Năm 1959, trước khi Nghị quyết 15 của Trung ương được chỉ đạo thực hiện ở khắp miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, đồng bào các dân tộc Trà Bồng cùng các huyện miền tây Quảng Ngãi với ngọn lửa rực cháy hờn căm đã sát cánh bên nhau vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, cùng với Bến Tre mở đầu cao trào Đồng khởi, tạo nên bão lửa cách mạng sục sôi ở miền Nam, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang giai đoạn mới.
Nơi khai ngòi phong trào Đồng khởi ở
Hôm lên huyện Trà Bồng công tác, gặp Bí thư Huyện uỷ Trần Đức Minh, thấy trên bàn làm việc của anh có cuốn sách "Trà Bồng quật khởi" và "Những ca khúc viết về Trà Bồng", tôi hơi ngạc nhiên. Anh Minh bộc bạch: "Lên nhận công tác trên đây, có cuốn sách và tập nhạc này giúp mình hiểu hơn về con người, vùng đất Trà Bồng anh hùng trong chiến tranh cách mạng. Càng đọc càng thấy rất nhiều điều thú vị về lòng kiên trung, ý chí kiên cường xả thân vì cách mạng, vì Đảng của đồng bào, về cội nguồn sức mạnh của quần chúng nhân dân. So với Bến Tre, khởi nghĩa Trà Bồng nổ ra trước, là nơi khai ngòi mở đầu cho phong trào đồng khởi ở Nam Trung bộ”.
Đưa tôi đi thăm Nhà truyền thống, sân vận động, núi Kà Đam, vùng cao Trà Búi, Trà Tân, Trà Phong, thung lũng Trà Xuân… nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa cách đây gần 50 năm bảo tàng, anh Minh kể: Đầu năm 1959, để xây dựng chính quyền bù nhìn tay sai hòng thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Giơ-ne- vơ, chia cắt lâu dài nước ta, đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm ráo riết thực hiện chính sách "tố cộng diệt cộng", đưa ra Luật 10/59 trả thù những người kháng chiến cũ, chia cắt Đảng với dân, dìm phong trào cách mạng trong bể máu. Để phá tan cuộc bầu cử quốc hội của địch vào tháng 8.1959, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi chỉ đạo nhân dân các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi không đi bỏ phiếu; các huyện vùng cao Trà Bồng, Sơn Hà kiên quyết không cho chúng bầu cử. Ngày 23.8, địch điều quân lên Trà Bồng vây ráp cưỡng chế dân đi học tập bầu cử. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã Trà Thuỷ, Trà Giang biểu tình chống lại, sau đó rút vào rừng cắm chông, đặt thò, cài bẫy chống địch đàn áp. Địch tiến hành khủng bố, đàn áp dã man đồng bào. Ngọn lửa căm thù như bùng cháy. Tờ mờ sáng ngày 28.8, núi rừng Trà Bồng vang dậy tiếng trống, mõ, tù và của đồng bào xen lẫn tiếng súng của lực lượng thanh niên vũ trang xuống đường chống Mỹ - Diệm. Nhân dân các xã Trà Phong, Trà Lãnh, Trà Quân, Trà Sơn, Trà Nam, Trà Khê đồng loạt đứng lên với cung tên, dao rựa, mã tấu, gậy gộc… phối hợp cùng các đội du kích vũ trang diệt ác phá kèm, vây bắt gọi hàng binh lính địch… Chiều 28-8, nhân dân và lực lượng vũ trang tấn công trụ sở, dẹp bỏ bộ máy chính quyền bù nhìn. Ngày 29.8 du kích bao vây Eo Chim,
Anh Minh nói trong sự xúc động: Thế nhưng…. Dường như các nhà sử học vẫn chưa đánh giá hết ý nghĩa, tầm vóc cuộc khởi nghĩa đối với khu vực và cả nước trong thực hiện Nghị quyết 15 của BCHTW Đảng (Khoá III). Huyện mong có một hội thảo quốc gia để đánh giá đúng ý nghĩa và ảnh hưởng lớn lao của sự kiện này nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện "Trà Bồng quật khởi".
Khởi sắc buôn gần bản xa
5 năm trở lại đây cuộc sống của đồng bào Ko, Ka Dong, Kinh ở Trà Bồng đã có nhiều đổi thay. Sau bao năm còn đói cái bụng, mỏi cái chân do nay chốn này, mai núi nọ với bạt ngàn núi cao, giờ đây hầu hết bà con đã được định canh định cư, giao đất khoán rừng, bước đầu trồng lúa nước ở ruộng bậc thang, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm cải thiện và nâng cao đời sống.
Theo Bí thư Minh, Trà Bồng đã phát huy thế mạnh về lâm nghiệp, ưu tiên trồng và chăm sóc keo lá tràm, quế. Năm năm qua đã khai hoang được 1000 ha ruộng, vườn bậc thang nâng diện tích cây lúa toàn huyện lên 1.746 ha; năng suất 37 tạ/ ha, cây ngô 350 ha, sản lượng 1.050 tấn. Các trang trại phát triển, duy trì đàn bò 16.800 con, đàn dê 5000 con, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng chuyên canh cây mì (sắn), cây keo. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp 5 năm đạt 86,7 tỷ đồng. Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng chính sách cho 6.876 hộ vay hơn 66,4 tỷ đồng phát triển sản xuất. Nhờ các chương trình, dự án và vốn đầu tư cơ bản tập trung nên cơ sở hạ tầng KT-XH của huyện được củng cố, mở rộng, nhất là làm mới và nâng cấp nhiều công trình, đường sá bảo đảm ô tô về đến xã. Riêng Trà Hiệp, Trà Giang, Trà Tân, Trà Bùi còn là đường đất, mùa mưa không đi được. Sau trận lũ hồi cuối tháng 11, nhiều đoạn sạt lở đang khẩn trương đào đắp nối thông. Trước đây bà con các thôn ở Trà Sơn, Trà Thuỷ, Trà Hiệp phải đi lại bằng ghe hoặc làm cầu khỉ nay có chiếc cầu Đỏ do Chính phủ Nhật Bản tài trợ xây dựng nên giao thông đã thông thương. Đường nối cánh tây đường Trường Sơn Đông với Dung Quất đi ngang qua huyện sắp cắm tuyến, thực hiện giải toả đền bù để thi công. Đường du lịch sinh thái qua Sơn Hà nối các xã Trà Đồng, Trà Bùi, Trà Tân sắp thi công góp phần giải quyết vấn đề tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu của bà con trong vùng.
Ngoài thuỷ điện Kà Đú đã hoà lưới điện quốc gia chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý, huyện đang thi công thuỷ điện Hà Nan. Thuỷ lợi hồ Sình Kiến, Y Keo và hệ thống kênh mương thuỷ lợi kiên cố hoá cùng nguồn nước suối tự nhiên đã bảo đảm phục vụ sản xuất. Điện lưới quốc gia ngày càng mở rộng, toả đến các thôn tổ, 98% hộ dân sử dụng điện. Các chương trình 135 của Chính phủ, chính sách trợ cước, trợ giá, phục vụ các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn. Các trường học cơ bản được kiên cố hoá, được triển khai đồng bộ với tỷ lệ học sinh khá, giỏi duy trì khoảng 20%. Hệ thống cửa hàng quốc doanh tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả. 9/10 xã có bưu điện văn hoá, trung bình có 7 máy điện thoại/100 dân. Sự nghiệp văn hoá xã hội có bước phát triển, hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Thực hiện chương trình 134 đã làm mới 132 nhà cho đồng bào với kinh phí 792 triệu đồng. An ninh quốc phòng luôn được giữ vững, bảo đảm chỉ tiêu tuyển quân, có 60% xã vững mạnh về quốc phòng an ninh. 33 chi bộ đảng với hàng trăm đảng viên luôn gắn bó với buôn làng cánh cùng bà con xây dựng nông thôn mới.
Trong nắng ấm mùa xuân, những cánh đồng bậc thang lúa xanh mượt, óng ả kéo dài sát chân núi Rát, Hòn Me, Răng Cưu, Núi Gió, Kà Đam… Nhiều buôn gần, bản xa của Trà Xuân, Trà Sơn, Trà Giang, Thôn Quế, Trà Bùi… bà con tách hộ, làm nhà ngói giữa những mảnh vườn cây trái sum sê. Dọc tỉnh lộ 622 và đường bê tông về các xã là những cánh rừng keo lá tràm, rừng quế "ngát hương Trà Bồng" đang lên xanh tốt, hứa hẹn một nguồn lợi lớn từ đất rừng. Thị tứ Trà Xuân đã có những ngôi nhà hai tầng khang trang tạo nên dáng dấp của một phố huyện vùng cao… Bức tranh Trà Bồng đã sáng lên những gam màu tươi mới. Tôi thầm nghĩ: Tuy vẫn còn gian khó (trên 61% hộ đói nghèo), phải nhận gạo cứu trợ của Trung ương và tỉnh từ 25-30 tấn/ năm để cứu đói nhưng với đà đổi thay như hiện nay, bằng ý chí và nghị lực của vùng đất anh hùng quật khởi, với tư duy năng động và đổi mới, sâu nặng tình Đảng, nghĩa dân chắc chắn Trà Bồng sẽ vươn lên chiến thắng đói nghèo, xây dựng chiến khu cách mạng giàu đẹp.