được người Mông thờ cúng vào đêm 30, tháng 11 (Âm lịch) hằng năm cùng Tết cổ truyền của dân tộc mình.
Có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người Mông, cho nên bất cứ người Mông nào sau khi bố mẹ cho ra ở riêng đều phải có “Xử cang” để tôn thờ, chỉ trừ những gia đình theo đạo thì không có. Cứ sau một năm trôi qua, họ lại thay áo mới cho “Xử cang” một lần bằng cách cắt một mảnh giấy bản mới khác thay thế mảnh giấy đã cũ và mổ một con gà trống để thờ, thể hiện sự tôn kính của con người đối với các vị thần linh. Mỗi lần thay áo mới và cầm con gà dâng lên “Xử cang”, chủ hộ khấn rằng: “Thưa Xử cang, năm cũ đã qua, năm mới đến, con là chủ hộ, con xin thay áo mới và dâng cho Xử cang con gà trống to, có bộ lông đẹp nhất. Sang năm mới, Xử cang phù hộ gia đình con mạnh khỏe, hạnh phúc và làm ăn phát đạt, con cái học hành tiến bộ...”. Sau khi cắt tiết, chủ hộ nhổ 3 chỏm lông ở cổ con gà chấm tiết và gắn lên phía đầu trên của mảnh giấy “Xử cang”.
Tiếp đó, con gà được mang ra làm sạch và sau khi đã nấu chín, chủ hộ dọn 2 bát cơm, 2 chén rượu, 2 đôi đũa cùng với 12 nén hương và giấy để lên mâm, đặt trước “Xử cang” và cúng tiếp. Chủ hộ thưa rằng: “Thưa Xử cang, nãy con đã chỉ cho thần con gà trống to, giờ con nấu chín, xin mời thần dùng và mong thần phù hộ cho gia đình con luôn được mạnh khỏe... Sang năm, con sẽ tiếp tục dâng cho Xử cang con gà trống...”.
“Xử cang” trong tâm linh của người Mông được coi như thần hộ mệnh phù hộ độ trì cho con người, gia súc, gia cầm và mùa màng... Chính vì vậy, người Mông rất coi trọng việc thờ cúng “Xử cang”.