Cũng như nhiều dân tộc khác, người Dao tuyển còn lưu giữ rất nhiều nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc trong kho tàng văn hoá dân gian của mình. Một trong những nét đẹp văn hoá đó là hát giao duyên. Hình thức hát giao duyên của người Dao tuyển khá phong phú nhưng chủ yếu là hình thức hát có lề lối, tổ chức và hát tự phát, đơn lẻ.
Mặc dù cuộc sống lao động vất vả, nhưng người Dao vẫn lạc quan yêu đời. Họ yêu quý mùa xuân, khát khao mong chờ mùa xuân tới: "Em lo nương rẫy luôn tay/ Mong sao xuân tới được ngày hát vui.". Hàng năm, từ ngày mùng 2 Tết đến Rằm tháng Giêng, người Dao thường tổ chức hát hội đầu xuân giữa nam thanh niên làng mình với nữ thanh niên làng khác. Sau khi gặt hái xong, các làng người Dao thường tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt văn hoá như: cấp sắc, làm chay, cưới xin, dựng nhà mới..., nhưng hoạt động có tính hấp dẫn, thu hút cả nam, nữ thanh niên trong làng là tham gia chuẩn bị cho hát hội đầu xuân. Chuẩn bị cho hát hội đầu xuân, cả làng chọn một thầy hát giỏi để vừa d?y hát, luyện các bài hát cho thanh niên trong làng, vừa trực tiếp viết thư mời nữ giới một làng trong vùng thi hát hội đầu xuân. Thư mời phải được viết trên giấy dó, phong bì là giấy mầu đỏ, phong thư thường được kèm 3 gói thuốc lào. Nội dung thư thường thể hiện sự mong muốn hát cho: "cây lúa mẩy hạt, hoa quả sai trái, trâu, lợn đẻ được nhiều con", đồng thời thư cũng hẹn rõ thời gian, địa điểm, số lượng của đoàn khách nam giới đến hát. Kèm theo thư là ba đôi đồng xu để gửi cho già làng, trưởng làng và thầy hát. Sau khi nhận thư, bên được mời sẽ bàn bạc để quyết định nhận lời hoặc từ chối. Nếu nhận lời, già làng, trưởng làng và thầy hát làng bên sẽ luyện tập, hẹn ngày tổ chức hội hát.
Đến ngày hẹn, trai làng thách hát do ông thầy dạy hát dẫn đầu mặc trang phục ngày tết đến làng nữ nhận hát. Cách cổng làng khoảng trăm mét, tốp trai làng dưới sự dẫn dắt của thầy hát tổ chức hát gọi, hát chào với nội dung chào già làng, trưởng bản và xin phép cho trai làng đến hát. Đoàn hát vào làng và cuộc hát hội diễn ra sôi nổi. Ban ngày, họ chọn vườn cây, ngọn đồi để hát. Bên khách hát xin được trò chuyện, hẹn ước với các bạn gái, nhiều đôi tách riêng hát tâm tình với nhau. Hát đối đáp nam nữ đã trở thành tiếng hát tình yêu. Tuy nhiên, không ai trong đoàn khách hát nam giới được vào nhà. Đến bữa tối, già làng mời đoàn khách hát và đoàn hát của làng cùng vào nhà ăn cơm. Sau đó lửa được đốt lên và cuộc hát đối đáp lại bắt đầu. Cuộc hát cứ thế diễn ra suốt đêm, đến canh năm trời tang tảng sáng, lúc này, bên khách, bên chủ bịn rịn chia tay. Các thiếu nữ tặng cho các chàng trai túi đeo thổ cẩm do tự tay mình làm ra: một chiếu khăn và một quả còn trong có gạo. Các chàng trai lặng lẽ tháo nhẫn bạc tặng cô gái để làm tin. Bên nữ hát tiễn khách, bên nam hát bài tạm biệt và hẹn gặp lại trong cuộc hát mới: Chắp tay ngồi mâm hát một câu/ Trai xinh, gái đẹp hát trả bài/ Cung trăng, mặt trời cùng xuất hiện/ Tiết lạnh con chim cũng bay đi...
Cùng với hát hội đầu xuân, người Dao còn tổ chức hát qua làng, hát xin cốm, tất cả những làn điệu, câu hát đều được thể hiện qua hình thức hát giao duyên. Dù là hát hội đầu xuân hay hát qua làng, hát xin cốm... những lời ca đều thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm trong sáng giữa thanh niên nam nữ. Trai gái cùng nhau vui hát, tình yêu đôi lứa của nhiều người cũng bén nhau từ hội hát đầu xuân mà nên duyên vợ chồng. Chia tay nhau họ lại trở về cuộc sống đời thường nhưng trong lòng mỗi người còn mang đậm nỗi nhớ về mùa xuân, về tình yêu và ước vọng tốt đẹp ngày mai.